BẢO HIỂM Y TẾ VÀ HỘI CHỨNG NGƯỜI THỨ BA TRẢ TIỀN
NGUT PGS TS Nguyễn Hoài Nam
BV Quốc tế Minh Anh
Bội chi là điều tất yếu
Bảo hiểm Y tế tuy mới được thực hiện ở nước ta, nhưng đã có một lịch sử khá lâu dài ở các nước tiên tiến trên Thế giới. Trải qua bao nhiêu thăng trầm thay đổi từ thí điểm đến thực hiện đại trà rộng rãi với nhiều đối tượng, ngày hôm nay Bảo hiểm y tế đã xây dựng được lòng tin ở người dân. Rất nhiều người coi nó như là một cứu cánh khi gặp lúc bệnh tật ốm đau.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bảo hiểm Y tế, năm vừa qua bội chi đến hơn 2.000 tỷ. Một số tiền không phải là nhỏ. Và số tiền bội chi ấy phải lấy ở đâu ra để bù đắp. Tất nhiên là phải lấy từ ngân sách của nhà nước và từ tiền thuế của người dân rồi. Sai một ly đi một dặm, Tại Pháp vào năm 1994 đã bội chi 1800 tỷ France, tương đương với 300 tỷ USD, một số tiền không phải là nhỏ.
Việc bội chi có nhiều nguyên nhân, trong đó ngoài việc không thực hiện chính sách đồng chi trả và đa dạng hoá Bảo hiểm Y tế còn có sự góp phần không nhỏ của hiện tượng tâm lý gọi là Hội chứng người thứ ba trả tiền có ở cả thầy thuốc và bệnh nhân.
Hội chứng người thứ ba trả tiền
Đây là một hội chứng về tâm lý rất đáng ngại vì nó xảy ra ngày càng nhiều trong mọi hoạt động xã hội, trong giao tiếp và trong cả lĩnh vực Bảo hiểm Y tế nữa.
Về phía người bệnh, do có tâm lý là đã có Bảo hiểm trả tiền nên rất năng đi khám bệnh. Có những bệnh viện, bệnh nhân lớn tuổi, buổi sáng trước khi đi tập thể dục đã tranh thủ đến bệnh viện xếp cuốn sổ lấy số khám bệnh trước sau khi đi tập thể dục về thì ghé vào khám bệnh. Hồi còn học ở Cộng Hoà Pháp, chúng tôi đã gặp những bà cụ một ngày đi khám bệnh tại 4 chỗ: Sáng cụ kéo túi đồ đi khám thầy thuốc tổng quát, trưa một tý khám bác sỹ tim mạch, nghỉ trưa tại ga tàu điện ngầm và chiều khám bác sỹ về xương khớp. Buổi tối trước khi đi ngủ cụ còn mời bác sỹ tại nhà dưỡng lão lên kh1m thêm một lần nữa và thuốc, tiền công khám bệnh tất cả Bảo hiểm trả hết. Đến nơi khám bệnh bà cụ luôn nhường người khác khám trước , cụ nán lại để nói chuyện, để tâm sự với những người khác., Đúng là các cụ có bệnh thật nhưng nhu cầu giao tiếp đã khiến các cụ năng đi khám bệnh hơn là thực trạng về bệnh tật của mình. Vừa rồi thấy có thông tin, ở một huyện ngoài miền Bắc cả huyện đổ xô đi khám bệnh vì họ có bảo hiểm y tế và vì trong lúc nông nhàn không có việc gì làm. Trong những người này chỉ có một số người là có bệnh thật sự.
Một số lớn bệnh nhân khi có thẻ bảo hiểm Y tế rồi họ thường ở hai phân cực của tâm lý vừa mặc cảm tự ti vừa coi như mình là thượng đế. Họ tư ti vì họ nghĩ do họ không phải trả tiền nên Bác sỹ khám cẩu thả hơn, nhân viên Y tế phục vụ cũng không được nhiệt tình, các xét nghiệm can lâm sàng và cẩhn đoán hình ảnh không được thực hiện nay đủ. Họ tự cho mình là thượng đế vì họ nghĩ mọi dịch vụ Y tế phải phục vụ họ vì họ đã đóng tiền trước, tức mua thẻ bảo hiểm và thầy thuốc, cơ sở Y tế phải phục vụ họ tận răng nếu không họ sẽ đòi kiện lên Giám đốc, phản ánh đến giới truyền thông v.v…Những diễn biến tâm lý như vậy làm cho họ thường than phiền và lo lắng quá đi những vấn đề về bệnh tật của mình.
Về mặt thầy thuốc và nhân viên Y tế, do cũng nghĩ đã có bảo hiểm y tế trả tiền và quan trọng nhất là muốn tránh mọi phiền toái do bệnh nhân gây ra: dọa kiện cáo, tranh cãi, dọa phản ánh với báo chí và đưa lên giám đốc bệnh viện v.v…nên họ cũng làm việc cũng trong giới hạn vừa phải về mặt trách nhiệm, bệnh nhân đòi gì cũng ký cho xong, đòi chụp CT Scan ừ thì chụp đòi xét nghiệm này xét nghiệm nọ ừ chặc lưỡi cho qua. Chúng tôi có lần còn chứng kiến một vài bác sỹ khi bệnh nhân đến khám bảo hiểm đã hỏi ngay bệnh nhân muốn thuốc gì họ ghi toa thuốc theo yêu cầu của bệnh nhân. Thực ra họ không tư lợi gì cả mà chỉ vì họ biết những bệnh nhân này hay kiện cáo lắm, thôi mọi việc cho qua chẳng ai bảo vệ mình cả.
Làm thế nào để hạn chế những bất lợi của hội chứng này?
Điều đầu tiên, theo các chuyên gia về tâm lý và chuyên gia về kinh tế trong Y học phải là vấn đề minh bạch hoá hợp đồng bảo hiểm Y tế. Từ trước đến giờ, người dân và cán bộ công nhân viên phải trả tiền trước để mua bảo hiểm y tế mà không bao giờ có đựoc một bản hợp đồng nào mô tả rõ ràng những gì thuộc về trách nhiệm của họ và nhất là những dịch vụ gì mà họ được hưởng thụ. Chính vì vậy, họ tưởng mình có thể hưởng tất cả mọi dịch vụ về Y tế. Về nguyên tắc là như vậy, nhưng thực tế không phảo dịch vụ nào Bảo hiểm Y tế cũng chi trả. Phải có một bản hợp đồng được ký kết với các khoản minh bạch rõ ràng được hai bên là người mua bảo hiểm và người bán bảo hiểm cùng ký vào và cùng chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đa dạng hoá bảo hiểm y tế với nhiều mức thu phí khác nhau và nhiều loại hình dịch vụ khác nhau để phục vụ theo nhóm người, nhóm bệnh và vùng dân cư. Ở thành phố có thể thu tiền bảo hiểm cao hơn ở những vùng quê hẻo lánh người dân còn nghèo, người hay bị bệnh thu cao hơn người ít bị bệnh, người trẻ ít bệnh thu ít hơn những người có tuổi hay bị bệnh và có người chỉ muốn mua bảo hiểm Y tế cấp cứu không thôi thì Bảo hiểm y tế cũng phải bán riêng cho họ và những người này chỉ khi nào nhập bệnh viện trong tình trạng cấp cứu họ mới được bảo hiểm y tế chi trả các dịch vụ Y tế v.v…
Một điều nữa tuy đã làm ở rất nhiều Quốc gia tiên tiến trên Thế giới nhưng khả năng khó chấp nhận ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là nên chuyểnn hẳn cơ quan Bảo hiểm Y tế thành cơ quan dịch vụ tự cân đối về tài chính chứ không phải là một cơ quan quản lý nhà nước như hiện nay. Việc làm này sẽ làm cho cơ quan bảo hiểm y tế trở nên năng động hơn, kể cả trong việc thông báo rõ cho người mua bảo hiểm những quyền lợi và trách nhiệm của họ khi tham gia hợp đồng bảo hiểm y tế, tránh được tâm lý hội chứng người thứ ba trả tiền cho bệnh nhân.
Thực hiện tốt nguyên tắc đồng chi trả, tỷ lệ đồng chi trả có thể phải rất linh hoạt tuỳ theo mức độ đóng bảo hiểm, tuỳ dịch vụ Y tế . Nhưng điều quan trọng nhất là phải báo cho người mua bảo hiểm biết rõ trong bản hợp đồng giữa hai bên.
Một vấn đề nữa là phải bảo đảm quyền lợi cho thầy thuốc tham gia khám bảo hiểm y tế, giúp họ nâng cao nhận thức đây là tiền của nhân dân, là chính sách nhân đạo của nhà nước là việc là lành đùm lá rách lấy tiền của nhiều người để chữa bệnh cho một người. Đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc cho đơn thuốc và điều trị của thầy thuốc khám bảo hiểm, song song với việc cùng với Giám đốc bệnh viện và hệ thống luật pháp hoàn chỉnh tăng cường bảo vệ họ trước công luận và trước pháp luật. Nếu làm tốt như vậy sẽ tránh được tư tưởng ngại làm việc đúng trước những đòi hỏi quá đáng và sự doạ dẫm kiện cáo của bệnh nhân. Một nguyên nhân không nhỏ trong việc tăng chi phí khám chữa bệnh do hội chứng người thứ ba trả tiền.