XÃ HỘI HOÁ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH Y TẾ LÀ CẦN THIẾT NHƯNG KHÔNG THỂ XÃ HỘI HOÁ BẰNG BẤT CỨ GIÁ NÀO
PGS TS Nguyễn Hoài Nam
Giảng viên cao cấp Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hội đồng thành viên BV QT Minh Anh
Trong sự phát triển của xã hội, ngày nay việc xã hội hoá mọi hoạt động, mọi ngành nghề là một xu thết tất yếu. Chúng ta không thể làm khác khi mà cả Thế giới mọi Quốc gia đều làm như vậy và lịch sử phát triển cũng đã chứng minh chỉ có xã hội hoá, tức làm cho mọi người dân cùng tham gia vào hoạt động của xã hội thì mới có được sự phát triển thật sự và bền vững.
Việc cổ phần hoá, trong đó có cổ phần hoá các bệnh viện cũng là một xu thế tất yếu của sự phát triển xã hội Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Việc cổ phần hoácác bệnh viện sẽ mang lại rất nhiều lợi điểm và sẽ mang lại một sinh khí mới cho ngành Y tế Việt Nam. Tạo nên sự cạnh tranh trong việc phát triển và người được hưởng lợi nhiều nhất vẫn là người bệnh, nói rộng hơn là tất cả mọi người Việt Nam. Vì có ai trong đời mà không một lần bị bệnh, thậm chí là bệnh nặng nữa.
Chuyện cách ngày hôm nay đã trên 10 năm, nhưng không thể cổ phần hoá một cách tràn lan như xu hướng hiện nay. Bởi vì sau khi nghe tin bệnh viện Bình Dân được chọn làm cổ phầ hoá thì hầu như mọi bệnh viện lớn nhỏ trong Thành phố Hồ Chí Minh đều day lên làn sóng cổ phần. Ở đâu người ta cũng bàn tán đến cổ phần, cổ phiếu, đến quyền được mua và nhiều nơi nhân viên đã tìm cách bán năm công tác, bán non quyền lợi v.v…tạo nên một làn sóng đầu cơ rầm rộ mà hại nhiều hơn là lợi. Mục đích cuối cùng là người lao động làm chủ sẽ không còn ý nghĩa thật sự nữa.
Việc cổ phần hoá tuy rất cần thiết, nhưng cổ phần hoá những bệnh viện lớn, có truyền thống lâu đời được xây dựng từ tiền của nhân dân, của bao thế hệ như vậy thì rất cần phải xem lại. Nó sẽ tạo nên một làn sóng phản ứng trong dư luận xã hội và ngay cả trong những người thầy thuốc. Ngoài chuyện bình mới rượu cũ trong công tác lãnh đạo của mỗi bệnh viện như hiện nay mặc dù đã được cổ phần hoá. Người bệnh, nhất là những bệnh nhân nghèo, những gia đình chính sách chắc chắn sẽ không được hưởng lợi vì nói gì đi chăng nữa, khi mà cổ phần hoá mọi hoạt động của bệnh viện sẽ đi theo hướng lợi nhuận. Bệnh viện sẽ chuyển từ hình thái phục vụ sang hình thái dịch vụ. Đó là quy luật tất yếu mà không có một cá nhân hay một tổ chức nào có thể thay đổi được. Thế thì người nghèo và các đối tượng chính sách sẽ đi về đâu?
Ở các nước phát triển, dù thế nào người ta cũng duy trì một tỷ lệ nhất định những bệnh viện công lập còn gọi là nhà thương, đấy là chỗ nương tựa cho mọi mảnh đời khốn khổ. Các bệnh viện này hoạt động nhờ vào ngân sách nhà nước, vào thuế của người dân, vào nguồn viện trợ và các hoạt động từ thiện. Và bệnh nhân ở đây cũng được điều trị với những phương tiện tốt và hiện đại không thua kém các bệnh viện tư nhân. Tỷ lệ bệnh viện công cần giữ lại khoảng 20-30% tuỳ Quốc gia. Hãy giao cho tư nhân và các tổ chức xã hội những bệnh viện hoạt động yếu kém để họ tự tổ chức lại hoạt động theo hướng tốt hơn, đây là điều tất yếu đã được chứng minh qua sự phát triển của rất nhiều Quốc gia trên Thế giới.