PHẪU THUẬT TIM MẠCH VIỆT NAM THỜI CƠ VÀ THÁCH THỨC MỚI
PGS TS Nguyễn Hoài Nam
Ủy viên Ban chấp hành Hội Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Quốc gia Việt Nam
Tại Hội nghị khoa học lần thứ nhất của Hội phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội vào hai ngày 14 và 15-12-2006, Giáo sư (GS) Đặng Hanh Đệ, một trong những chuyên gia hàng đầu của ngành phẫu thuật Tim mạch Việt Nam, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam đã thông báo cho toàn thể hội nghị: Việt Nam với số dân trên 84 triệu người, mỗi năm không dưới 100.000 người mắc bệnh về tim mạch và không dưới 60.000 người cần phải phẫu thuật mới điều trị hết căn bệnh này.
Nhìn nhận sự thật
Bệnh tim mạch hiện nay cùng với bệnh ung thư và các bệnh về rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipide v.v…, thật sự là những căn bệnh của thời đại với số lượng bệnh nhân không nhỏ chiếm từ 1/3 đến ½ số người trên 60 tuổi. Khi mà tuổi thọ của con người tăng lên một cách đáng nể phục nhờ chế độ dinh dưỡng và những thành tựu của khoa học kỹ thuật nhất là trong lĩnh vực y học, từ dưới 50 tuổi trong những năm đầu của thế kỷ 20 đến trên 70 tuổi, thậm chí trên 80 tuổi trong những năm đầu tiên của Thiên niên kỷ thứ ba này không những trên thế giới và ở cả Việt Nam, một đất nước đứng gần cuối bảng trong sự phát triển và phồn vinh của nhân loại, nếu chúng ta dám dũng cảm và nhịn nhận vào sự thật.
Rất nhiều nhà quản lý và các chuyên gia y học đều cho rằng: hiện nay ở Việt Nam không chỉ tồn tại rất nhiều bệnh van tim hậu thấp như hẹp van hai lá, hẹp van ba lá,….mà còn rất nhiều bệnh nhân bị các bệnh tim khác như những bệnh tim bẩm sinh rất khó điều trị và cần phải phẫu thuật ngay càng sớm càng tốt như: Tứ chứng Fallot, thông liên nhĩ, thông liên thất, hoán vị động mạch v,.v….và các bệnh tim mắc phải của người lớn tuổi như phình động mạch Chủ ngực, hẹp độnh mạch vành, bóc tách động mạch chủ …, rất khó điều trị, thận chí có thể gây tử vong ngay cho bệnh nhân nếu không được phẫu thuật.
Ngành phẫu thuật tim mạch Việt Nam, nhất là ở khu vực phía Bắc đã hình thành rất sớm từ những trường hợp mổ tim kín đầu tiên tại bệnh viện Việt Đức năm 1958 với vị GS nổi tiếng khắp thế giới Tôn Thất Tùng và sau đó được kế tục bởi những những thầy thuốc tài ba được đào tạo bài bản từ các nước Xã hội chủ nghĩa như GS TS Nguyễn Khánh Dư, GS Đặng Hanh Đệ, GS TS Nguyễn Đoàn Hồng.... Việc phẫu thuật trong thời gian này vì những lý do khách quan của xã hội mới chỉ dừng lại ở những loại phẫu thuật thông thường và chưa thật sự là mũi nhọn trong ngành phẫu thuật của nền y tế Việt Nam.
Từ sau thời kỳ đổi mới, đặc biệt là từ sau năm 1990 cho đến nay, Vvới sự ra đời của Viện Tim TP. Hồ Chí Minh và sự mở rộng hợp tác quốc tế, ngành phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng: hầu hết các loại phẫu thuật về bệnh tim bao gồm bệnh tim hậu thấp, bệnh tim bẩm sinh và bệnh tim mắc phải, ngoại trừ ghép tim v.v….đều có thể thực hiện được với bàn tay tài hoa của người thầy thuốc Việt Nam. Hàng chục nghìn bệnh nhân đã được cứu sống, hàng vạn trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh đã có một cuộc sống bình thường như bao trẻ em khác.
Thận trọng khi mổ tim kiểu "trăm hoa đua nở"
Như trên đã nói, nhu cầu về phẫu thuật tim mạch là rất lớn, tiềm năng rất nhiều với hơn 10 trung tâm và bệnh viện hiện nay ở cả ba miền đất nước. Hàng năm chúng ta chỉ phẫu thuật điều trị cho khoảng 6.000 bệnh nhân. Còn khoảng hơn 50.000 ngàn con người vẫn khắc khoải chờ mong giậy phút hoặc là thần chết đến kéo mình đi, hoặc là được bàn tay người thầy thuốc đưa mình khỏi miệng hố tử thần và cho mình được là một kiếp người trọn vẹn. Chính vì nhu cầu lớn đến thế mà cần phải cả hơn 100 trung tâm hay bệnh viện chuyên về phẫu thuật tim mạch mới đáp ứng nổi.
Nhưng có một số số vấn đề rất lớn đặt ra khi xây dựng những bệnh viện và những trung tâm như vậy. Điều đầu tiên và là vấn đề tiên quyết phải nói đến là kinh phí xây dựng và hoạt động tồn tiền lắm khi xây dựng. Một trung tâm như vậy cần vài trăm tỷ đồng để xây dựng, bệnh nhân cần vài chục triệu đồng để có thể được mổ… Điều này cho thấy rủi ro nhiều, nguy cơ thiếu hụt về tài chính rất cao … nên có nhiều người có tâm huyết, có tài chính muốn đi vào lĩnh vực này đều chùn bước. Ngoại trừ phải có một điều kiện thật dặc biệt như bệnh viện tim Tâm Đức, TP Hồ Chí Minh.
Chính vì vậy có một số bệnh viện, nhất là các bệnh viện có được sự trợ giúp của nhà nước là dám đi vào lĩnh vực này. Có một số bệnh viện đã thành công, nhưng trong tương lai nếu quản lý không tốt và vẫn theo tư duy cũ sẽ co nhiều bệnh viện thất bại. Điều này đã được cảnh báo trước từ kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Nhất là ở những nơi chỉ muốn dùng phẫu thuật tim làm công cụ để nâng cấp bệnh viện, nâng hạng bệnh viện từ bệnh viện loại này sang một thứ bậc cao hơn mà không nhìn nhận vào thực tế của mình và nhất là thiếu hẳn chiến lược con người, một nhân tố rất quan trọng trong mọi thành công, có nghĩa là biết thu nhận và sử dụng những người có tài. Đây là vấn đề rất quan trọng mà bao nhiêu năm qua chúng ta đã cố tình lãng quên và đã thất bại.
"Đừng hành động theo kiểu trăm hoa đua nở. Khả năng tổ chức và chiến lược về con người là một yếu tố quan trọng nhất quyết định mọi thành công trong ngành Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực" - GS Đặng Hanh Đệ, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam đã nói như thế trong ngày kết thúc Hội nghị.