ĐÂU PHẢI CHỈ CÓ TIỀN LƯƠNG
PGS TS Nguyễn Hoài Nam
Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh
Đâu phải chỉ có lương cao?
Gần đây đã xảy ra hiện tượng, rất nhiều người có năng lực và nói có tài nữa đã từ các cơ quan nhà nước, trong đó đặc biệt là ngành Y tế đã xin nghỉ nhiệm sở để ra làm cho một doanh nghiệp khác. Để lý giải điều này, các người lãnh đạo trong các đơn vị đều đổ lỗi cho tại cơ quan mình quỹ tiền lương thấp nên không trả lương cao cho những người này được và họ ra đi để kiếm đồng lương cao hơn. Cũng là một cách giải thích, nhưng theo đại đa số mọi người thì thật không thoả đáng và có phần thiếu trách nhiệm. Họ đã không chịu tìm hiểu thật sự có phải vậy hay không? Cứ đổ tội cho nhân viên vì tiền là một cách làm đơn giản nhất, mọi tội lỗi xấu xa do chạy theo đồng tiền làm cho người nhân viên đó bỗng dưng trở thành người xấu trong đơn vị của họ. Một cách giải thích, quy kết ghi nhận con người thiếu nhân bản.
Thật sự thì bất kỳ người nhân viên nào đi làm dù cơ quan nhà nước hay tư nhân đều phải có lương, lương càng cao càng đánh giá đúng năng lực của nhân viên. Chúng ta phải thay đổi quan điểm cũ, nhiều khi cũng phải lấy mức thi nhập ra làm tiêu chí đánh giá con người, ngay như tỷ phú Bill gate rất nhiều tiền, nhưng những đồng tiền của ông ta là chính thước đo đánh giá khả năng làm việc và cống hiến cho xã hội và ai cũng phải công nhân ông ta là người có tài và có đạo đức.
Nhưng với những nhân viên giỏi, có năng lực thì đồng lương không phải là tất cả. Họ có nhiều cơ hội và nhiều cách kiếm tiền một cách lương thiện mà không chỉ dựa vào lương của đơn vị trả. Họ cần gì?
Cần một môi trường làm việc thân thiện
Một môi trường làm việc thân thiện, có văn hoá mang dậm bản sắc của cơ quan xí nghiệp. Có sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo, là một yêu cầu rất cần thiết với những người có năng lực và tâm huyết. Một cơ quan đoàn kết, thương yêu nhau thật sự, tránh chơi xấu, kềm hãm rình mò nhau. Các thành viên trong cơ quan coi nhau như anh em trong một nhà đó là điều kiện rất lý tưởng để giữ chân những người tài. Thật sự điều này rất khó vì luôn có sự đố kỵ, ghen tuông đôi khi của chính lãnh đạo với họ.
Luôn có cơ hội để thăng tiến
Tâm lý con người ai cũng vậy, đặc biệt trong những người trí thức. Mong ước cho sự thăng tiến và phát triển của cơ quan và bản thân mình luôn là một ước mơ nóng bỏng. Dù trong vị trí công tác nào họ luôn nghĩ rằng ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay, vị trí và tài năng của họ sẽ được để ý và trọng dụng để làm cho cơ quan, xí nghiệp, bệnh viện ngày càng phát triển. Khi đó người làm công tác lãnh đạo phải thực sự tạo cho họ những cơ hội bình đẳng và phải nhìn thấy tâm huyết nơi bản thân họ, chứ đừng vội quy kết là hám danh hay thích quyền lực. Những quy kết này sẽ trở thành phi nhân bản và sẽ đẩy những họ rời bỏ cơ quan mình để tìm một môi trường làm việc thích hợp hơn.