Có phải thương trường là chiến trường?
PGS TS Nguyễn Hoài Nam
Thời gian gần đây, chúng ta và nhiều người khác luôn nhận thức và cổ xuý cho quan niệm thương trường là chiến trường và mỗi người daonh nhân là một chiến sỹ trên mặt trận kinh doanh làm giàu cho bản thân, gia đình và cho đất nước. Nếu như vậy công cuộc kinh doanh sẽ có kẻ thắng người thua và sẽ có những người chết nữa. Sợ quá, như vậy thì ai dám kinh doanh nữa, ai dám làm doanh nhân nữa. Trong khi đất nước ta đang từng ngày, từng giờ rất cần và tôn vinh những doanh nhân những người góp phần không nhỏ đưa đất nước Việt Nam lên đến bến bờ của ấm no hạnh phúc.
Đã là chiến trường thì phải cạnh tranh nhau một cách khốc liệt, có khi phải giở cả những thủ đoạn không đẹp, có phần xảo trá một chút để tồn tại và chiến thắng. Trên thế giới, rất nhiều nước có luật về cạnh tranh. Luật chống bán phá giá v.v…tất cả những luật này chỉ nhằm mục đích cho cuộc chơi trên thương trường không quá căng thẳng, không có những mánh lới không minh bạch và nhất là không để biến thương trường thành một chiến trường đẫm máu, có quá nhiều người chết, quá nhiều đổ vỡ và ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế, ảnh hưởng đến văn hoá xã hội và đạo đức của doanh nhân.
Có rất nhiều người, nhiều nhà kinh tế, nhiều học giả đã đề cập và bàn luận đến văn hoá kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp, văn hoá trong thương trường. Nhưng nếu cứ quan niệm thương trường là chiến trường thì ắt khó có thể có được những nét văn hoá ấy. Mà xã hội chúng ta, nói gì đi nữa cũng rất cần và đang xây dựng những nét đẹp văn hoá trong cuộc sống và trong mọi lĩnh vực, nhất là trong kinh doanh.
Nhiều doanh nhân có tiếng ở Việt Nam, sau một thời gian lăn lộn nơi thương trường đều thống nhất rằng: Nếu chỉ quan niệm đơn thuần thương trường là chiến trường thì hôm nay đối thủ của mình gục ngã ngày mai hay một ngày đẹp trời nào đó sẽ đến lượt mình nằm phơi ngoài chiến địa. Tốt nhất là hợp tác với nhau, để hai bên, ba bên v.v…cùng có lợi và cái lợi lớn nhất là đất nước phát triển, người dân ấm no hạnh phúc, xã hội phồn vinh sánh vai cùng các nước phát triển năm châu bốn bể như mong ước của Bác Hồ và hơn 80 triệu người dân Việt Nam. Một hợp đồng được ký kết, một cuộc mua bán vừa tiến hành, một cuộc đàm phán sắp diễn ra, chúng ta và những doanh nhân hãy nên quan niệm: hợp tác, đôi bên cùng có lợi, có thể là lợi nhuận sẽ ít đi. Nhưng đó là thứ lợi nhuận bền vững, hợp đạo lý và đầy nét văn hoá.
Bây giờ, có lẽ là thời điểm thích hợp nhất để xoá bỏ quan niệm cũ và xây dựng những quan đểm mới về kinh doanh. Chúng ta luôn mong muốn những doanh nhân hãy ngồi lại với nhau cùng nhau ký kết những hợp đồng mang lợi về cho mình, cho tổ quốc nhưng cũng đầy neat đẹp, nét văn hoá trên cơ sở các bên cùng có lợi, cùng nhau tồn tại trên trái đất tươi đẹp này. Nếu không thì sẽ quá muộn!