ĐẦU TƯ DÀN TRẢI LÀ LÃNG PHÍ TIỀN CỦA NHÂN DÂN
PGS TS Nguyễn Hoài Nam
Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh
Đất nước ta, qua những năm đổi mới đã đạt được rất nhiều thành tựu về kinh tế, văn hoá xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực Y tế. Tuy nhiên, nhìn chung so vớ các nước khác trong khu vực, chúng at còn thuộc vào những nước nghèo, chưa phát triển. Việc đầu tư và sử dụng kinh phí của nhà nước còn nhiều điều bất cập.
Đầu tư dàn trải trong Y tế:
Hiện tượng trăm hoa đua nở, nhà nhà làm kinh tế, người kinh doanh bất động sản, ai cũng tham gia kinh doanh chứng khoán v.v…đã trở thành một vấn nạn và gây không biết bao nhiêu khó khăn cho những nhà quản lý và hoạch định chính sách. Trong nghề Y, lâu nay cũng đã xuất hiện hiện tượng này. Bệnh viện nào cũng muốn nâng cấp lên thành bệnh viện loại I, năm nào cũng xin thêm chỉ tiêu giường bệnh, lúc nào cũng xin thêm kinh phí để mua những máy móc và trang thiết bị thật đắt tiền v.v…Trong khí cơ sở vật chất thí chật hẹp, phòng làm việc của thầy thuốc cũng không có, nhân sự và những thầy thuốc giỏi, có bằng cấp và năng lực thật sự thì vì chế độ làm việc không ứu đãi, không được trọng dụng và đặt đúng vị trí thì đã khăn gói ra đi tìm những bệnh viện tư nơi có cơ chế đãi ngộ và phong cách làm việc thích hợp. Trang thiết bị đắt tiền, không có người có tài có tay nghề xử dụng, số bệnh nhân sử dụng dịch vụ này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có những bệnh viện nhập máy chụp mạch máu theo kỹ thuật số có xoá nền DSA về để chụp mạch vành một năm khoảng 3 đợt với sự trợ giúp của một vài chuyên gia nước ngoài. Còn lại là trùm mền hay chỉ thực hiện cho những bệnh nhân rất nhẹ còn bệnh nhân nặng cần can thiệp lại giới thiệu sang cơ sở Y tế khác.
Có hai bệnh viện chỉ cách nhau một hàng rào cũng đề nghị mua máy chụp điện toán cắt lớp cho cân xứng với nhau, để nâng cấp bệnh viện và để báo cáo thành tích mỗi khi có dịp.
Trong khi đó vai trò quản lý nhà nước và định hướng phát triển của những cơ quan có thẩm quyền hình như chưa thấy phát huy hết vai trò. Bệnh viện nào, cơ sở Y tế nào đề đạt kế hoạch lên là đều được duyệt. Trong khi kinh phí dành cho ngành Y tế còn quá hạn hẹp. Trong hoàn cảnh này, để tránh lãng phí rất cần có một cái nhìn tổng thể nơi nào cần, nơi nào chưa cần, có thể tương trợ nhau được không? Việc đầu tư như thế có dàn trải không, hiệu suất đầu tư là bao nhiêu? Rất khó có câu trả lời chính xác và tiền của nhân dân, tiền của nhà nước vẫn bị lãng phí, không kể có cả những tiêu cực ở trong đó nữa.
Suy cho cùng, nếu đầu tư dàn trải, thiếu một tầm nhìn chung, thiếu hẳn một nhạc trưởng như ngày hôm nay là một sự lãng phí lớn lao cho ngân sách của nhà nước, cho tiền của nhân dân và một cách làm hết sức thiếu khoa học.
Bệnh nhân đến bệnh viện vì vấn đề gì?
Tất nhiên là để khám và chữa bệnh rồi. Tuy nhiên, có phải họ đến bệnh viện A vì bệnh viện này có nhiều máy móc hiện đại và kỹ thuật mới hay không? Bây giờ khi trình độ dân trí của bệnh nhân Việt Nam và nhận thức xã hội còn chưa hoàn chỉnh thì điều này có lẽ đúng.
Nhưng theo những thống kê ở các nước phát triển, thì 80% bệnh nhân đến bệnh viện A vì dịch vụ cung cấp tốt, vì thông tin rõ ràng, thời gian khám và chữa bệnh nhanh chóng, thầy thuốc tận tâm giao tiếp tốt và nhất là bệnh viện có cơ chế quản lý tốt luôn làm hài lòng người bệnh. Tuyệt nhiên không thấy đề cập đến những loại máy móc hoành tráng đắt tiền.
Một thống kê khác cho thấy 70% các cuộc gọi điện thoại cho các đường dây nóng trong bệnh viện là than phiền về thái độ làm việc, phong cách giao tiếp và các dịch vụ đơn giản trong bệnh viện. Tuyệt nhiên không thấy đề cập đến vấn đề tại sao bệnh viện không có những trang thiết bị đắt tiền của bệnh viện.
Cần đầu tư có trọng điểm và sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các bệnh viện
Việc hình thành những trung tâm chẩn đoán có chất lượng, việc xây dựng những bệnh viện chuyên khoa với sự đầu tư đúng mức là rất cần thiết trong gia đoạn hiện nay. Những trung tâm này sẽ được trang bị những loại máy móc và trang thiết bị hiện đại. Những bệnh nhân gặp phải khó khăn trong chẩn đoán sẽ đựơc các bệnh viện gửi tới đây để làm công tác chẩn đoán và sau đó sẽ được gửi trả lại bệnh viện để điều trị tiếp tục.
Để đạt được mục tiêu này cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các bệnh viện và cơ sở Y tế mà vai trò quản lý, vai trò nhạc trưởng của những người hoạch định kế hoạch là rất quan trọng. Điều này trên thực tế hiện nay vẫn chưa được chú ý đúng mức. Thậm chí trên quan điểm cạnh tranh nhau, một số nơi còn làm lãng phí rất nhiều tiền của nhà nước và nhân lực trong ngành y tế. Làm nản lòng các nhà đầu tư khi tiến hành cổ phần hoá.
Để tránh đầu tư dàn trải còn rất cần vai trò của các lực lượng truyền thông, báo chi trong việc giáo dục ý thức khám và chữa bệnh cho người dân. Tránh tâm lý đám đông, tất cả đổ dồn vào một vài cơ sở có trang thiết bị hiện đại để ngồi chầu chực chờ đợi cả ngày với những dịch vụ rất kém và không có hiệu quả.
Nếu không thay đổi quan điểm, nếu nhà quản lý chưa phát huy được vai trò nhạc trưởng còn cả nể trong việc hoạch định kế hoạch, nhất là vẫn duy trì quan điểm san bằng cào phẳng, trăm hoa đua nở trong đầu tư cho ngành Y tế như hiện nay là lãng phí tiền của nhân dân, là lãng phí thời gian, làm chậm đi sự phát triển và hoà nhập của xã hội.