NGƯỜI THẦY TRONG MẮT AI
PGS TS Nguyễn Hoài Nam
Giảng viên cao cấp Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh
BV Quốc tế Minh Anh
Đừng làm hư hỏng người thầy:
Dân tộc ta vốn từ xưa đã có truyền thống tôn sư trọng đạo, nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Một truyền thống rất tốt đẹp đã được gìn giữ qua bao nhiêu thế hệ. Tuy nhiên, ngày hôm nay khi bước vào nền kinh tế thị trường, truyền thống này đã dần mai một. Nhiều câu chuyện đau lòng về tấm gương xấu của các thầy cô xảy ra hàng ngày. Nào là đánh học sinh, chạy điểm, ăn tiền hối lộ, bằng giả v.v…xảy ra hàng ngày. Trong đó lỗi về phần lớn về những người thầy đã bị tha hoá về đạo đức, không chịu nổi sức cám dỗ của vật chất, của đồng tiền.
Nhưng, trong đó một phần lỗi cũng do chúng ta những người dù vô tình hay cố ý đã làm tha hoá những người thầy. Thật vậy, nếu chúng ta không có ý định chạy điểm, không có ý định chạy trường, không có ý định chạy bằng cấp v.v…thì làm sao lại có chuyện đau lòng như đã xảy ra. Nói gì đi chăng nữa, một xã hội tốt đẹp phải có sự đóng góp của tất cả mọi người, một nền giáo dục tốt đẹp hoàn thiện phải có sự đóng góp của toàn dân chứ không chỉ có những người thầy. Vâng xin đừng làm hư người thầy.
Xin các thầy hãy độ lượng
Trong cuộc sống hàng ngày, giữa các thầy với nhau cũng khá nhiều chuyện không hay. Những chuyện này làm giảm đi hình ảnh người thầy trong mắt của học trò. Ngoài những sự việc khá nổi cộm như đa nều còn phải nói đến hành động trù ếm học trò. Hành động này hay xảy ra ở các bậc giáo dục đại học và trên đại học. Một điều rất lạ là những người học trò bị trù ếm hoàn toàn không có lỗi, có khi lại là những trò giỏi nữa là đằng khác. Nhưng họ lại là nạn nhân vì các thầy không ưa nhau. Có những người thầy vì không ưa đồng nghiệp của mình hoặc muốn đánh bóng tên tuổi, cao hơn nữa là muốn gây uy tín trong giới học trò . Đã không ngừng sử dụng chiêu bài đánh rớt học trò của đồng nghiệp, nhất là trong lúc chấm luận văn, luận án và thế là bao nhiêu câu chuyện cười ra nước mắt đã xảy ra. Hỡi ôi, còn đâu hình ảnh đẹp đẽ của người thầy trong mắt học trò mà lại là những học trò lớn nữa. Trong mắt người đồng nghiệp họ cũng mất dần đi sự kính trọng và thường thì những người này sẽ chống chế với mọi người khác họ làm như vậy để giữ gìn cho sự trong sáng của sự nghiệp nghiên cứu khoa học.
Hiện tượng này chỉ là một trong vô số các hiện tượng mà người thầy đã không giữ mình được trong cuộc sống ngoài tiền tài, danh vọng. Nhưng nó không phải là không phổ biến. Xin các thầy hãy độ lượng vì độ lượng là một trong những đức tính cao đẹp của người thầy, độ lượng với học trò và độ lượng với nhau.