NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN PHẢI GIẢI QUYẾT ĐỂ TẠO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NỀN Y TẾ VIỆT NAM
PGS TS Nguyễn Hoài Nam
Giảng viên chính Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh
Xã hội hoá Y tế ngay trong tư tưởng của người dân
Hiện nay xã hội hoá Y tế và các ngành dịch vụ khác đang là yêu cầu cấp bách của nhà nước và toàn dân. Thực tế đã chứng minh, chỉ có xã hội hoá nền y tế mới có điều kiện để phát triển. Ở các nước tiên tiến trên Thế giới, tỷ lệ bệnh viện công trên bệnh viện tư chỉ chiếm từ ¼-1/5 mà thôi. Đơn cử như tại Malaysia, trong một lần đến thăm quan hai bệnh viện lớn tại thủ đô Kualumpur, chúng tôi được biết toàn quốc có 200 bệnh viện lớn, trong đó có đến 160 bệnh viện do tư nhân đầu tư và quản lý. Ở các bệnh viện tư, với sự giám sát nghặt nghèo từ lúc cấp phép, với đội ngũ thầy thuốc giỏi được đào tạo bài bản và một hành lang pháp lý vững chắc bảo vệ cả bệnh nhân và người thầy thuốc. Họ có thể và được phép làm tất cả các phương pháp điều trị tiên tiến nhất được phép làm tại các ở các bệnh viện công như: phẫu thuật tim, phẫu thuật thần kinh, cấy và ghép cơ quan v.v…
Muốn xã hội hoá y tế tốt, đầu tiên phải tạo được sự suy nghĩ tốt đối với Y tế tư nhân từ người dân đến những nhà quản lý. Phần lớn mọi người, do những suy nghĩ và cách tuyên truyền từ thời bao cấp, nên đều nghĩ chỉ có bệnh viện công lập, Y tế nhà nước là làm việc đúng đắn, hiệu quả, còn Y tế tư nhân chỉ là lực lượng phụ, có thể nói là làm nhiều chuyện bậy, không đúng và chăm chú bóc lột, chặt chém bệnh nhân khi họ bị bệnh. Với suy nghĩ như vậy, họ rất ngại khi vào khám và chữa bệnh tại các cơ sở Y tế tư nhân. Khi vào điều trị, cũng xét nét và bắt bẻ rất nhiều, vài việc nho nhỏ không vừa ý là họ phản ứng rất gay gắt, dẫn đến những việc kiện tụng rắc rối và kéo dài. Chính vì vậy, nhà nước phải đứng ra giải toả tâm lý này của người dân bằng các văn bản pháp luật, bằng thông tin tuyên truyền. Nhất là lực lượng báo chí, tuyên truyền nên có một cách nhìn thật khách quan về những vụ việc xảy ra, tránh giật những tít, tránh xa đà vào việc phê phán không có tinh thần xây dựng như một số nơi đã làm và như vậy sẽ hạn chế tác dụng của chính sách xã hội hoá Y tế của Đảng và Nhà nước.
Trong tên gọi, cũng như biển hiệu không nên để phòng khám đa khoa hay bệnh viện đa khoa tư nhân mà chỉ có phòng khám hay bệnh viện kèm theo tên gọi chính thức như tên gọi của các cơ sở Y tế nhà nước là đủ.
Cần phân biệt giữa Y tế dịch vụ và Y tế phục vụ
Kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, nền Y tế cũng vậy. Trước một nền kinh tế đa dạng nhiều thành phần. Rất cần sự phân định rạch ròi giữa nền Y tế phục vụ và nền Y tế dịch vụ. Mới nghe qua tưởng chừng như vô lý, bởi vì theo quan niệm của chúng ta từ cổ chí kim, Y tế là một ngành nhân đạo, các thầy thuốc và nhân viên Y tế phải xả thân cứu chữa cho đồng loại. Nhưng, cơ sở vật chất ở đâu? Thuốc men ở đâu? Để chúng tôi có thể làm tốt thiên chức của người thầy thuốc. Chúng tôi có thể hưởng một đồng lương rất khiêm tốn, có thể hy sinh bớt những đòi hỏi thường ngày, nhưng không thể khám và chữa bệnh bằng tay không, trong một túp lều bằng lá v.v…Phải có cơ sở vật chất, nhất là khi khoa học phát triển, người thầy thuốc cần phải được hỗ trợ rất nhiều của máy móc, dụng cụ khám chữa bệnh hiện đại, tất nhiên là rất đắt tiền. Nguồn tiền ấy ở đâu ra? Phải từ sự đầu tư của nhà nước. Đó chính là tiền thuế của nhân dân và của cả những nhân viên Y tế, đó là máu thịt và nước mắt của người dân trong cuộc chiến tranh giành độc lập. Lúc đó với cơ sở vật chất và nguồn kinh phí sẵn có như trên, các cơ sở Y tế sử dụng nguồn tiền này nên phát triển theo hướng Y tế phục vụ, bệnh nhân vào điều trị tại đây sẽ được miễn phí hoàn toàn, bệnh nhân ngoài bệnh bình thường còn những bệnh nặng vượt quá khả năng của các cơ sở Y tế khác, thầy thuốc phục vụ đúng tâm nguyện. Việc này không khó, vì trước đây tại Việt Nam và trên Thế giới hiện nay mô hình này có kết quả rất tốt.
Còn với nguồn tiền khác như đầu tư của người dân, nhà kinh doanh hay các nhà đầu tư nước ngoài. Tất cả đều phải trả bằng tiền, không có những ưu đãi đặc biệt như bệnh viện nhà nước. Đất cũng phải đóng tiền mua hoặc thuê, nhà cũng phải tự bỏ tiền xây và trang thiết bị y tế cũng vậy. Nên muốn tái đầu tư, nhà đầu tư phải biến nền Y tế phục vụ cổ điển thành nền kinh tế dịch vụ, cũng không nên quan niệm quá khắt khe cho rằng họ kinh doanh trên sức khoẻ của đồng loại mà nên quan niệm sức khoẻ cũng là một thứ hàng hoá, loại hàng hoá đặc biệt. Người bệnh ở các nước tiên tiến khi vào bệnh viện được chăm sóc tối đa, cảm giác được khám và chữa bệnh thật sự thoải mái. Xã hội càng tiến bộ, kinh tế càng phát triển sẽ xuất hiện nhiều người có nhu cầu và có khả năng chi trả những dịch vụ về Y tế để đạt được sự hài lòng khi bệnh tật. Nhà nước cũng nên thu thuế đầy đủ sau thời gian ưu đãi những loại hình dịch vụ này và chính những người làm công tác Y tế dịch vụ cũng cảm thấy hãnh diện vì họ cũng đã đóng thuế nhiều, có nghĩa là đã góp tiền vào để phát triển Y tế phục vụ một cách gián tiếp.
Có nên chăng phân định rạch ròi: Y tế nhà nước với sự ưu đãi tối đa về cơ sở vật chất và nguồn vốn từ ngân sách, từ thuế chỉ làm y tế phục vụ còn mảng Y tế dịch vụ nên dành cho các nhà đầu tư tư nhân và các tập thể nhỏ. Không nên phát huy mô hình dịch vụ trong bệnh viện công, sử dụng chính đồng tiền và cơ sở vật chất của những người dân, thêm thắt chút đỉnh rồi lại thu lại tiền của chính những người đã đóng góp lần trước. Có nghĩa là những người vào nằm và điều trị ở những khoa dịch vụ, bán công của một bệnh viện công đã phải trả hai lần tiền. Tính chung lại là đắt hơn rất nhiều so với các cơ sở Y tế dịch vụ khác do tư nhân đầu tư.
Về tâm lý: người bệnh cũng không thích như vậy, một khoa dịch vụ, một hình thức bán công trong một bệnh viện công lập rất dễ gây hiểu lầm cho bệnh nhân và khó xử cho người thầy thuốc. Một bệnh nhân vào nằm theo chế độ thường, mọi săn sóc vẫn như nhau, nhưng do dễ mặc cảm và tâm lý không được bình thường của con người lúc bệnh tật ốm đau, ngừơi ta rất dễ suy bì : do không có tiền nên bị đối xử như vậy. Còn những người đóng tiền để nằm phòng dịch vụ thấy các dịch vụ Y tế cũng như vậy, khác chăng chỉ là phòng tốt hơn thôi cũng không muốn vì họ đã phải trả tiền để mua dịch vụ Y tế, số tiền ấy dĩ nhiên không phải là tự nhiên mà có, đôi khi là chắt chiu cả cuộc đời để hưởng lấy chút an nhàn khi bệnh tật ốm đau. Về thầy thuốc cũng rất khó xử: Chúng tôi đã gặp những trường hợp bệnh nhân đóng tiền dịch vụ cho bệnh viện để mong được mổ sớm trong tu6àn, tất nhiên họ cũng muốn được mổ vào những giờ đầu của buổi sáng khỏi có tâm lý nặng nề lúc chờ đợi, khi mà người thầy thuốc theo suy nghĩ của bệnh nhân là đang minh mẫn và sung mãn nhất, dĩ nhiên kết quả phẫu thuật cũng là tốt nhất. Thì phải đợi có khi đến chiều vì phải mổ hết chương trình với những bệnh nhân không điều trị theo chế độ dịch vụ đã tránh bị hiểu làsai quan điểm.
Một điều nữa mà ít người nào trong ngành Y tế nghĩ đến là phải biến nền Y tế dịch vụ của thành phố Hồ Chí Minh với những thế mạnh không thể chối cãi được thành nền kinh tế mũi nhọn của thành phố, giống như công ngệ lắp ráp điện tử, dịch vụ tài chính và ngân hàng. Tại sao lại không nhỉ? Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung rất nhiều bệnh viện lớn với đội ngũ thầy thuốc và những chuyên gia giỏi, đầu ngành, có hai trường Đại học lớn về Y tế. Rất có uy tín trong việc khám và chữa bệnh cho người dân trong nước và cả nước ngoài đến, đặc biệt là nước láng giềng Kampuchea v.v…Nếu chúng ta làm tốt điều này, sẽ là nguồn thu ngoại tệ lớn cho thành phố. Điều này đã được chứng minh qua việc xây dựng những bệnh viện hiện đại ở Bangkok như Bamrungrade mà chúng tôi đã có dịp ghé qua. Với 500 giường bệnh, hàng ngày họ khám cho 3.000 bệnh nhân từ 52 Quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Để làm tốt điều này, họ có một đội ngũ cộng tác viên hùng hậu gần 500 người gồm đủ các dân tộc trên Thế giới, những người này chuyên phiên dịch, hướng dẫn và thậm chí giúp săn sóc bệnh nhân trong những ngày lưu lại Thái Lan. Một kinh nghiệm rất hay, chúng tôi ước mong một thời gian không xa, thành phố chúng ta sẽ có những bệnh viện như vậy. Muốn làm được điều đó rất cần tách riêng nền Y tế thành hai thành phần: Y tế dịch vụ và Y tế phục vụ và cũng rất cần một cơ chế thoáng để có thể biến nền y tế dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến hành đa dạng hoá Bảo hiểm y tế
Trong một xã hội hiện đại, với sự phát triển như vũ bão của Khoa học kỹ thuật, thì chi phí cho việc khám và chữa bệnh tăng lên đến chóng mặt. Ở Pháp, chi phí khám chữa bệnh năm 1992 là 180 tỷ France, đến năm 1994 đã là 250 tỷ France. Ngày trước, thầy thuốc khi khám bệnh chỉ cần một cái ống nghe, một máy đo huyết áp là đủ. Việc phát hiện bệnh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và sự nhậy cảm lâm sàng của người thầy thuốc, chính vì vậy ông bà ta mới có câu:" Thầy thuốc già, con hát trẻ" . Bệnh nhân cũng không có yêu cầu, đòi hỏi gì hơn. Ngày hôm nay, quá nhiều máy móc, quá nhiều trang thiết bị và phương pháp chẩn đoán và điều trị, Y học bước sang giai đoạn Y học chứng cớ, tất cả đều phải có bằng chứng và thế là giá thành chẩn đoán và điều trị đã tăng lên chóng mặt. Lỗi này không phải chỉ ở người thầy thuốc mà còn ở cả bệnh nhân và gia đình. Nếu không sử dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại sẽ gây thắc mắc rất lớn, nhiều khi dẫn đến cả kiện cáo lẫn nhau. Thật ra đó cũng là điều tất yếu phải xảy ra trong một xã hội hiện đại. Các chi phí này, suy cho cùng chỉ có thể trả nổi bằng bảo hiểm Y tế. Điều này đã được chứng minh rất rõ ràng trong những năm vừa qua.
Tuy nhiên, bảo hiểm Y tế của chúng ta vẫn còn nhiều điều cần phải bàn cãi thêm đó là sự minh bạch và tính đa dạng của bảo hiểm. Về tính minh bạch, chúng tôi và nhiều cán bộ công nhân viên nhà nước khác từ khi phải mua bảo hiểm trừ ngay từ tiền lương hàng tháng đến giớ vẫn chưa có trong tay một bản hợp đồng ký vơiù Bảo hiểm. Chúng tôi muốn phải được trực tiếp ký với Bảo Hiểm y tế, phải có được bản hợp đồng trong đó ghi rõ trách nhiệm và quyền lợi của mỗi bên, những loại dịch vụ Y tế mà chúng tôi được chi trả hoàn toàn hay phải chi trả một phần. Có như thế chúng tôi mới thật sự yên tâm, tránh được những thắc mắc không cần thiết giữa người mua và người bán bảo hiểm.
Hơn thế nữa, trên Thế giới rất nhiều nước đang áp dụng đa dạng hoá các loại bảo hiểm y tế. Từ việc cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào thị trường bảo hiểm, bảo hiểm và tái bảo hiểm. Bảo hiểm riêng cho từng loại bệnh, bảo hiểm bệnh cấp cứu, tai nạn và bệnh nghề nghiệp. Về mức giá bảo hiểm cũng nên có nhiều mức độ khác nhau kèm theo những hợp đồng rõ ràng cho từng đối tượng. Có những đối tượng có nền kinh tế tương đối khá, họ có thể đóng mức bảo hiểm cao để được bảo hiểm y tế hoàn toàn, có thể đi cả nước ngoài để khám và điều trị, hoặc mời đích danh những chuyên gia thăm khám cho họ. Tại sao lại không?
Một vấn đề khác cũng khá hay trong việc khám chữa bệnh cho người dân là khuyến khích các nhà từ thiện mua bảo hiểm Y tế cho người nghèo. Trong tình hinh hiện nay, có rất nhiều nhà hảo tâm họ muốn làm từ thiện giúp đỡ bệnh nhân, các bệnh viện cũng thành lập các hội từ thiện để quyên góp giúp đỡ người nghèo, tâm lòng ấy rất đáng trân trọng và phù hợp với tinh thần đạo nghĩa:" Lá lành đùm lá rách: của dân tộc ta. Tuy nhiên, về mặt hình thức và hiệu quả thật sự chỉ là thời vụ và kết quả chưa cao. Chúng tôi đã thấy trong bệnh viện có những bệnh nhân nghèo, mắc bệnh nguy hiểm được báo chí và giới truyền thông thông báo, có khá nhiều người đến cho tiền. Nhưng có người không sử dụng số tiền đó để chữa bệnh mà dùng để mua sắm các tiện nghi sinh hoạt trong nhà như truyền hình, tủ lạnh, máy nghe nhạc v.v…Nhà nước đã bỏ ra một số tiền khá lớn để mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, tại sao lại không khuyến khích những nhà hảo tâm, những doanh nghiệp mua bảo hiểm cho họ. Với những thẻ bảo hiểm Y tế cầm trong tay, chúng tôi tin rằng những người nghèo sẽ yên tâm làm ăn, khi có bệnh họ sẽ được khámvà chữa trị hoàn toàn miễn phí. Cách làm này xem ra sẽ hiệu quả và thiết thực hơn nhiều so với các hình thức từ thiện khác mà chúng ta đã thực hiện trước đây.