Kinh doanh bệnh viện tư
Kinh nghiệm của những doanh nhân, bác sĩ đã từng đầu tư vào bệnh viện. Từ khi cho ra ý tưởng về kinh tế y tế, đầu tư vốn, cơ sở vật chất cho đến khi vận hành, mỗi giai đoạn tâm lý cũng như thực trạng vấn đề đầu tư này ra sao? Từ ý tưởng đến thực tế có giống như ta tưởng không?
Đúng là trong giai đoạn hiện nay việc kinh doanh bệnh viện không hề dễ dàng, đã qua rồi thời kỳ thành công rực rỡ và ăn xổi ở thì trong kinh doanh Y tế nói chung và kinh doanh bệnh viện nói chung. Hơn 10 năm trước, chỉ cần một cơ sở vật chất khoảng 1.000 mét vuông vài ba bác sỹ và một số tiền không cần nhiều lắm thế là thành phòng khám là thành bệnh viện. Có những bệnh viện tư nhân làm trong thời kỳ này bệnh nhân đông chen chúc trong một không gian chật hẹp và nhiều người, tuy nhiên bệnh viện vẫn thành công như bệnh viện HM ở quận 3 TP Hồ Chí Minh. Nhiều bệnh nhân khá hào hứng với mô hình bệnh viện tư vì cho rằng đây là mô hình mà họ được khám bệnh nhanh, dịch vụ chu đáo. Tuy nhiên qua thời gian hoạt động bệnh viện tư nhân đã vướng phải một số vấn đề rất khó điều chỉnh như: Giá trị vốn đầu tư thường không ổn định, tỷ lệ sinh lợi thấp khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị thấp chỉ đạt khoảng 25-30% công suất, như một bệnh viện ở Đà Nẵng đầu tư rất hiện đại, công suất là 700 giường mà chỉ có 30-40 bệnh nhân nằm viện, máy móc đắp mền nhiều,. Thêm vào đó là hình thái xã hội hóa của các cơ sở Y tế nhà nước với thế mạnh vô biên về nhân lực, thương hiệu, uy tín từ lâu đời và nhất là tỷ lệ ăn chia thì chỉ có trời mới biết.
Một vấn đề nữa là việc đầu tư ồ ạt không có kế hoạch, không có khảo sát thị trường, được quyết định bởi các nhà đầu tư không phải là thầy thuốc nên đưa đến tình trạng không có bệnh nhân để khám và điều trị. Ví dụ như ở một tỉnh sát TP Hồ Chí Minh, dân số khoảng trên dưới một triệu, trong đó có 500-600 ngàn công nhân mà ngoài hệ thống bệnh viện công lập đồ sộ còn xây dựng đến 5 bệnh viện tư nhân mỗi bệnh viện quy mô cả ngàn giường thì thử hỏi bệnh nhân đâu mà chữa?
Thực trạng về việc đầu tư kinh doanh bệnh viện hiện nay ra sao?
Theo ý kiến riêng của chúng tôi với tình trạng gần 4/5 bệnh viện tư nhân đang trong tình trạng lỗ hay hoạt động cầm chừng thì hiện nay không nên đầu tư vào bệnh viện tư nhân. Nhà nước cũng nên có kế hoạch điều chỉnh lại hệ thống Y tế tư nhân sao cho phù hợp.. Củng cố những bệnh viện đang có, không nên để tình trạng trăm hoa đua nở như hiện nay và nên xác định rõ mô hình nào cho mỗi loại bệnh viện tư nhân: Lợi nhuận hay phi lợi nhuận? Nếu không hiện tượng đổ vỡ hàng loạt sẽ xảy ra như đối với các trường đại học tư nhân. Số lượng bệnh viện tư nhân ít ỏi thành công như hiện nay là do bệnh viện đã thành lập từ lâu phần lớn trên 10 năm trong thời gian hoàng kim của dịch vụ Y tế, có vị trí tốt và có vốn đầu tư ổn định.
Những bệnh viện mới thành lập, nước ngoài đầu tư cũng như trong nước hiện nay vì sao vẫn đầu tư ồ ạt? Những bệnh viện thành công được là nhờ vào yếu tố gì?
Hiện nay đang có sự đầu tư ồ ạt nhằm xây dựng các bệnh viện tư nhân, điều này thật sự sẽ gây ra sự khủng hoảng trầm trọng xảy ra vào vài năm sau. Giống như sự khủng hoảng của các trường Đại học Tư nhân trong giai đoạn hiện nay, không có học viên, mặc dù trường lớp khá khang trang, đội ngũ giảng viên cũng không phải tệ. Hiện nay nhờ vào việc cương quyết thực hiện chính sách hưu trí của nhà nước, có nghĩa là cương quyết cho về hưu đúng tuổi với nam 60, nữ 55 tuổi đã giúp cho các bệnh viện tư nhân có được một nguồn nhân lực khá dồi dào và có nhiều kinh nghiệm. Cho nên ở một số bệnh viện Tư, trình độ tay nghề không thua kém gì so với bệnh viện nhà nước. Tuy nhiên họ sẽ bị triệt tiêu bởi chính sách xã hội hóa tức tư nhân hóa bệnh viện công một cách khó hiểu và ồ ạt như hiện nay.
Tuy nhiên cũng có một vài bệnh viện tư nhân cũng khá thành công trên con đường phát triển, số này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Họ thành công vì ra đời cũng đã khá lâu, khoảng 15-20 năm tức là ngay khi bắt đầu cho làm bệnh viện tư nhân. Một số nhờ vị trí đẹp và thuận lợi, một số nhờ các chiêu trò Marketing mà phần lớn là không chính thống và cần phải xem xét lại.
Nói tóm lại đến giai đoạn hiện nay thì không nên kinh doanh bệnh viện tư vì khả năng thành công rất thấp, trừ khi nhà nước thay đổi chính sách và phân biệt rạch ròi giữa y tế nhà nước và y tế tư nhân.