Bệnh viêm mũi dị ứng
Phấn hoa là một trong những yếu tố gây dị ứng điển hình. |
Một số nhà khoa học cho rằng, căn bệnh này tương tự hen phế quản, chỉ khác là phản ứng xảy ra ở mũi, mắt và họng, còn trong bệnh hen thì xảy ra ở phổi. Khi người bệnh tiếp xúc với chất kích thích, cơ thể sẽ giải phóng histamin, gây viêm và tiết dịch ở niêm mạc hốc mũi, khoang họng, kết mạc mắt.
Các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được tại sao một số người lại quá nhạy cảm với phấn hoa, bụi nhà... trong khi những yếu tố này vô hại với những người khác. Do nhận thấy tình trạng viêm mũi dị ứng thường có tính chất gia đình nên họ cho rằng bệnh có một phần nguyên nhân di truyền.
Hầu hết các phần tử lơ lửng trong không khí có nguồn gốc cơ thể sống đều có thể gây viêm mũi dị ứng, chẳng hạn như tóc, da, lông vật nuôi. Với những người dị ứng với phấn cỏ, bệnh sẽ xuất hiện vào đầu mùa hè; với các trường hợp nhạy cảm với phấn hóa, bệnh sẽ xuất hiện vào mùa xuân. Ở nhiều người, bệnh diễn tiến quanh năm và nặng lên vào một mùa cao điểm.
Triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng là hắt hơi hàng tràng (có khi trên 10 cái), chảy nước mũi giàn giụa, mắt đỏ và ngứa (càng dụi càng ngứa), khô họng, ngạt mũi. Các biểu hiện này tồn tại trong vòng 15-20 phút, sau đó giảm dần. Số cơn xuất hiện trong ngày thùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Do các dị nguyên trong không khí quá nhỏ, không nhìn thấy được nên rất khó tiên lượng được là khi nào bệnh nhân có cơn viêm mũi dị ứng (chẳng hạn, nếu dị ứng với lông mèo, bạn có thể xuất hiện cơn bất cứ lúc đi qua nơi có dị nguyên này).
Viêm mũi dị ứng tuy không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng thường làm giảm năng suất lao động và chất lượng cuộc sống. Nhiều nghiên cứu cho thấy, căn bệnh này rất dễ dẫn đến viêm xoang và các chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.
Để phòng chống các cơn viêm mũi dị ứng, bệnh nhân nên hạn chế đi ra ngoài vào mùa phấn hoa. Nếu cần ra ngoài, nên đeo kính râm và tránh dụi mắt. Trong trường hợp bệnh không theo mùa mà xảy ra quanh năm, cần đi khám để phát hiện dị nguyên (xem dị ứng với chất gì) nhằm tránh hoặc hạn chế tối đa việc tiếp xúc với nó. Ngoài ra, cần đưa các loại cây cảnh, vật nuôi ra khỏi phòng ở.
Rất nhiều loại thuốc kháng histamin có thể làm giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, chúng thường có các tác dụng phụ như gây buồn ngủ, khô mũi, miệng... Đôi khi những tác dụng phụ này lại khiến bệnh nhân khó chịu hơn là biểu hiện bệnh. Để tránh tác dụng phụ toàn thân, có thể sử dụng các dung dịch corticoid dạng xịt vào hốc mũi. Dĩ nhiên, việc dùng thuốc phải do bác sĩ điều trị chỉ định.
Tất cả các thuốc trên chỉ có tác dụng ngăn chặn các triệu chứng chứ không điều trị được gốic bệnh. Vì vậy, cách bảo vệ mình tốt nhất của những người có cơ địa mẫn cảm vẫn là tránh tiếp xúc với các dị nguyên.
BS Phạm Thắng, Sức Khoẻ & Đời Sống