Những nguyên nhân gây khản, mất tiếng
Một trong những nguyên nhân thường gặp là hút thuốc hoặc uống rượu nhiều, sau đó bị cảm lạnh, dẫn đến viêm thanh quản. Nếu có bội nhiễm, thanh quản càng phù nề, nhất là ở bờ tự do của thanh đới, cản trở sự rung động của thanh đới và gây khản hoặc mất tiếng.
Những nguyên nhân khác:
- Viêm thanh quản do virus: Biểu hiện bằng một cơn cấp tính khi gặp thời tiết lạnh, tiếp theo sau đó là tình trạng viêm mũi - họng. Viêm thanh quản cũng có thể do nhiễm khuẩn gây ra. Tình trạng viêm này thường xảy ra với bệnh cúm.
- Phát âm quá mức (trẻ em khóc, gào thét), nói nhiều do nghề nghiệp, gây tổn thương thanh đới.
- Có vấn đề thực thể như u, polyp, loét ở thanh quản. Bệnh nhân thường có thêm một số triệu chứng khác như đau nhiều ở họng và cổ, khản tiếng rồi mất tiếng kéo dài nếu không được điều trị.
- Bệnh nhược cơ, thiểu năng giáp trạng hoặc liệt hành tủy: Trong những bệnh này, cơ của thanh quản cũng yếu, có thể liệt, gây mất tiếng. Thường kết hợp với nuốt khó, đau họng, đau ngực.
- Có tổn thương thần kinh thanh quản do đã được mổ ở tuyến giáp, cổ, ngực phía trên, thực quản, làm tổn thương đến thần kinh thanh quản.
- Rối loạn thần kinh trung ương.
- Trào ngược dạ dày ở bệnh dạ dày tá tràng.
Để phát hiện đúng nguyên nhân gây khản và mất tiếng, bệnh nhân cần:
- Đánh giá xem khản tiếng hoặc mất tiếng là một hiện tượng mới bị cấp tính hay đã kéo dài (10-15 ngày). Nếu cấp tính thì có khả năng là viêm cấp do virus hoặc vi khuẩn. Nếu đã kéo dài trên 2 tuần thì phải khám chuyên khoa tai mũi họng để phát hiện kịp thời những nguyên nhân nặng như u, cục, liệt thần kinh...
- Khám bệnh một cách tổng hợp toàn diện để xem chứng khản tiếng, mất tiếng có phải là hậu quả của những bệnh như nhược cơ, tiểu đường, viêm loét dạ dày - tá tràng, bệnh về thần kinh trung ương... không. Như vậy mới chẩn đoán đúng nguyên nhân mà chữa trị.
Cần đặc biệt chú ý trong các trường hợp như:
- Bệnh kéo dài.
- Nghiện thuốc lá, nghiện rượu nặng.
- Đã cao tuổi (60-70).
- Đã được phẫu thuật vùng cổ trước đây.
- Có u, cục hoặc tổn thương nghi ngờ: Cần làm sinh thiết để không bỏ sót bệnh lý ác tính.
GS Lê Sĩ Liêm, Sức Khỏe & Đời Sống