Ung thư hốc miệng do rượu, trầu, thuốc lá
15 phút khám răng định kỳ có thể cứu sống bạn. |
Ở dưới lưỡi ông N.V.L. (59 tuổi, Tiền Giang) có vết loét từ một năm nay. Tổn thương lớn dần, điều trị nhiều nơi không khỏi. Mới đây, ông đến Bệnh viện Ung bướu TP HCM và được chẩn đoán ung thư sàn miệng. Đây là hậu quả của 14 năm uống rượu và 43 năm hút thuốc lá.
Cũng được phát hiện ung thư vùng miệng tại Bệnh viện Ung bướu là bà N.T.L. (67 tuổi, Long An). Cách đây 2 năm, bệnh nhân này phát hiện một vết sùi trên miệng. Tưởng là mụn cóc nên bà đã nhiều lần dùng nhíp nhổ; nhưng vết sùi ngày càng lớn. Đầu năm nay, bà mới được chẩn đoán ung thư môi dưới. Người phụ nữ này có tiền sử ăn trầu, xỉa thuốc hơn 30 năm.
Theo khảo sát quần thể mới nhất do Bệnh viện Ung Bướu TPHCM thực hiện, tại địa phương này, ung thư hốc miệng đứng thứ 7 trong tổng số các loại ung thư. Đây là loại bệnh dễ phát hiện sớm; nhưng trên thực tế, phần lớn bệnh nhân lại đến bệnh viện muộn. Điều này ảnh hưởngãấu đến kết quả điều trị; nếu khỏi cũng để lại những di chứng nặng nề về chức năng và thẩm mỹ.
Theo khảo sát của bác sĩ Trần Thanh Phương, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, các yếu tố nguy cơ chính gây ung thư hốc miệng ở người Việt Nam là hút thuốc, uống rượu (nam giới) và ăn trầu, xỉa thuốc (nữ giới). Trong 134 ca bệnh được khảo sát, bác sĩ Phương nhận thấy 47% có hút thuốc, 30% uống rượu, 29% vừa hút thuốc vừa uống rượu và 23% có ăn trầu. Hút thuốc lá dễ dẫn đến ung thư các vị trí trong hốc miệng, còn uống rượu hoặc ăn trầu dẫn đến ung thư lưỡi, môi và sàn miệng. Nhiều nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, việc uống rượu thường xuyên làm tăng nguy cơ ung thư hốc miệng lên gấp 6 lần người bình thường, và nếu vừa hút thuốc vừa uống rượu thì nguy cơ tăng đến 15 lần.
Vệ sinh răng miệng kém cũng là yếu tố thuận lợi gây ra ung thư hốc miệng thông qua vai trò của virus mụn rộp thể 1. Virus này có khả năng kết hợp với gene người, gây ra biến đổi di truyền và tạo ra ung thư. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt vitamin A trong khẩu phần ăn kéo dài cũng được xem là yếu tố gây bệnh này.
Ung thư hốc miệng hiện vẫn là một thách thức lớn đối với các nhà khoa học. Ở nước ta, trên 70% ca bệnh được phát hiện lúc tổn thương quá lớn hay đã di căn. Bệnh nhân thường được điều trị như một bệnh lành tính của hốc miệng trước khi được chẩn đoán ung thư. Triệu chứng đầu tiên có thể là một vết sùi nhỏ, vết loét hay vết đen xơ cứng. Trễ hơn, tổn thương sẽ chảy máu, gây đau. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh lan rộng ra nhiều vùng chung quanh, gây co kéo da, đau nhức, đau răng, rụng răng...
Về tiên lượng, 50% bệnh nhân ung thư hốc miệng có thể sống 5 năm. Khi hạch cổ bị di căn thì tiên lượng của bệnh nhân giảm một nửa.
Ba biện pháp phát hiện sớm
1. Tự kiểm tra: Đứng trước gương quan sát và tìm những vùng bất thường ở vùng miệng, cổ. Nếu có những biến đổi sau đây thì cần đi khám ngay:
- Vết loét không lành sau 10 ngày.
- Vết trắng, vết đỏ, vết màu đen.
- Chỗ sưng nề, hòn rắn, vùng chảy máu không rõ nguyên nhân.
2. Đi bác sĩ khám: Tạo thói quen đi khám răng định kỳ, vì trong lúc khám và chữa răng cho bệnh nhân, bác sĩ răng hàm mặt có thể phát hiện các tổn thương ung thư sớm mà có khi chính bệnh nhân cũng không hay biết.
3. Làm test: Có nhiều xét nghiệm giúp phát hiện sớm ung thư hốc miệng như test xanh Toluidin, test hóa huỳnh quang, phết tế bào bong, sinh thiết. Hiện nay trên thế giới, xanh Toluidin đã được thương mại hóa với những bộ test như “Oratest” rất tiện dụng. Nên thực hiện test xanh Toluidin để tầm soát ung thư miệng ở người có nguy cơ ung thư cao (người có thói quen hút thuốc/ uống rượu/ ăn trầu, người trên 40 tuổi), để theo dõi những tổn thương nghi ngờ ác tính ở miệng, kiểm tra ung thư miệng có bị tái phát hay không. Test thực hiện trong vài phút, không gây đau đớn, dị ứng hay gây ngộ độc.
(Theo Người Lao Động)