MŨI CÓ NHIỆM VỤ GÌ?
GS - TRẨN PHƯƠNG HẠNH
Câu hỏi trên có vẻ ngây ngô đơn giản quá nhỉ. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ, bạn
sẽ thấy trả lời đầy đủ cho câu hỏi đó thật quả không dễ dàng.
Con
người thở hít không khí qua mũi, nhưng đôi khi cũng qua cả miệng nữa, tuy đó
chỉ là trường hợp đặc biệt, thí dụ khi ta cảm cúm, mũi bị ngạt. Mũi có nhiều
nhiệm vụ khác nhau, vì vậy cấu trúc rất phức tạp. Mũi bao gồm 14 xương và
trên toàn bộ về mặt trong của mũi lại có những lông tơ nhỏ xíu, có nhiệm vụ
đẩy ra hoặc lưu giữ bụi và các chất bẩn hít thở vào. Ở đó cũng có rất nhiều
tuyến nhầy, có tới 150 tuyến trên một diện tích nhỏ một cm2. Các
tuyến tiết dịch làm cho niêm mạc mũi luôn ẩm ướt. Hệ thống vi mạch cũng
phong phú để sưởi ấm niêm mạc mũi. Như vậy, ở mũi có nhiều hàng rào và để
ngăn cản bụi và vi khuẩn khỏi xâm nhập cơ thể: lông tơ đẩy bụi ra, dịch nhầy
giữ chúng lại. Mũi hoạt động để đảm bảo cho không khí thở hít vào luôn trong
sạch. Dịch nhầy tiết ra còn có vai trò tích cực chủ động vì chứa nhiều chất
diệt vi khuẩn. Hơn nữa, ở niêm mạc còn có những mạch máu, mạch limphô, vì
thế các tế bào máu, như bạch cầu dễ dàng thấm vào niêm mạc mũi để hoạt động
chống lại vi khuẩn.
Để
xác định vai trò của niêm mạc mũi, các nhà khoa học đã làm thử nghiệm: đặt
một con thỏ trong lồng kín chứa không khí lẫn vi khuẩn. Bình thường, thỏ thở
bằng mũi nên mặc dù trong lồng kín chứa không khí lẫn vi khuẩn, thỏ vẫn
không bị bệnh. Trong một lồng úp thứ hai, cũng chứa không khí lẫn vi khuẩn
như trên, nhưng con thỏ thứ hai có mang một ống thủy tinh ở mũi và như vậy
thỏ không thở hít qua niêm mạc mũi mà qua ống thủy tinh dẫn khí. Chỉ một
thời gian ngắn, con thỏ thứ hai này ốm rồi chết vì bệnh viêm phổi. Như thế
đủ biết vai trò của niêm mạc mũi quan trọng đến mức nào.
Tuy
nhiên, nhiều khi bụi và vi khuẩn vượt qua mũi để vào sâu hơn nữa, nhưng cơ
thể người lại có nhiều biện pháp chống đỡ khác. Như vậy, chức năng quan
trọng đầu tiên của mũi là bảo vệ cơ thể chống lại mọi vật lạ xâm nhập từ môi
trường bên ngoài (bụi bặm, vi khuẩn...).
Niêm mạc mũi có một mạng lưới vi mạch rất phong phú, trong đó máu luôn chảy
không ngừng; nhờ vậy, niêm mạc mũi luôn được sưởi ấm. Ngay cả trong những
ngày thật giá rét, không khí lạnh đi qua đường dẫn khí đều được sưởi ấm
trước khi vào phổi. Đó là nhiệm vụ thứ hai của mũi.
Nhiệm vụ thứ ba của mũi là làm ẩm ướt không khí hít thở vào: tuyến niêm mạc
mũi tiết ra chất dịch dễ bay hơi, bốc lên thành những hạt nước nhỏ li ti lơ
lửng trên niêm mạc.
Đường hô hấp được phủ một lớp tế bào có lông rung chuyển, gọi là thượng mô
lông. Thực chất đó là lớp tế bào có phần bề mặt bào tương nhô ra thụt vào
mảnh mỏng như sợi lông, sợi tóc. Các lông đó uốn lượn, nhịp nhàng như từng
đợt sóng nhấp nhô trên biển, với nhịp điệu 40.000 lần trong một giờ, theo
một chiều hướng nhất định: từ phía trong ra ngoài. Các đợt sóng nhấp nhô đó
đẩy ra khỏi hệ thống hô hấp mọi vật lạ (bụi, vi khuẩn). Giả thử lớp thượng
mô đó ngưng hoạt động nhịp nhàng không đẩy ra ngoài bụi bẩn thì suốt cả đời
người, sẽ có tới 5 Kg bụi chứa đầy phổi.
Những đám mô limphô họp thành amiđan ở vùng họng có nhiệm vụ làm ẩm ướt
không khí và bảo vệ đường khí quản. Khi viêm họng, amiđan sưng to, trẻ nhỏ
không thở qua mũi nữa mà thường há to mồm để thở làm cho nhiễm khuẩn có thể
tăng lên. Nếu để viêm amiđan kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ:
chậm lớn, người gầy xanh, học hành giảm sút. Chỉ cần đến thầy thuốc chữa trị
hoặc cắt amiđan là các triệu chứng bệnh sẽ hết.
Nhiệm vụ thứ tư của mũi là có tác động gây co giãn đường ống thông khí: chắc
chắn những lúc ở nơi công viên mát mẻ, hoặc ở giữa cánh đồng quê thoáng khí,
hoặc bên bờ biển lộng gió, bạn cảm thấy thở hít nhẹ nhàng, trong người khoan
khoái. Vì sao vậy? Đó là vì niêm mạc mũi rất giàu vi mạch nên có thể dễ dàng
co giãn, thay đổi kích thước. Khi các mạch máu co thì niêm mạc mũi cũng thấp
hẹp lại, đường ống dẫn khí được mở rộng hơn, không khí trong sạch dễ dàng
tràn đầy hai phổi, cung cấp nhiều oxygen cho cơ thể. Ngược lại, khi mạch máu
giãn nở, niêm mạc mũi cũng căng phồng to, làm cho đường ống dẫn khí bị hẹp
khít và con người cảm thấy khó thở. Điều đó xảy ra khi bạn ở trong căn buồng
kín hoặc nơi có nhiều bụi bẩn. Như vậy nhiệm vụ thứ tư của niêm mạc mũi là
tác động gây co giãn các đường dẫn khí, tạo điều kiện cho hô hấp được dễ
dàng hoặc làm giảm bớt hô hấp để bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm độc.
Tất
cả những hiện tượng đó đều có liên quan đến hệ thần kinh trung ương. Giả thử
đem đặt một lọ dung dịch amoniac ở trước mũi: kích thích từ niêm mạc tới hệ
thần kinh trung ương báo hiệu có mối đe dọa nguy hiểm cho phổi. Từ đại não,
kích thích truyền đến các tạng và cơ. Niêm mạc mũi căng phồng, đường dẫn khí
thu hẹp nhỏ, có khi đóng kín hẳn, phổi cũng tạm ngưng hoạt động, cơ hoành
nâng cao làm hẹp nhỏ buồng ngực, tim đập chậm: tất cả đều nhằm mục đích bảo
vệ cơ thể.
Trái lại, không khí trong lành tác động lên nơi đầu tận thần kinh ở niêm mạc
mũi. Kích thích cũng được hình thành như thế, nhưng có tác động trái ngược
làm niêm mạc mũi co lại, đường dẫn khí nở rộng, cơ hoành hạ thấp, buồng ngực
giãn nở, tim đập nhanh hơn: tất cả các tạng đều mở rộng như để đón nhận
luồng không khí trong lành, giàu oxygen vào cơ thể. Như vậy, không khí đi
qua mũi đã tác động lên những đầu tận thần kinh hiện diện ở khắp nơi trên
niêm mạc mũi. Những kích thích thần kinh ấy không chỉ ảnh hưởng đến đường hô
hấp mà còn đến hoạt động của nhiều bộ phận khác: nhịp tim thay đổi, áp lực
máu tăng v.v...
Hẳn
bây giờ bạn đã công nhận việc thở hít bằng mũi là điều rất quan trọng và cần
thiết cho sức khỏe. Mũi lại còn có nhiệm vụ ngửi nữa, vì thế nên có cấu trúc
đặc biệt. Vách mũi phân chia khoang mũi thành hai ngăn: phải và trái. Vách
ngăn không là một mặt phẳng. Ở nhiều người, vách có một độ cong tự nhiên
lệch sang phải. Vì vậy, phần nửa trái của mũi có mức độ khứu giác nhạy cản
hơn phần nửa phải. Không khí hít vào đi thẳng xuống tiếp xúc với đầu tận dây
thần kinh ngửi.
Ở
người, khứu giác rất phát triển. Thí dụ trong 50cm3
khối không khí dù chỉ chứa 0,000.000.000.025g (bảy số không) vanilin, con
người vẫn có thể ngửi thấy mùi thơm đó. Con người còn có thể ngửi được một
số chất khác với nồng độ 10 - 100 lần ít hơn nồng độ trên. Ở loài chó và một
số động vật hoang dại, khứu giác còn phát triển tinh tế hơn ở người. Vì vậy
thường dùng chó để săn thú hoặc tìm dấu vết tội phạm trong nhiều vụ án hình
sự.
Bây
giờ, hẳn bạn đã có thể trả lời đầy đủ câu hỏi: Mũi có nhiệm vụ gì?