Bệnh ung thư miệng
Việc uống nhiều rượu có thể gây ung thư miệng. |
Thuốc lá, trầu và rượu là các yếu tố quan trọng nhất gây ra căn bệnh này, nhất là khi chúng được kết hợp với nhau. Việc uống rượu làm tăng gấp 2-3 lần nguy cơ ung thư miệng, trong khi vừa hút thuốc vừa uống rượu làm nguy cơ này tăng đến 15 lần.
Trong các loại ung thư, ung thư miệng đứng hàng thứ 5 ở nam và hàng thứ 7 ở nữ về số người mắc, chiếm tỷ lệ cao ở các nước phát triển. Ở Ấn Độ, ung thư miệng chiếm 40% số ca ung thư. Riêng ở Việt Nam, theo điều tra của Trung tâm ung bướu, tỷ lệ này là 6%.
Tại các nước, ngày càng có nhiều người trẻ bị ung thư miệng. Ở những vùng có tỷ lệ cao, nhiều trường hợp bệnh xảy ra trước 35 tuổi, do lạm dụng các hình thức hút thuốc lá không khói.
Các yếu tố nguy cơ
Thuốc lá chứa chất sinh ung thư là hydrocarbon thơm đa vòng. Cau cũng có chất gây ung thư miệng là các alkaloides. Những người vừa hút thuốc vừa ăn trầu có nguy cơ ung thư miệng cao gấp nhiều lần so với người chỉ có một trong hai thói quen trên. Nguy cơ ung thư tỷ lệ thuận với thời gian và số lượng thuốc lá, trầu, rượu được tiêu thụ. Theo điều tra tại Trung tâm ung bướu, 60% bệnh nhân nam bị ung thư miệng là do thói quen hút thuốc và uống rượu.
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng gây ung thư miệng như: nhiễm trùng vùng miệng, nhiễm nấm candida albicans, thiếu vitamin A, C, E, thiếu máu, yếu tố di truyền, tia cực tím, tình trạng suy giảm miễn dịch, chấn thương nhiễm trùng mạn tính do răng vỡ hay hàm giả, vệ sinh răng miệng kém...
Những triệu chứng nghi ngờ
Phát hiện bệnh sớm sẽ giúp việc điều trị đạt kết quả cao hơn nhiều. Sau đây là các triệu chứng cần chú ý:
- Vết loét không lành sau 2 tuần dù đã loại bỏ chất kích thích, vết loét không rõ nguyên nhân.
- Tổn thương xơ chai, cứng.
- Tổn thương dạng chồi gồ, dạng bông cải hay khối u.
- Tổn thương dính chặt vào mô bên duới.
- Ổ răng nhổ không lành.
- Răng lung lay không rõ nguyên nhân.
- Đau hoặc bị những cảm giác lạ mà không rõ nguyên nhân.
- Gặp trở ngại ở những chức năng nhai, nói, chảy nước bọt thường xuyên.
- Có mảng trắng, đỏ trong hốc miệng, trên lưỡi…
- Có hạch cổ, chạm vào thấy cứng, dính.
Để phát hiện sớm ung thư miệng, có thể tiến hành hai loại xét nghiệm. Đó là xét nghiệm xanh Toluidine hoặc phết tế bào bong. Nếu kết quả là dương tính hoặc có các triệu chứng lâm sàng kể trên, hãy đi sinh thiết ngay để có kết quả chẩn đoán chính xác hơn.
Điều trị
Ung thư miệng có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật và xạ trị, riêng rẽ hoặc kết hợp. Những tổn thương nhỏ thường dễ điều trị hơn và có nhiều hy vọng chữa khỏi. Chẳng hạn, đối với bệnh ung thư môi tổn thương nhỏ, chưa di căn hạch, có 85% bệnh nhân sống được trên 5 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, đa số trường hợp được phát hiện chậm nên hiệu quả điều trị thấp, phải dùng phối hợp cả phương pháp hoá trị. Đối với những người đã mắc bệnh được 5 năm, tỷ lệ tử vong rất cao do di căn lan tràn hoặc xuất hiện ổ ung thư thứ hai ở đường hô hấp - tiêu hóa.
Cách phòng ngừa
- Bỏ hút thuốc, uống rượu và ăn trầu.
- Nếu có dùng các thức trên thì sau đó phải súc miệng kỹ càng. Không được lạm dụng nước súc miệng có cồn.
- Ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin A, C, E. Những vitamin này có tác dụng chống oxy hoá và thải trừ các gốc tự do có khả năng gây đột biến gene, dẫn tới ung thư. Chúng có trong bữa ăn hằng ngày dưới dạng rau quả có màu đỏ, vàng, xanh. Các nguyên tố vi lượng như kẽm, selen và sắt cũng rất cần thiết.
Sài Gòn Tiếp Thị