Phát điên vì thuốc nhỏ tai
Cô sinh viên Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đại học Sư phạm Quy Nhơn) bị viêm tai xương chũm mạn, được chỉ định nhỏ tai bằng Otofa. Sau khi nhỏ, cô có nhiều biểu hiện khác lạ rồi phải vào bệnh viện tâm thần điều trị. Gia đình xem lại lọ thuốc thì thấy không phải Otofa mà là Otipax.
Ngày 19/7/, cô Hạnh cùng dì ruột đến khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh và được bác sĩ Bình chẩn đoán viêm tai xương chũm mạn, kê đơn với loại thuốc Otofa. Hai dì cháu cầm đơn ra nhà thuốc Tân Thành (một quầy thuốc lớn ở Bình Định, đóng ở 245 Nguyễn Huệ) mua. Chủ quầy cho biết đã hết thuốc này và cầm đơn sang quầy Hương Giang bên cạnh mua giùm với giá 45.000 đồng. Sau khi dùng thuốc, Hạnh có những biểu hiện khác lạ. Ngày 21/7, người nhà đưa cô nhập viện cấp cứu với tình trạng sức khỏe giảm sút, mê man không biết gì. Bác sĩ đoán là đã nhỏ nhầm thuốc. Người nhà đem lọ thuốc ra xem lại thì không phải Otofa mà là Otipax". Chị Phạm Thị Thủy, dì ruột cô Hạnh khẳng định: "Nhà thuốc lúc đó ít người và chủ nhà thuốc đã đọc kỹ đơn".
Suốt mấy ngày sau đó, bệnh nhân ăn uống khó, mê man, chẳng nhớ được gì. Bác sĩ Châu Văn Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Bình Định cho biết, cuộc hội chẩn ngày 26/7 đã xác định cô Hạnh bị loạn thần cấp, có biểu hiện của người điên như miệng nói lảm nhảm, không rõ nội dung, tiếp xúc khó... Đến trưa 29/7, cô gái này vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Các bác sĩ vẫn chưa xác định được thời gian và khả năng hồi phục của cô.
Hiện lọ thuốc tai hại kể trên đã được gửi lên Thanh tra Sở Y tế và đã được niêm phong. Theo bản hướng dẫn sử dụng kèm theo hộp thuốc Otipax ghi rõ (viết hoa): "Thuốc này chỉ dùng theo sự kê đơn của thầy thuốc". Cũng theo bản hướng dẫn, Otipax được chỉ định điều trị các triệu chứng đau tại chỗ, đặc biệt là viêm tai giữa cấp trong giai đoạn sung huyết, viêm tai virus có bóng nước trong cảm cúm, chấn thương tai do khí áp. Thuốc có chống chỉ định là thủng màng nhĩ. Theo Bách khoa thư bệnh học và một bác sĩ tai-mũi-họng tại Quy Nhơn, bệnh nhân viêm tai xương chũm như cô Hạnh thường bị thủng màng nhĩ.
Dược sĩ Trần Giác, Chủ tịch Hội Dược học Bình Đình cho biết, Otipax là loại thuốc thuộc nhóm độc B, chứa hai hợp chất: Lidocain 160 mg và Phenazon 160 mg, dễ gây phản ứng phụ khi sử dụng. Với hàm lượng ít, thuốc cũng có thể gây dị ứng tức thì, nhẹ thì nhức đầu, bồn chồn, ù tai; nặng thì co giật, hôn mê, mất định hướng... Như vậy, việc cô Hạnh bị loạn thần cấp có thể do lọ thuốc Otipax gây ra.
(Theo Thanh Niên)