Lạm dụng thuốc nhỏ mũi làm ngạt mũi nặng hơn
Để giảm bớt sự khó chịu do chứng ngạt mũi đem lại, nhiều bệnh nhân nhỏ thuốc naphazolin và thấy đỡ hẳn. Từ đó, hễ bị ngạt là họ nhỏ thuốc thường xuyên, lâu dần gây nhờn hoặc lệ thuốc thuốc. Nếu không nhỏ, mũi càng ngạt hơn trước.
Naphazolin là một loại thuốc co mạch mạnh có tác dụng tại chỗ. Khi mũi tắc, chỉ cần nhỏ thuốc là mũi thông ngay. Điều này dễ gây lạm dụng thuốc mỗi khi bị cảm cúm nhẹ gây ngạt mũi. Nếu nhỏ một vài lần và cách xa nhau thì vô hại nhưng nếu dùng lâu, niêm mạc mũi do thiếu sự tưới máu cần thiết sẽ trở nên bị phù nề, các cuốn mũi bị quá phát, gây nghẹt mũi.
Naphazolin mỗi khi tiếp xúc với niêm mạc mũi sẽ lập tức gây co mạch mạnh, làm mũi thông thoáng, nhưng tiếp đó lại có hiện tượng "dồn máu trở lại" làm tắc mũi, đòi hỏi phải nhỏ tiếp. Mặt khác, niêm mạc mũi sau nhiều lần nhỏ thuốc sẽ bị phù nề, trở thành kém nhạy cảm đối với thuốc nên đòi hỏi phải nhỏ nhiều thêm, gây ra cái vòng luẩn quẩn khiến người bệnh không rời bỏ được thuốc và ngày càng phải tăng thêm số lần cũng như lượng thuốc nhỏ.
Muốn điều trị có kết quả, bệnh nhân phải ngừng ngay hoặc từng bước ngừng việc nhỏ mũi bằng naphazolin. Để đối phó với triệu chứng nghẹt mũi, bạn có thể châm hoặc day huyệt nghinh hương ở hai bên cánh mũi (có tác dụng làm đỡ nghẹt). Ở tư thế nằm, mũi dễ tắc hơn do máu dễ dồn lên đầu. Vì thế buổi tối trước khi đi ngủ, bạn nên hoạt động thể dục hoặc đi bộ để máu được phân bố điều hòa cho các bộ phận, sẽ dễ ngủ hơn.
Ngoài ra, bạn nên đến khám bệnh ở một cơ sở chuyên khoa tai mũi họng có trang bị tốt để được chẩn đoán chính xác. Nếu đúng là viêm mũi mạn tính với cuốn mũi phình to do quá phát niêm mạc, thầy thuốc chuyên khoa có thể giúp bạn dễ thở hơn bằng các kỹ thuật giản đơn (như bẻ cuốn mũi, đốt cuốn mũi bằng điện hoặc laser) trước khi phẫu thuật cắt bỏ phần quá phát của cuốn mũi (nếu cần thiết).
GS Phạm Kim, Sức Khỏe & Đời Sống