TRĨ MŨI
BS. HƯƠNG LIÊN
Gần đây chúng tôi nhận được thư một số bạn đọc hỏi về căn bệnh làm cho
mũi bệnh nhân luôn luôn thở ra một mùi hôi đặc biệt khiến những người chung
quanh phát sợ. Đây là bệnh viêm mũi teo thường gặp và nan giải: bệnh trĩ
mũi. Bệnh không nguy hiểm nhưng gây ra mùi hôi rất khó chịu, làm ảnh hưởng
đến việc quan hệ, tiếp xúc với những người xung quanh, gây nhiều khổ tâm cho
người bệnh.
Theo thống kê, số người bị trĩ mũi không ít, cứ khoảng 1.000 người có một
người mắc. Bệnh phát ra vào tuổi dậy thì và kéo dài suốt đời nếu không tích
cực chạy chữa sớm.
Trong giai đoạn đầu, triệu chứng chính của bệnh là viêm mũi kéo dài, xỉ mũi
ra mủ vàng lẫn vẩy. Nếu khám mũi lúc này sẽ thấy niêm mạc mũi khô, đỏ và có
vẩy vụn màu vàng như cám, ở sau mũi có nhiều mủ ứ đọng. Người bệnh thường
xuyên bị ngạt mũi rất khó chịu.
Như vậy, trong suốt giai đoạn đầu người bệnh bị ngạt mũi, sổ mũi là chính,
do đó nhiều người cho rằng mình bị viêm mũi hoặc cảm cúm thông thường, không
đi khám bệnh, hoặc khám không đúng thầy thuốc chuyên khoa nên không biết
mình mắc căn bệnh viêm mũi teo đặc biệt này.
Sau một thời gian, bệnh tiến triển sang giai đoạn chính, giai đoạn trĩ mũi.
Lúc này từ mũi bệnh nhân thở ra một mùi hôi thối rất khó chịu làm những
người xung quanh không dám gần. Điều đặc biệt chỉ người ngoài mới ngửi thấy
mùi hôi thối đó, còn bản thân người bệnh lại không ngửi thấy gì, do niêm mạc
mũi của họ đã bị teo nên mất khứu giác.
Ở giai đoạn này, thỉnh thoảng bệnh nhân lại xỉ ra những cục vẩy to, có khi
bằng hạt ngô, hạt đỗ, màu xanh, vàng rất thối. Có nhiều người còn bị kèm
theo chứng nhức đầu âm ỉ thường xuyên.
Nếu khám mũi lúc này sẽ thấy niêm mạc mũi teo đét, nhợt nhạt, mỏng, dính
vào xương làm cho hố mũi như rộng ra nhiều. Tuy vậy, người bệnh vẫn có cảm
giác chủ quan mình bị ngạt mũi. Trong mũi có nhiều vẩy màu vàng xanh lẫn với
mủ nhầy. Xét nghiệm vi khuẩn ở vẩy mủ thấy có những vi khuẩn sinh mủ và gây
thối.
Bệnh diễn biến nhiều năm, thỉnh thoảng lại có những đợt nặng. Phụ nữ bị trĩ
mũi thường có những đợt nặng thêm vào thời kỳ sinh đẻ và giảm dần khi đến
tuổi mãn kinh, do đó nhiều tác giả nghĩ rằng bệnh này có căn nguyên nội tiết
làm rối loạn dinh dưỡng của niêm mạc và làm cho niêm mạc mũi teo đét.
Việc điều trị bệnh trĩ mũi thuộc phạm vi chuyên khoa tai mũi họng. Tuy vậy,
cho đến nay người ta vẫn chưa có phương pháp hoặc thuốc đặc hiệu nào để chữa
khỏi hẳn trĩ mũi. Thường các thầy thuốc tai mũi họng chỉ chữa làm đỡ mùi hôi
thối và giảm sự phát sinh các vẩy thối bằng cách rửa mũi lấy vẩy ra và bôi
vào niêm mạc mũi các thuốc kháng sinh và thuốc kích thích phục hồi niêm mạc.
Như vậy, bệnh trĩ mũi tuy không nguy hiểm nhưng gây nhiều khó chịu cho
người bệnh và người xung quanh, dằn vặt người bệnh về mặt tâm lý. Khi bệnh
đã phát triển, việc điều trị có nhiều khó khăn và ít kết quả, cũng vì vậy
việc phòng bệnh rất quan trọng.
Để đề phòng trĩ mũi ta phải điều trị sớm các viêm mũi và viêm xoang kéo dài
ở trẻ em, nhất là các em gái, vì bệnh thường phát ra từ trẻ. Không dùng
chung khăn mặt, chậu rửa mặt với người bệnh, đề phòng có thể bị lây bệnh.