Điều trị ngáy bằng khí cụ miệng
Phòng khám Nha khoa An Đông (256 Trần Phú, quận 5 TP HCM) là nơi duy đang áp dụng phương pháp này. Bằng cách đặt một khí cụ vào miệng khi ngủ, bệnh nhân có thể tránh được cơn ngáy và các biến chứng nguy hiểm của nó. Chi phí cho mỗi ca điều trị khoảng 500.000 đồng.
Bác sĩ Trần Ngọc Quảng Phi, người đưa phương pháp này vào áp dụng ở TP HCM từ cuối năm 2001, cho biết so với các phương pháp khác, việc chữa ngáy bằng khí cụ miệng có ưu điểm là đơn giản, chi phí thấp, hiệu quả cao, lại không gây biến chứng. Tuy nhiên nó cũng có hạn chế là không thành công ở một số trường hợp.
Hội chứng ngừng thở khi ngủ
Ngáy là biểu hiện của hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn, thường gặp ở nhiều người. Tuy vậy, ít ai nghĩ rằng nó là bệnh để điều trị. Ở mức độ nhẹ và trung bình, bệnh gây ra tình trạng không thông khí do hẹp đường thở. Nếu nặng, nó có thể làm giảm ôxy trong máu, cao huyết áp, giảm trí nhớ, trầm cảm.
Có nhiều phương pháp điều trị ngáy như dùng thuốc, đổi tư thế khi ngủ, phẫu thuật, dùng máy tạo áp lực dương liên tục và điều trị bằng khí cụ miệng. Trong số này, khí cụ miệng đã có mặt tại Mỹ và các nước phát triển từ vài thập kỷ nay. Thiết bị có tên MAA giúp đưa hàm dưới ra trước, khiến lưỡi cũng di chuyển ra trước nên không tụt ra sau và gây ngáy.
Có 2 loại MAA:
- Loại một khối (Fixed MAA): Có tác dụng cố định hàm trên và hàm dưới với nhau ở vị trí mà hàm dưới được đưa ra. Phía trước khí cụ này có thể có những lỗ để bệnh nhân thở qua đường miệng. (rất quan trọng với những bệnh nhân bị tắc nghẽn đường mũi).
- Loại điều chỉnh được (Adjustable MAA): Thuận tiện hơn vì dễ gắn, dễ tháo và khó bị rời ra trong khi mang.
Theo dõi 300 người Mỹ mắc chứng ngáy có sử dụng khí cụ miệng trong 3 năm, các nhà khoa học nhận thấy, chỉ có 1,3% số bệnh nhân không cải thiện được tình trạng ngáy; 2,7% có hiện tượng đau cơ và 1% không thể sử dụng khí cụ.
Thanh Niên