Mất tiếng do ho nhiều
Một số người bị ho đến nỗi khàn tiếng, có khi mất hẳn tiếng. Đây là biểu hiện của viêm thanh quản. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và công tác, nhất là đối với những người làm những nghề cần đến giọng nói.
Sau khi bị nhiễm lạnh, bệnh nhân sốt 38-38,5 độ C, sổ mũi, nhức đầu, mỏi mệt. Vài hôm sau xuất hiện đau họng, có cảm giác nóng và khô trong cổ họng. Sau đó, người bệnh bắt đầu ho; giọng nói khàn dần, đôi khi mất tiếng nhanh chóng. Sau 2-3 ngày, ho khan chuyển thành ho có đờm đặc dần. Những người yếu mệt và trẻ em bị viêm thanh quản có thể sốt cao 39-40 độ C.
Soi thanh quản lúc này sẽ thấy toàn bộ niêm mạc thanh quản, đặc biệt các dây thanh bị xung huyết rất đỏ. Các chất xuất tiết, đờm có rất sớm, đọng trong lòng thanh quản, ở mép trước hoặc mép sau khe dây thanh, hoặc bám vào dây thanh, làm dây thanh khó di động, không khép được sát vào nhau khi phát âm, gây ra khàn tiếng, mất tiếng.
Ở trẻ em, còn có thể gặp chứng viêm thanh quản rít. Đây cũng là một dạng viêm thanh quản cấp, xuất tiết kèm theo co thắt thanh quản về ban đêm. Trẻ đang khỏe mạnh bỗng bị khó thở vào khoảng nửa đêm với 3 dấu hiệu chính: khó thở vào và khó thở chậm, có tiếng rít thanh quản, co kéo vùng trên ức và thượng vị. Ngoài ra, trẻ còn hay bị thay đổi giọng nói, tiếng khóc, tiếng ho khàn đi, vẻ mặt hoảng hốt, sợ hãi, có thể hơi sốt. Nên đưa ngay trẻ đến bệnh viện để thày thuốc khám và xử trí kịp thời.
Để đề phòng viêm thanh quản, trong những tháng đông-xuân, phải chú ý giữ ấm mũi, họng, cổ, ngực, mặc đủ ấm, không đứng trước luồng gió lạnh. Nếu bị ngạt mũi, sổ mũi, viêm họng thì phải chữa ngay. Còn nếu sốt, ho, khàn tiếng là thanh quản đã có vấn đề, phải đến cơ sở tai mũi họng khám và điều trị sớm.
Về điều trị viêm thanh quản cấp, ngoài thuốc men do bác sĩ chỉ định, người bệnh cần phải nằm nghỉ, uống nhiều nước trà nóng, kiêng nói nhiều, kiêng thuốc lá, rượu và các gia vị kích thích như ớt, hạt tiêu... Cần chườm nóng trước cổ mỗi ngày 3-4 lần, súc miệng nhiều lần bằng nước muối ấm.
Có thể xông các thứ lá thơm có kháng sinh thực vật bay hơi (như lá cúc tần, lá chanh, lá bưởi, lá tre, lá sả...) và dùng các bài thuốc nam chữa viêm họng, viêm thanh quản cấp, tuy đơn giản nhưng có tác dụng tốt.
Những người làm nghề cần đến giọng nhiều như ca sĩ, giáo viên, phát thanh viên... phải có chế độ nghỉ ngơi cho đến khi thày thuốc chuyên khoa khám xác nhận thanh quản đã bình thường.
BS Phùng Chúc Phong, Sức Khỏe & Đời Sống