CHỨNG HÔI MIỆNG (HALITOSIS)
PTS. BS NGUYỄN CẪN
Khoa RHM, trường ĐHYD
Thật sự đây là vấn đề
rất lớn vì cả thế giới đều quan tâm. Đã có những hội nghị khoa học chỉ với
chuyên đề hôi miệng. Hôi miệng không phải là một bệnh mà là một dấu chứng
hay triệu chứng của nhiều bệnh ở trong miệng hoặc ở ngoài miệng... cho nên
làm cho hết hôi miệng hoặc giảm hôi miệng cũng không phải là chuyện khó. Nếu
biết giữ gìn vệ sinh răng miệng và điều trị được bệnh gốc (tức là bệnh đã
gây ra hôi miệng) thì khả năng khắc phục hôi miệng có thể lên đến trên 90%.
Hôi miệng (halitosis) hay
hơi thở hôi thường gặp ở những người bị nhiễm trùng ở đường hô hấp trên, đặc
biệt ở những bệnh nhân bị chứng mở rộng phế quản và áp xe phổi. Hôi miệng
cũng xảy ra ở những người bị nhiễm trùng miệng (có mủ) như viêm miệng, viêm
nướu (viêm lợi) hoặc bị sâu răng nhiều. Hơi thở hôi còn có nguồn gốc từ các
túi mủ của viêm nha chu (viêm quanh răng) hoặc từ lưỡi, từ viêm amiđan
v.v... Theo sách vở, những người có hơi thở tanh mùi cá có thể bị những bệnh
ở gan, hơi thở hôi mùi amôniac hoặc mùi khai của nước tiểu có thể do trong
máu có uré. Hơi thở mùi ngọt, mùi trái cây ở những người bị bệnh tiểu đường
v.v...
Ngoài những nguyên nhân
nêu trên có thể có những người bị hôi miệng nhưng vẫn không phát hiện nguyên
nhân. Cũng có thể có người hôi miệng là "do tưởng tượng": không hôi miệng
nhưng vẫn cứ nghĩ mình bị hôi miệng! Đó là hôi miệng "chủ quan". Chính thầy
thuốc răng miệng là người chẩn đoán hôi miệng và tìm nguyên nhân giúp bệnh
nhân. Đối với những người hôi miệng "chủ quan" phải trấn an bệnh nhân và
giải tỏa cho họ cái "mặc cảm" ấy.
Những người hôi miệng chủ
quan hay khách quan cần phải tự kiểm tra tình trạng vệ sinh răng miệng của
mình: có thật sự chải đánh răng sạch sẽ hay không? Có được trám răng "tử tế"
hay không? Nếu trám răng không đúng kỹ thuật, nghĩa là trám dư, trám thiếu,
bị hở, không được đánh bóng v.v... đều tạo ra nhồi nhét thức ăn, lưu giữ
mảng bám, tập trung vi khuẩn... từ đó có hiện tượng lên men, nhiễm khuẩn và
có thể tạo ra mùi vị khó chịu!
Cần chú ý ở những người
thở miệng (do nghẹt mũi chẳng hạn), những người bị chứng khô miệng do thiếu
nước bọt, những người hở miệng tự nhiên... nước bọt có thể bị cô đọng, không
lưu thông được (như ở vùng kẽ răng) từ đó có hiện tượng lên men, vi khuẩn
sinh sản nhiều... và hôi miệng! Khắc phục bằng cách súc miệng thường xuyên
bằng nước sạch (đi làm mang theo chai nước).
Những người có răng lớn,
răng mọc lệch lạc, kẽ răng khít khao không thể làm sạch được bằng bàn chải
đánh răng bình thường cần phải dùng thêm "chỉ nha khoa" theo hướng dẫn của
bác sĩ răng hàm mặt. Ngoài ra, mọi người cần chú ý về tình trạng cao răng
của mình. Cao răng là nơi tập trung vi khuẩn. Cao răng nhiều thì chắc chắn
tạo ra mùi hôi vì rất dơ và thường tạo ra viêm nướu. Triệu chứng của viêm
nướu là chảy máu nướu có khi là chảy máu nướu tự phát (như có bạn đọc nêu
chảy máu nướu lúc nói, lúc ăn cơm, lúc chải răng...).
Phải đi cạo cao răng và
chính bác sĩ răng hàm mặt sẽ khuyên bao nhiêu lâu thì phải đi cạo cao răng
một lần.
Những người lưỡi lớn,
lưỡi hay đóng bợn ở lưng lưỡi cũng có thể bị hôi miệng. Khi chải răng phải
đánh chải cả lưng lưỡi và nếu cần phải cạo lưỡi. Cạo lưỡi và dùng tăm để xỉa
chưa thuộc về những biện pháp vệ sinh răng miệng chính thức. Khi dùng cần có
chỉ định của thầy thuốc.
Nói chung, những người bị
hôi miệng thật sự cần có sự bình tĩnh vì nhiều khi nguyên nhân cũng rất đơn
giản. Trong khi chờ được khám răng miệng, cần giữ gìn vệ sinh răng miệng
tốt, súc miệng thường xuyên bằng nước lã (nước đun sôi để nguội), chỉ dùng
thuốc súc miệng có chất sát trùng khi có hướng dẫn của thầy thuốc chuyên
môn.