DÙNG THUỐC NHỎ MŨI CHO TRẺ NHỎ
Thạc sĩ VŨ CÔNG TRỰC
Viện Tai Mũi Họng Trung ương
Trong cuộc sống hàng ngày có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiễm bệnh
đường hô hấp ở trẻ em. Vì vậy, cho dù mùa hè hay mùa đông, các bà mẹ cần
chăm sóc con em mình một cách chu đáo. Đó là phương pháp tốt nhất nhằm bảo
vệ sức khỏe cho trẻ em.
Có nhiều nguyên nhân thuận lợi dẫn đến viêm nhiễm này nhưng chủ yếu là do
việc thay đổi nóng lạnh đột ngột. Ví dụ như:
·
Thay đổi nhiệt độ sáng sớm và chiều tối, giữa trong nhà và ngoài
trời.
·
Các cháu chạy nhảy ra nhiều mồ hôi sau đó tắm lạnh hay uống lạnh
ngay.
Đặc biệt trong vài năm gần đây việc sử dụng điều hòa nhiệt độ ngày càng
nhiều (đó là ưu việt của khoa học kỹ thuật) nhưng cũng có nhược điểm: gây ra
sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa trong nhà và thời tiết oi bức bên ngoài.
Riêng ở Việt Nam và nhất ở miền Bắc thời tiết nóng kèm theo độ ẩm cao tạo
thuận lợi hơn cho viêm nhiễm xuất hiện.
Ở trẻ nhỏ thường gặp nhất là viêm VA, ở trẻ lớn hơn hay gặp viêm họng -
viêm Amiđan. Ở đây tôi đề cập đến viêm VA, việc phòng bệnh và chữa bệnh có
nhiều khó khăn hơn viêm Amiđan ở trẻ lớn, vì trẻ nhỏ chưa hoặc có ít ý thức
về bệnh tật, trẻ thường không thích và luôn chống lại các biện pháp điều
trị, điều đó làm nản lòng các bậc cha mẹ dẫn đến việc phòng chống không được
tích cực.
Ngạt mũi, sụt sịt là chuyện thường xuyên xảy ra ở trẻ nhỏ, do trẻ hay khóc
nước mắt theo ống dẫn lệ đổ vào mũi làm trẻ sụt sịt. Một thời gian sau nước
và dịch tiết mũi quánh lại thành rỉ mũi, dịch này chảy xuống họng làm trẻ
hay ho. Hốc mũi trẻ lại nhỏ nên dễ gây ngạt mũi. Ngoài ra khi thời tiết,
nhiệt độ thay đổi cũng có thể làm cho mũi trẻ phản ứng tăng tiết dịch hơn.
Tất cả những điều đó là bình thường nhưng nếu tình trạng diễn ra nhiều và
bố mẹ trẻ không chú ý phòng bệnh dẫn đến trẻ bị viêm VA.
Vậy cụ thể việc phòng chống đó thế nào? Rất đơn giản và không tốn kém!
Chỉ cần một lọ nước muối (Tốt nhất nên mua một chai nước muối sinh lý 0,9%
dùng để tiêm truyền vì có nồng độ muối giống như nồng độ muối trong cơ thể,
đảm bảo vệ sinh và tinh khiết. Ở những nơi xa không có điều kiện mua sẵn thì
tự pha lấy nước muối nhưng phải đảm bảo vệ sinh).
Trước những trẻ như vậy một ngày rỏ 2, 3 đến 4 lần, thậm chí nhiều hơn mà
không có ảnh hưởng gì đối với trẻ. Nước muối có tác dụng rửa, sát khuẩn lại
làm loãng dịch nhầy làm sạch mũi, vi trùng không có điều kiện phát triển.
Một thuốc nữa có thể sử dụng trong phòng bệnh đó là Acgyrol: thuốc này có
tác dụng sát khuẩn rất tốt (Chú ý: Thuốc được bọc trong giấy than đen tránh
tiếp xúc với ánh sáng vì trong thành phần có chứa muối bạc gặp ánh sáng bị
phân hủy nên mất tác dụng điều trị). Tuy vậy, Acgyrol cũng không nên sử dụng
dài ngày và chỉ nên dùng để bổ trợ cho nước muối trong trường hợp trẻ sụt
sịt nhiều mà rỏ nước muối chưa đỡ.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc nhỏ mũi khác nhau, của nội
địa cũng như của nước ngoài sản xuất. Loại sử dụng cho trẻ lớn và người lớn
nếu sử dụng nhầm cho trẻ nhỏ rất nguy hiểm. Ngay cả những thuốc dùng rỏ mũi
cho trẻ nhỏ công dụng từng loại khác nhau, việc sử dụng phải cẩn thận không
bừa bãi được. Vì thế tốt nhất nên đi khám ở thầy thuốc chuyên khoa Tai Mũi
Họng có kinh nghiệm để nhận được lời khuyên đúng đắn trước khi dùng thuốc
nhỏ mũi.
Có một khó khăn lớn trong rỏ mũi cho trẻ nhỏ: trẻ luôn chống lại hoặc khóc.
Vì thế nhiều cha mẹ sợ hoặc ngại giữ trẻ mạnh sợ trẻ đau, vấn đề là làm đúng
cách thì không có gì đáng ngại cả.
Vậy làm sao nhỏ thuốc được vào hai lỗ mũi rất nhỏ mà đầu trẻ lắc lư không
ngừng?
Trong trường hợp đó nên có 2 người: Một người bế trẻ và rỏ mũi; người kia
giữ đầu trẻ. Người giữ đầu trẻ sử dụng lòng bàn tay ôm sát đầu trẻ, như vậy
giữ được chặt và không làm đau. Giữ đầu trẻ theo hai cách: ôm dọc theo hai
bên thái dương hoặc một tay ôm ngang đầu (vùng đỉnh đầu) và một tay ôm ngang
cằm. Nên chú ý mỗi lần nhỏ mũi gồm 2 bước:
Bước 1: Lấy rỉ mũi ở cửa mũi (có thể sử dụng tăm bông có sẵn), sau đó nhỏ
3-4 giọt nước muối hoặc Acgyrol vào mỗi bên lỗ mũi.
Bước 2: Đợi sau vài phút dịch mũi bị hòa loãng sẽ chảy ra, tiếp tục rỏ lại
như trên một lần nữa. Làm như vậy mới đảm bảo việc nhỏ mũi được tốt.
Ngoài ra dịch mũi chảy xuống họng làm trẻ húng hắng ho, không phải làm gì
nhưng nếu ho nhiều cho trẻ uống xiro ho (nên dùng những loại chế biến từ
đông Nam dược, dùng dài ngày được và ít gây hại hơn so với Tây y).
Kèm theo tránh ăn uống đồ lạnh, tránh tắm lạnh nhất là khi trẻ vận động ra
nhiều mồ hôi hoặc ở ngoài trời nóng. Việc sử dụng điều hòa nhiệt độ nên dùng
ở nhiệt độ không thấp quá (từ 26-27 độ trở lên) và tránh ra vào nhiều lần vì
như vậy phải chịu sự thay đổi nhiệt độ lớn giữa trong và ngoài liên tục.
Những trẻ gửi nhà trẻ rất dễ bị lây nhiễm qua bạn cùng lớp, cần được chú ý
phòng chống bệnh ngay, phải để ý tới tình trạng của trẻ khi trẻ đi học về
nếu có dấu hiệu nghi ngờ: hắt hơi, sổ mũi, ho... phải rỏ mũi ngay.
Bố mẹ, người thân trong gia đình bị viêm nhiễm đường hô hấp cũng nên có ý
thức giữ gìn cho trẻ nhỏ bằng cách hạn chế tiếp xúc với trẻ, tới bác sĩ ngay
để tìm cách điều trị dứt điểm.
Phần lớn viêm nhiễm hô hấp trên ở trẻ nhỏ là viêm VA vì vậy việc phòng
chống là rất quan trọng, để tránh bệnh tiến triển thành mạn tính ảnh hưởng
tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Qua bài viết này hy vọng mỗi bậc cha
mẹ nắm được những điều thiết yếu trong việc phòng chống viêm nhiễm đường hô
hấp trên ở trẻ nhỏ và như vậy người thầy thuốc đã đạt được mục đích quan
trọng nhất trong chữa bệnh đó là "không phải chữa gì cả".