Điếc do dùng kháng sinh
"Bạn cháu 20 tuổi, lúc 2 tháng tuổi bị viêm phổi cấp nên phải tiêm rất nhiều kháng sinh như streptomixin, tetraxiclin, do đó bị điếc rất nặng. Hiện có cách nào chữa không? Bạn ấy có nên tiếp tục đeo máy trợ thính không (từng đeo nhưng rất khó chịu nên thôi)?".
Trả lời:
Người ta xếp triệu chứng điếc ra làm ba loại: điếc dẫn truyền, điếc tiếp nhận, điếc hỗn hợp. Điếc dẫn truyền có thể gây ra bởi bệnh tích ở tai ngoài (như ráy tai, dị vật tai) hoặc tai giữa (xơ nhĩ, thủng màng nhĩ, gián đoạn chuỗi xương con, viêm tai giữa thanh dịch).
Trong điếc tiếp nhận (điếc tai trong), thương tổn có thể khu trú ở mê nhĩ, dây 7, thần kinh trung ương. Tổn thương mê nhĩ có thể do viêm nhiễm (giang mai, thương hàn, quai bị, cúm...) hoặc do chất độc như rượu, thuốc lá, quinin, natri salixylat, streptomixin...
Như vậy, điếc của bạn cháu là do thuốc kháng sinh có nguồn gốc streptomixin gây nhiễm độc, tổn thương mê nhĩ. Đeo máy trợ thính là phương pháp thường sử dụng trong những trường hợp này. Bạn cháu từng đeo và cảm thấy rất khó chịu là do chưa hiệu chỉnh máy đúng với mức độ điếc. Cô ấy nên đến khám lại tại chuyên khoa tai mũi họng để chẩn đoán chính xác và đo thính lực đồ nhằm điều chỉnh máy đúng với mức độ điếc của mình. Trong trường hợp không đeo được máy trợ thính thì cấy điện cực ốc tai cũng là một phương pháp có hiệu quả.
ThS. Phạm Thị Bích Thủy, Sức Khỏe & Đời Sống