TRẺ THÒ LÒ MŨI!
CHUYỆN THƯỜNG TÌNH .
VŨ CÔNG TRỰC
Thạc sĩ Tai - Mũi - Họng
Trẻ nhỏ hay sụt sịt
hoặc thò lò mũi, các bậc cha mẹ thường cho đó là chuyện bình thường, đến khi
trẻ thò lò mũi xanh, khó thở, viêm họng, viêm phế quản v.v... lúc đó mới
chạy chữa thì bệnh không còn ở giai đoạn đầu nữa, điều trị rất khó khăn và
phải kéo dài . Vậy trẻ bị bệnh gì? Đó chính là VA .
Viêm VA là một bệnh lý
khá phổ biến ở trẻ em (ở Việt Nam khoảng 10 % trẻ em bị VA) . Nhưng VA là
gì? Khi nào phải nạo VA? thì cũng còn nhiều người chưa biết.
1. VA là gì?
VA là viết tắt của chữ
"Végétation Adénoides" là một tổ chức bạch huyết mọc lùi sùi ở vòm họng, có
chức năng bảo vệ cơ thể chống lại vi trùng xâm nhập từ ngoài vào. VA nằm ở
nóc vòm họng, sát ngay cửa mũi sau ở phía trước và 2 lỗ vòi tai ở hai bên
(vòi tai là ống thông giữa vòm tai và họng), vì thế khi bị viêm rất hay ảnh
hưởng tới mũi và tai.
2. VA thường xuất hiện
ở lứa tuổi nào?
Viêm VA thường xuất hiện
ở trẻ từ 6 tháng - 6 tuổi, ở trẻ lớn hơn VA thoái triển và ít gây tác hại.
Người lớn có VA là chuyện rất hiếm, cần phải cẩn thận thăm khám kỹ tại cơ sở
chuyên khoa Tai- Mũi - Họng để loại trừ ung thư vòm họng.
3. Điều kiện thuận lợi
dễ dẫn đến viêm VA
Ô nhiễm không khí, nhất
là khi cha mẹ trẻ hút thuốc lá, trẻ bị nhiễm lạnh, trẻ bị suy giảm miễn dịch
(suy dinh dưỡng, cơ địa, thiếu sắt, các bệnh toàn thân khác kéo dài...) trẻ
có cơ địa dị ứng (dị ứng ngoài da, hen phế quản) trẻ bị trào ngược dịch dạ
dày lên thực quản, trẻ bị các bệnh nhiễm trùng mũi - họng khác... (Viêm
amidan) v.v...
4. Khi trẻ bị viêm VA
có những triệu chứng gì?
- Thường xuyên chảy dịch
mũi mủ 2 bên, nhẹ thì chảy dịch nhầy trong, nặng hơn chảy mủ vàng xanh.
- Khó thở do tắc mũi nên
phải thở bằng mồm, hay ho về đêm do mủ từ VA chảy xuống họng. Làm trẻ nhỏ
không bú được và ăn hay bị nôn trớ .
- Khi ngủ ngáy to, tai
nghễnh ngãng.
- Trong những đợt cấp,
cháu thường có sốt, chảy mũi tăng lên, ho nhiều.
5. Những biến chứng
của viêm VA
Bị Viêm VA lâu ngày dẫn
đến các biến chứng và ảnh hưởng tới sự phát triển của cơ thể. Do vị trí liên
quan với nhiều cơ quan lân cận nên các biến chứng thường gặp là viêm mũi,
viêm xoang, viêm tai giữa cấp mủ, viêm tai giữa mãn tính, viêm họng, áp xe
thành sau họng, viêm tẩy hạch cổ, viêm phế quản, viêm thanh quản, rối loạn
tiêu hóa, tiêu chảy..
Trong các biến chứng cần
lưu ý tới viêm phế quản rất hay gặp ở trẻ em: Trẻ được chẩn đoán là viêm phế
quản, được điều trị kháng sinh tích cực nhưng không đỡ . Sở dĩ vì ta chưa
điều trị được triệt để nguồn gốc của viêm phế quản này là viêm VA, (tức là
mới điều trị ngọn mà chưa điều trị gốc).
6. ảnh hưởng của VA
tới sự phát triển của cơ thể
- Trẻ có "bộ mặt VA" điển
hình: mũi tẹt, trán dô, môi dày, răng vẩu, cằm lẹm...
- Đêm ngủ hay hốt hoảng,
mê sảng, đái dầm, có thể ngừng thở trong khi ngủ.
- Học lơ đãng, kém nhanh
nhẹn, ít tập trung, cơ thể chậm phát triển.
7. Tại sao lại phải
nạo VA
VA gây nhiều tác hại, nên
việc điều trị VA là rất quan trọng. Thông thường chỉ điều trị bằng thuốc đối
với những VA vừa mới bị viêm, còn đối với những VA mãn tính, cần thiết phải
nạo VA. Nhiều người thắc mắc VA có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm
nhập của vi trùng sao lại nạo nó đi, nhưng thực tế khi VA bị viêm nhiễm
nhiều lần tác dụng miễn dịch bảo vệ đã mất và VA trở thành nơi cư trú của vi
khuẩn, khi đó cần lấy đi ổ viêm nhiễm này.
8. Vậy khi nào nạo
được VA?
Nạo VA được chỉ định
trong trường hợp VA bị viêm tái đi tái lại nhiều lần, VA to quá phát gây cản
trở đường hô hấp, VA gây những biến chứng và ảnh hưởng tới sự phát triển của
cơ thể như đã nói ở trên.
9. Nạo VA vào lứa tuổi
nào?
Có thể nạo VA bất cứ lứa
tuổi nào nếu có chỉ định, nhưng thông thường hay nạo cho trẻ từ 1 tuổi trở
lên .
10. Nạo VA có gì nguy
hiểm không?
Thường không có tai biến
gì nếu trẻ được khám cẩn thận, điều trị ở cơ sở y tế chuyên khoa có đủ trang
thiết bị và được các bác sĩ chuyên khoa Tai- Mũi- Họng có tay nghề vững nạo.
Vậy từ sụt sịt, thò lò
mũi thông thường của trẻ nếu không cẩn thận phòng bệnh và điều trị kịp thời
sẽ dẫn đến viêm VA và những hậu quả tai hại của chúng, và như thế là thò lò
mũi trở nên không thường tình chút nào.