Cẩn thận với những khối u trong miệng
Các khối u răng gồm răng dị dạng, răng ngầm không mọc ra được. |
Chị L.X., 23 tuổi, đến Trung tâm Răng hàm mặt TP HCM vì u trong miệng ngày càng lớn dần (lúc đầu bằng hạt đỗ, nay đã bằng đầu ngón tay cái). Khối u được chẩn đoán là u xương hỗn hợp và xuất hiện tại chỗ trống, nơi trước đó 7 năm, một chiếc răng sâu được nhổ bỏ.
Bác sĩ Hứa Thị Xuân Hòa, Trưởng khoa Phẫu thuật trong miệng, Trung tâm Răng hàm mặt TP HCM, cho biết, có rất nhiều loại u trong miệng như u nhú (gai), u nhầy, u ngà... Loại u thường gặp là u răng, có thể dẫn tới nhiều biến chứng nếu không điều trị sớm.
U răng
Loại u này được hình thành do tế bào tạo men, tạo ngà bị xáo trộn ở giai đoạn tổ chức, không tạo được chiếc răng bình thường. Nó bao gồm 2 loại:
- U răng phức hợp: Là những mô canxi hóa làm thành một khối không đều đặn, không có hình dạng chiếc răng, không có bọc rõ ràng, không có ranh giới với xương chung quanh. Loại u này rất khó chẩn đoán trên phim X-quang và trên lâm sàng.
- U răng kết hợp: Là hình những răng rất nhỏ được bồi đắp bằng chất men và ngà; hoặc một khối u to do nhiều khối dạng răng kết hợp với nhau tạo thành. Tổ chức này gắn liền với một răng bình thường khiến chiếc răng đó bị lệch hoặc không mọc lên được.
Kích thước u răng có thể bé bằng hạt đậu, cũng có thể đạt đến đường kính vài cm. Nó lấn ép xung quanh làm mỏng xương. Khi u to và ranh giới chung quanh không rõ ràng, xương hàm mỏng sẽ dễ bị gãy, những răng liên quan cũng phải nhổ bỏ, gây biến dạng gương mặt.
Lời khuyên của bác sĩ
Theo bác sĩ Hứa Thị Xuân Hòa, khi phát hiện có khối u mọc trong miệng, người bệnh nên đến chuyên khoa răng hàm mặt khám ngay để tránh những biến chứng. Việc điều trị sớm sẽ mang lại nhiều kết quả khả quan, bệnh chóng lành, ít tốn kém.
Người Lao Động