CHẢY MÁU CAM
BS. DƯƠNG MINH HOÀNG
Mũi là phần của cơ thể có rất nhiều mạch máu, ở một vị trí rất dễ thương
tổn nhất của mặt. Do vậy, bất cứ chấn thương nào vào mặt đều có thể chảy máu
ở mũi còn gọi là chảy máu cam. Chảy máu cam có thể ào ạt hay rất ít, tự cầm
ngay sau đó.
I. Nguyên nhân
Chảy máu cam có thể xảy ra tự nhiên một khi màng mũi khô, đóng vảy, nứt,
thường gặp vào mùa khô, mùa đông khi không khí quá khô. Mọi người đều có thể
bị chứng này một khi dùng các thuốc ngăn chặn đông máu bình thường như là
Coumadin, Warfarin, Aspirin hoặc các thuốc kháng viêm. Khi ấy, bất cứ một
chấn thương thật nhỏ nào cũng có thể gây ra chảy máu cam nhiều, khó cầm
được. Tần suất chảy máu cam thường cao hơn ở những tháng lạnh khi các bệnh
nhiễm trùng hô hấp thường xảy ra hơn và nhiệt độ hoặc độ ẩm có biến đổi
nhiều. Chảy máu cam còn xảy ra vào mùa khô hoặc khi thay đổi mùa. Làm việc
ngoài nắng liên tục trong nhiều giờ cũng khiến niêm mạc mũi khô, nứt, làm dễ
bị chảy máu hơn. Những yếu tố sau đây thường gây ra chảy máu cam: nhiễm
trùng, chấn thương, viêm mũi thường, dị ứng, nghiện rượu, khi dùng một số
thuốc. Đặc biệt, bệnh cao huyết áp cần nghĩ đến khi thấy chảy máu cam thật
nhiều ở mọi người già. Bướu ở mũi hoặc các bệnh về máu di truyền ít gây ra
chảy máu cam hơn.
II. Điều trị
Nhiều người bị chảy máu cam vẫn có thể tự làm ngừng được không cần đến bác
sĩ khi theo đúng những chỉ dẫn sau:
- Bóp thật chặt các phần mềm của mũi bằng hai ngón tay: ngón cái và ngó
trỏ.
- Ép chặt các phần bóp được của mũi vào xương mặt.
- Giữ mũi như vậy, ít ra là 5 phút có theo dõi đồng hồ. Cần làm lại như thế
cho đến khi thật sự hết chảy máu cam.
- Ngồi yên, giữ đầu cao hơn vị trí của tim. Ngồi hay nằm cũng phải để đầu
cao.
- Úp nước đá nghiền nhỏ trong một bịch plastic hoặc trong một khăn đặt trên
mũi, hai bên má.
III. Khi tái phát
Muốn ngăn chận chứng chảy máu cam tái phát, bạn cần thiết phải:
- Về nhà nằm nghỉ với đầu cao trong 30-45 phút.
- Đo ngay huyết áp kiểm tra để uống thuốc hạ áp khi cần thiết theo chỉ dẫn
của bác sĩ.
- Không nên hỉ mũi hay nhét gì vào đó. Nếu phải ách xì nên há miệng để
không khí ra khỏi họng không qua mũi.
- Không nên gắng rặn mỗi khi đi cầu.
- Không nên cố gắng hay cúi xuống nâng vật nặng.
- Phải cố gắng giữ đầu cao hơn mức của quả tim bạn.
- Không nên hút thuốc.
- Nên cố gắng ăn nhẹ, lạnh, không nên uống thứ gì nóng ít ra là 24 tiếng.
- Không nên uống thuốc Aspirin và các thuốc tương tự.
- Khi bạn bị khô màng nhầy mũi, bác sĩ có thể cho dùng vài loại thuốc như
bôi dầu vào mũi bạn để làm ẩm niêm mạc mũi bằng vài loại dầu như Vicks,
Vaporub...
- Nếu chảy máu trở lại, bạn có thể dùng thuốc xịt mũi như Afrin, Duration,
Neosynephrin, có tác dụng co mạch máu mũi. Không nên dùng những thuốc này
nhiều ngày dễ gây nghiện. Lập lại các cách trên khi còn chảy máu và nếu vẫn
không ngưng được nên gọi bác sĩ cấp cứu.
III. Khi nào bạn cần gọi bác sĩ cấp cứu?
Chảy máu cam không ngừng được hay vẫn tiếp tục xảy ra. Nếu chảy máu cam
nhiều và lượng máu mất nhiều, bạn thấy yếu và chóng mặt có thể do mất máu,
nên gọi bác sĩ cấp cứu, có thể cho dùng dụng cụ nóng đốt các mạch máu bị
chảy. Thử nghiệm máu cần thiết để loại trừ các bệnh về máu. Nếu chảy máu cam
vẫn tiếp tục nhất là ở mũi sau, bạn nên vào bệnh viện, bác sĩ sẽ đặt các gạc
bằng compress trước, sau nhằm ép chặt mạch máu giúp hết chảy. Bác sĩ thường
lấy gạc đi sau từ 2-5 ngày. Trong thời gian đó bạn được cho thuốc kháng sinh
và giảm đau.
Bạn nên cần lưu ý các biện pháp phòng chảy máu cam tái phát nhất là kiểm
tra huyết áp ở những người lớn tuổi. Hãy nhớ rằng các bệnh nhân chảy máu cam
không nên dùng Aspirin hay các thuốc dẫn xuất có aspirin để giảm đau.