"BÁC SĨ ƠI CÁI GÌ GÂY RA TIẾNG Ù TRONG TAI
TÔI"
BS.Thạc sĩ - PHẠM THẰNG
"Tôi thỉnh thoảng
nghe thấy như tiếng ve kêu trong tai tôi, điều này có là bình thường hay
không".
Không bình thường chút nào: Ù tai (tinnitres) là một cái tên để chỉ những
tiếng "ồn" ở vùng đầu, dấu hiệu này rất hay gặp, theo số liệu ở Mỹ có đến
hơn 36 triệu người Mỹ bị khó chịu về vấn đề này. Tiếng ù tai có thể xuất
hiện sau đó lại biến mất, hoặc nó không biến mất. Loại tiếng ù này rất khác
nhau, âm sắc có thể như tiếng cối xay lúa, hoặc như tiếng ve kêu, mà bạn có
thể cảm nhận được cả bằng hai tai. Khi tiếng ù trở thành liên tục nó có thể
làm cho bạn cảm thấy phiền toái. Hơn 7 triệu người Mỹ mắc chứng này nặng đến
mức họ cảm thấy cuộc sống của họ không còn bình thường nữa.
"Liệu người khác có
thể nghe thấy được tiếng ù trong tai tôi không".
Rất
hiếm, nhưng đôi khi người ngoài có thể nghe được một vài kiểu ù tai của bạn.
Khi đó tiếng ù này được gọi là tiếng ù khách quan. Loại này gây ra bởi sự
bất thường về mạch máu ở phía xung quanh tai của bạn, hoặc là do sự co cơ
tạo ra âm thanh: như tiếng click hay lạo xạo ở trong tai giữa của bạn.
Câu hỏi thường gặp
liên quan tới ù tai
1. Những nguyên nhân gì gây ù tai?
Có
rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra ù tai chủ quan, đó là những loại âm
thanh chỉ có bệnh nhân mới nghe thấy: Có một số nguyên nhân không có gì là
nguy hiểm (ví dụ: có thể gây ù nhất thời, ù tai cũng có thể là triệu chứng
của 1 số bệnh ở tai giữa, như: viêm tai, thủng màng nhĩ, có dịch ở trong tai
giữa, hoặc bệnh nghe kém do xop xò tai). Những vấn đề này thường có liên
quan đến nghe kém. Ù tai cũng có thể có nguyên nhân là viêm mũi dị ứng, cao
hoặc hạ huyết áp, 1 khối u, bệnh đái đường, bệnh tuyến giáp, hoặc những chấn
thương ở vùng đầu cổ... Việc điều trị ù tai sẽ rất khác nhau trong từng
trường hợp. Điều quan trọng là cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa để xác
định nguyên nhân ù tai của bạn, cần phải điều trị theo kiểu gì...
2. Nguyên nhân nào là nguyên nhân hay gặp nhất của ù tai?
Hầu hết các ù tai là do tổn thương vi thể ở đầu tận cùng của dây thần kinh
nghe (thính giác) ở trong tai. Sự nguyên vẹn của dây thần kinh này đảm bảo
cho bạn nghe được rõ ràng. Khi dây này bị tổn thương sẽ làm cho bạn giảm
nghe, và thường xuyên ù tai. Ở người có tuổi nói chung thì một số lượng nhất
định của dây thần kinh này bị suy thoái làm cho người bệnh nghe kém và ù
tai. Trong thời đại ngày nay ảnh hưởng của tiếng ồn trong môi trường làm
việc cũng là một nguyên nhân chính gây nghễnh ngãng và ù tai, thế mà rất
nhiều người đã không nhận biết ra nguyên nhân này, hoặc không để ý tới nó,
các tiếng ồn trong công nghiệp, hoặc tiếng ồn âm nhạc đặc biệt là loại máy
nghe nhạc cá nhân có chụp tai (Sterioheadset) gây ra tiếng ồn quá to hình
như đã là 1 nguyên nhân gây tổn thương tai ở một số thanh niên.
3. Điều trị ù tai như thế nào?
Trong hầu hết các trường hợp không có điều trị đặc hiệu nào cho ù tai. Nếu
bác sĩ Tai Mũi Họng tìm thấy nguyên nhân cụ thể của ù tai thì có thể loại bỏ
được nguyên nhân (ví dụ: nút ráy... ). Đôi khi người ta cần đến các xét
nghiệm phức tạp hơn. Chụp phim, thử các chức năng về thăng bằng... Tuy vậy
hầu hết các nguyên nhân của ù tai là khó xác định. Đôi khi thuốc có thể giúp
cho đỡ ù tai cho dù nguyên nhân chưa được xác định. Có rất nhiều loại thuốc
được sử dụng. Phổ biến nhất là bệnh nhân thường đề nghị được dùng thuốc để
thử xem có cải thiện được không.
4. Khi không xác định được nguyên nhân ù tai, liệu có thể làm một cái gì đó
để bớt ù tai được không?
Có. Những điều nên làm và những điều không nên làm, có thể giúp bạn dễ chịu
hơn trong những trường hợp ù tai nặng.
Điều đầu tiên cần nhớ rằng cơ quan thính giác là 1 trong những cơ quan tinh
tế nhất có cấu tạo và có cơ chế hoạt động nhạy cảm nhất trong cơ thể. Vì là
1 phần của hệ thống thần kích nên những đáp ứng của nó có liên quan đến
trạng thái tinh thần chung của người bệnh.
Lời
khuyên dành cho những người ù tai
1- Tránh những môi trường có nhiều tiếng ồn.
2- Thường xuyên kiểm tra huyết áp. Nếu huyết áp cao cần khống chế của bác sĩ
tim mạch.
3- Chế độ ăn giảm muối (vì muối ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn của bạn).
4- Tránh những chất kích thích thần kinh: cà phê, thuốc lá v.v...
5- Tập thể dục hàng ngày sẽ cải thiện tình trạng tuần hoàn của bạn.
6- Nghỉ ngơi đầy đủ và tránh làm việc quá sức.
7- Ngừng ngay những lo lắng về tiếng ồn trong tai bạn: ù tai không làm cho
bạn điếc hoặc làm cho bạn mất trí nhớ; hoặc làm nguy hiểm đến tính mạng của
bạn. Quả thực ù tai là một nỗi phiền toái trong cuộc sống nhưng đây chỉ là
những phiền toái nhỏ nhặt và bạn cũng cần phải học cách quên nó đi càng
nhiều càng tốt.
8- Cần giảm tối đa những lo lắng về tinh thần, những Stress cũng làm ảnh
hưởng đến hệ thống thính giác.
5. Che lấp, thế nào là kỹ thuật che lấp tiếng ù trong tai?
Có một câu ngạn ngữ "Im lặng là vàng", nhưng đối với người ù tai thì tiếng
ồn trong tai hình như lại tăng lên, khi mà xung quanh yên tĩnh, đặc biệt là
thời gian đi ngủ, do vậy nếu khi ta nghe 1 âm thanh khác như tiếng tích tắc
ở đồng hồ hoặc tiếng đài (vặn nhỏ) lại có thể che lấp được tiếng ù trong tai
bạn. Một số bác sĩ khuyên người bệnh có thể nghe nhạc FM (vặn nhỏ) thì khi
đó tiếng ù trong tai sẽ mất đi. Ở các nước phương Tây có loại máy nhỏ phát
ra những âm thanh nền êm dịu có thể làm át tiếng ù tai. Máy che lấp tiếng ù
tai có loại cực nhỏ được gắn vào ngay trong máy điếc (máy trợ thính), máy
này giúp cho người bệnh vượt qua được tiếng ù để đi vào giấc ngủ ban đêm.
6. Liệu máy điếc có làm giảm được tiếng ù không?
Ở một số người nghễnh ngãng thỉnh thoảng nhận thấy rằng: máy điếc làm giảm
tiếng ù trong tai, nhưng khi bỏ máy nghe ra thì tiếng ù tai lại quay trở
lại.