MỔ XOANG CÓ GÌ MỚI?
Thạc sĩ - Bác sĩ VÕ THANH QUANG
Viện Tai Mũi Họng TW
Các biểu hiện của mũi
xoang là lý do đến khám nhiều nhất tại các phòng khám Tai Mũi Họng. Bản thân
bệnh viêm xoang hiếm khi làm chết người nhưng gây cho bệnh nhân nhiều khó
chịu và phiền phức. Người bệnh lúc nào cũng trong trạng thái "sụt xịt"
thường xuyên, ngạt tắc mũi, xì mũi mủ, đau đầu, khả năng lao động trí óc
giảm sút. Điều trị viêm xoang thường dai dẳng, khó dứt điểm và dễ tái phát.
Kỹ thuật mổ xoang qua
nội soi ra đời năm 1978 được coi là một tiến bộ lớn trong điều trị ngoại
khoa các viêm xoang.
1. Xoang nằm ở đâu?
Các xoang mặt là những
hốc rỗng, nằm trong khối xương sọ - mặt, len lỏi giữa những cấu trúc rất
quan trọng của cơ thể, được chia thành hai nhóm lớn:
- Nhóm các xoang
trước:
Có hai xoang hàm
(dân gian quen gọi là xoang má) nằm trong xương hàm trên, chiều cao từ chân
răng nanh đến bờ dưới ổ mắt, hai xoang trán nằm trong xương trán, ngay phía
trước thùy trán của não và các xoang sàng trước gồm nhiều hốc xoang nhỏ nằm
sát vùng đáy não.
- Nhóm các xoang sau: Gồm các xoang sàng sau và xoang
bướm, cũng nằm ngay sát mặt dưới của bộ não.
2. Tại sao xoang bị
viêm
Tất cả các xoang đều có
đường thông tự nhiên (lỗ thông xoang) dẫn các chất xuất tiết ra hốc mũi. Bên
trong xoang được phủ một lớp niêm mạc tiết nhầy và các tế bào có lông
chuyển. Chính nhờ chất nhầy và những tế bào lông chuyển này mà vi khuẩn và
bụi bẩn trong xoang được tống ra ngoài hốc mũi qua các lỗ thông xoang. Khi
các lỗ này bị tắc, vi khuẩn và xuất tiết sẽ ứ đọng trong xoang và gây nên
viêm xoang. Việc chữa trị các trường hợp viêm xoang mạn tính lâu ngày rất
khó khăn, thường khi dùng thuốc, bệnh có vẻ tạm đỡ nhưng thực ra vẫn ngấm
ngầm phát triển ngày càng nặng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của
người bệnh, đôi khi còn gây nên những biến chứng nguy hiểm.
3. Có gì mới trong kỹ
thuật mổ xoang?
Cách đây hơn 100 năm, vào
năm 1893, hai nhà phẫu thuật người Mỹ (Gioóc giơ Cat - doen) và Pháp (Hen -
ri Luc) đã cho ra đời kỹ thuật mổ và điều trị bệnh viêm xoang hàm mạn tính.
Người ta rạch niêm mạc rãnh môi - lợi hàm trên dài quãng 4cm, bóc tách và
lật toàn bộ da vùng má lên, dùng đục đục mở mặt trước để vào xoang hàm rồi
nạo lấy bỏ hết toàn bộ niêm mạc, cả phần bệnh và phần lành.
Sau đó phẫu thuật được mở
rộng ra nạo các xoang sàng, trán và xoang bướm. Cách mổ này có ưu điểm là
giải quyết được tình trạng viêm nhiễm trước mắt tương đối triệt để, nhưng do
đã lấy hết niêm mạc xoang, nên về lâu dài gây nên rối loạn chức năng mũi
xoang, làm cho tỷ lệ tái phát cao. Đồng thời người bệnh phải trải qua 1 cuộc
mổ tương đối nặng nề.
Tới năm 1978,
Met-xet-cling-giơ người Áo và Te-ri-ê (người Thụy Sĩ) thực hiện một kỹ thuật
mổ xoang mới, sử dụng các thiết bị quang học hiện đại, đó là phẫu thuật nội
soi chức năng mũi xoang. Phẫu thuật này, như tên gọi, dựa trên cơ sở tôn
trọng tối đa chức năng sinh lý của hệ niêm mạc xoang, chỉ loại bỏ phần niêm
mạc hỏng hoàn toàn, đồng thời mở rộng các lỗ thông xoang vốn đã bị tắc
nghẽn, làm cho các chất xuất tiết và mủ trong xoang tự dẫn ra hốc mũi dễ
dàng, tạo điều kiện cho sự phục hồi nội soi xoang nhằm làm cho xoang từ bị
bệnh trở lại bình thường, mang tính bảo tồn và "xây dựng" chứ không phá bỏ.
Phẫu thuật được thực hiện với các ống thủy tinh quang học ánh sáng lạnh (ống
nội soi) và dụng cụ vi phẫu thuật qua lỗ mũi nên phẫu thuật viên có thể nhìn
được vùng mổ sâu trong xoang rất rõ ràng, chính xác. Đối với bệnh nhân, có
thể nói đây là một cuộc mổ "không dao", không sẹo, mất máu ít, giảm được rất
nhiều đau đớn, phiền hà sau mổ và chỉ cần nằm viện 2-3 ngày. Cách mổ mới này
đòi hỏi phải có các trang thiết bị hiện đại, đắt tiền và thầy thuốc nhiều
kinh nghiệm để tránh những tai biến nguy hiểm có thể xảy ra khi mổ. Đây là
phương pháp được chỉ định rộng rãi và ngày càng được sử dụng nhiều hơn ở
những nước phát triển.
Tuy nhiên, cần nhắc lại
rằng, mặc dù là xu thế của thời đại, được áp dụng không chỉ trong tai mũi
họng, mà còn nhiều trong chuyên khoa khác (ngoại tiêu hóa, sản phụ khoa,
khớp...), phẫu thuật nội soi vẫn không thể thay thế được hoàn toàn phương
pháp mổ xoang kinh điển trong những trường hợp đặc biệt.
4. Khi nào cần mổ nội
soi xoang?
Hầu hết các trường hợp bị
viêm xoang kéo dài, đã dùng đúng thuốc, đúng cách mà không đỡ, các trường
hợp viêm xoang nặng, có thịt thừa (pô líp) trong mũi, chảy máu mũi bị đi lại
nhiều lần... đều có thể mổ nội soi xoang.
Có thể nói, phẫu thuật
nội soi là vũ khí mới của thầy thuốc tai mũi họng để chiến đấu với bệnh viêm
xoang, đồng thời là niềm hy vọng của những người bệnh "lai rai như...tai mũi
họng".