Chỉnh tật khúc xạ bằng cách ép nhãn cầu
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học New Mexico (Mỹ) cho biết, họ có thể chữa viễn thị và cận thị bằng cách ép nhãn cầu nhờ một cơ nhân tạo mà họ gọi là "đai mắt thông minh". Cơ này sẽ làm nhãn cầu giãn ra hoặc co lại, giúp bệnh nhân nhìn rõ vật ở các khoảng cách khác nhau.
"Đai mắt thông minh" được gắn với củng mạc (phần cứng màu trắng bên ngoài nhãn cầu) và được kích hoạt bằng một nam châm điện trong một thiết bị nhỏ giống như chiếc máy trợ thính gắn sau tai. Khi đai siết lại, nhãn cầu sẽ dài ra, giúp cho người viễn thị nhìn rõ những vật ở gần. Khi cơ này nới ra, nhãn cầu sẽ ngắn lại để những người cận thị nhìn rõ vật ở xa.
Mặc dù mới chỉ nằm trên bàn thiết kế nhưng kỹ thuật này đã được một số chuyên gia nhãn khoa đánh giá là rất hữu ích cho người già (vốn đã mất khả năng thay đổi tiêu điểm khi nhìn các vật từ xa đến gần).
Gắn một cơ nhân tạo vào nhãn cầu là việc làm táo bạo. Tuy nhiên, theo ông Hohsen Shahinpoor, trưởng nhóm nghiên cứu, các kỹ thuật giải phẫu hiện đã được dùng phổ biến trong điều trị chứng bong võng mạc. Ông cho rằng, phương pháp này mềm dẻo hơn phương pháp dùng tia laser tách bớt một lớp giác mạc. Hơn nữa, kỹ thuật dùng laser chỉ chữa được cận thị mà thôi.
Khoa Học Phổ Thông (theo New Scientist)