Kỹ thuật mới tạo hình ảnh ba chiều có độ phân giải cao
Hình ảnh siêu âm 3 chiều huỳnh quang của phôi. |
Nhờ khả năng "chụp" các khối mô từ rất nhiều góc cạnh, kỹ thuật này cho phép nhìn thấy cấu trúc mô, điều mà từ trước tới nay chưa máy nào làm được.
Hệ thống mang tên OPT (optical projection tomography - chụp cắt lớp quang học hình chiếu) do các nhà khoa học Anh sáng chế sẽ giúp các bác sĩ rất nhiều trong việc nâng cao tính chính xác của chẩn đoán.
Các thông tin về mô cần nghiên cứu sẽ được máy vi tính tổng hợp, tạo nên hình ảnh không gian 3 chiều có độ phân giải cao. Trước đây, việc xây dựng những hình ảnh kiểu này thường rất tốn công vì phải kết hợp hàng trăm bức hình với nhau. Ưu điểm nổi bật nữa của OPT là có thể nghiên cứu những mô có độ dày tới 15 mm, thay vì độ dày tối đa là 1mm như trong các kỹ thuật hình ảnh quang học trước đây.
Các chuyên gia tại Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Edinburg, những người phát minh ra OPT, cho biết: Bước đầu kỹ thuật này sẽ được sử dụng để trợ giúp các nghiên cứu về hoạt động của gene chuột. Sau đó, nó có thể được dùng để chẩn đoán bệnh ở người dựa trên các mẫu mô lấy bằng phương pháp sinh thiết. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Khoa học.
Thu Thủy (theo BBC)