Trong những ngày hè cần chú ý:
RA NGOÀI NẰNG HÃY NGHĨ NGAY ĐẾN
VIỆC ĐEO KÍNH
BS. NGUYỄN CƯỜNG NAM
Khi ra nắng, người ta thường chỉ nghĩ đến việc che chở cho da khỏi bị
cháy nắng và tia UV, nhưng điều đó chưa đủ mà còn phải che chở cho mắt.
Những tia nắng chói sẽ làm hại cho mắt rất nhiều.
Ta hãy tưởng tượng mắt của chúng ta giống như 1 máy hình, để chống lại sự
xâm nhập của các tia sáng có hại cho mắt, mắt đã có những hệ thống che chở
tự nhiên và phản ứng rất nhanh đó là:
- Mí mắt: Là tiền đồn đầu tiên để che chở những tia sáng quá mạnh,
tất cả các tia sáng chói gây 1 phản xạ làm mắt nhắm rất nhanh để ngăn cản
tia UV vào trong mắt (giống như nắp 1 máy hình).
- Lớp nước mắt: Bao phủ ở mắt tạo thành một phim nước mắt để hấp thụ
các tia UV (giống như 1 kính lọc tia UV ở máy hình).
- Giác mạc: Là 1 màng cứng trong suốt che chở cho mắt khỏi bụi bặm
và để ánh sáng truyền qua (giống như ống kính phía trước của máy hình).
- Mống mắt (tròng đen): Để có thể khép nhỏ hay nở lớn, tự động điều
chỉnh lượng ánh sáng vào mắt (giống như màng chắn của máy hình).
- Thủy tinh thể: Lọc hầu hết các tia UV và các tia sáng không đi
đúng hướng tránh cho mắt khỏi lóa, và hội tụ ánh sáng nằm trên võng mạc cho
mắt nhìn được rõ (giống như hệ thống ống kính của máy hình).
- Võng mạc: Là lớp thần kinh nằm ở sau mắt để nhận ảnh truyền lên
não cho ta nhìn thấy mọi vật, giống như 1 phim ở máy hình.
I. Những nguy hại cho mắt do nắng mạnh
Cũng giống như da, khi ra nắng nhiều sau 1 thời gian tia nắng chói có thể
gây thương tổn cho các cơ quan mắt.
1. Viêm giác mạc do nắng
Người ta gọi đó là giác mạc bị trúng nắng, gây 1 phản ứng cấp tính do lượng
tia UV quá nhiều, thường thấy khi ta đến các vùng núi, cường độ tia sáng quá
mạnh như phản chiếu trên tuyết. Đó là bệnh mắt do tuyết, làm mắt đau có cảm
giác như phỏng nặng hay có cát trong mắt. Mắt bị đỏ và luôn luôn sợ sáng.
Làm sao chữa: Nhỏ những thuốc làm dịu mắt và chống viêm như các loại
nước mắt nhân tạo, thuốc nhỏ Visine, Rohto. nằm nghỉ nơi có bóng mát. Để ý
viêm giác mạc có thể nặng nếu ta không chú ý chăm sóc đến mắt và có thể
thành kinh niên kết sẹo làm mắt mờ.
2. Phỏng võng mạc
Thương tổn ở mắt có thể sâu hơn nếu ánh sáng mạnh tác động vào võng mạc, đó
là 1 màng gồm những tế bào thần kinh nhạy cảm với ánh sáng (tế bào nón và tế
bào gậy). Lớp thần kinh võng mạc này có thể bị phỏng nếu nhìn ánh sáng quá
mạnh hay quá lâu như khi nhìn vào đèn hàn xì hay nhìn nhật thực mà không đeo
kính sậm.
Làm sao chữa: Một khi tế bào thần kinh đã bị phỏng nặng hay bị cháy
thì tế bào không tái sinh được, lúc đó nhìn mờ hoặc có thể bị mù lòa. Cách
đề phòng duy nhất là đeo kính thích hợp và tránh nhìn vào những nơi ánh sáng
mạnh.
3. Cườm (đục thủy tinh thể)
Những tia UV cũng gây ra những phản ứng hóa học ở trong thủy tinh thể làm
nó dầy thêm và bị đục gây nhìn mờ dần. Những người ra nắng nhiều hay tắm
nắng có nguy cơ bị cườm ở tuổi trẻ hơn 40-50 tuổi. Nếu nắng chói không phải
là một nguyên nhân hàng đầu gây ra cườm (cườm có thể do tiểu đường, suy dinh
dưỡng, di truyền.) thì nó cũng làm tăng tiến trình lão hóa ở mắt.
Làm sao chữa: Khi bị cườm, cách chữa duy nhất là phải mổ để lấy thủy
tinh thể nhân tạo hay đeo kính cườm sau mổ.
4. Suy thoái hoàng điểm
Bệnh này có liên quan đến tuổi già, đây là 1 bệnh thấy rất nhiều với tỷ lệ
20-30% ở các nước Âu Mỹ, ở những người tuổi từ 65 trở lên. Bệnh do sự hủy
hoại của lớp thần kinh ở vùng hoàng điểm (trung tâm võng mạc) là vùng để ta
nhìn thấy các chi tiết và nhìn được màu sắc. Khi đọc sách hay nhìn gần thấy
rất khó khăn và mỏi mệt trong khi đó nhìn ngoại biên vẫn rõ. Ánh nắng tác
động như 1 yếu tố nguy cơ gây bệnh nặng thêm.
Làm sao chữa: Hiện nay bệnh chưa có thuốc chữa, laser chỉ chữa được
1 dạng bệnh nào đó với tỷ lệ khoảng 10% để ngăn ngừa bệnh khỏi nặng thêm mà
thôi.
II. Hãy để ý đến những mắt dễ nhạy cảm với nắng
1. Ở trẻ em
Mắt trẻ em, nhất là ở tuổi ấu thơ rất nhạy cảm với ánh sáng vì đồng tử lớn
và các mô còn ít sắc tố. Thủy tinh thể ở người ta khi đến 25 tuổi mới ngăn
chặn được tia UV nhiều nhất. Bảo vệ mắt mục đích để ngăn ngừa những độc hại
do nắng chói tác động lên thủy tinh thể và võng mạc. Vì vậy người ta phải
cho trẻ đeo kính khi ra nắng để tránh những độc hại này.
Cho trẻ đeo kính có lọc tia UV cao và có chất lượng tốt. Nếu trẻ không chịu
đeo kính hãy cho trẻ đội mũ rộng vành hay có tấm che trước mắt.
2. Người lớn tuổi
Nên cẩn thận để tránh bị cườm hay suy thoái hoàng điểm. Hãy luôn luôn đeo
kính chất lượng tốt khi ra nắng vì nó có nhiều điểm lợi: Tránh được tia độc
hại, làm dịu mắt, đỡ mỏi mắt và mắt đỡ khô.
3. Những người có mắt trong
Dễ nhạy cảm với nắng hơn là những người mắt có màu sậm. Vì thế tùy theo sự
chịu đựng của từng người mà đeo các loại kính thuốc cho thích hợp để chống
lại các tác hại của nắng.
III. Hãy biết chọn loại kính nào
Có 2 tiêu chuẩn để chọn:
1. Kính phải lọc được tia UV: Tính chất này không phải là do màu của
kính mà do cấu tạo của kính. Kính màu chỉ ngăn được các tia sáng mà ta nhìn
thấy được, nhưng không có khả năng ngăn chặn được tia UV mà mắt không nhìn
thấy. Những kính lọc tia UV được chia thành 5 loại đánh số từ 0-4. Hầu hết
những kính cận viễn loại tốt đều lọc được tia UV cũng như kính tiếp xúc. Tuy
nhiên ra nắng chói cũng cần phải có kính chống nắng.
2. Hình dạng: Những tia sáng độc hại có thể chiếu vào mắt từ phía
bên vì thế có thể chọn loại kính dạng khum ôm bọc lấy toàn thể mọi phía của
mắt khi cần phải ra nắng thời gian lâu dài.
IV. Những nơi nào cần phải chú ý để đeo kính
Việc bảo vệ cho mắt không phải chỉ giới hạn ở những ngày hè mà cần phải đeo
kính chống nắng ở tất cả những nơi nào có nắng nhiều hay ánh sáng phân tán
mạnh.
1. Trong cuộc sống hàng ngày
Mắt có thể thường xuyên tiếp xúc với tia UV như khi ở thành phố nhìn những
mặt nhà màu trắng phản chiếu mạnh, những nội thất bằng kính phản chiếu những
tia sáng mạnh. Ở miền quê, ngay cả các bãi cỏ cũng phản chiếu 10% tia UV. Vì
vậy ta luôn luôn có saün kính đem theo.
Nếu làm việc ở ngoài trời, ở thành phố hay ở vùng quê, bất cứ khi nào cần
cũng nên đeo kính và luôn luôn nghĩ đến việc bảo vệ mắt khi hoạt động gần
với các mặt phản chiếu như khi đi câu, tắm hồ bơi. Vào mùa hè tránh ra ngoài
vào những giờ nắng chói từ 12 giờ đến 15 giờ chiều, ngay cả khi trời có ít
mây cũng tránh nhìn lên trời thời gian lâu với mắt trần, vì mây không ngăn
cản được tia UV.
2. Ở vùng núi
Sự phản chiếu của tia UV thay đổi với tính chất ở dưới đất. Nơi có tuyết
phản chiếu 85% tia UV. Ở vùng cao thì mắt càng dễ bị khô, ít được nước mắt
che chở như vậy nguy hại cho mắt tăng cao.
3. Ở vùng biển
Phổ biến ở nước ta vì là xứ nhiệt đới, biển lại nhiều có nhiều cát trắng do
đó nguy cơ tia UV vào mắt cũng nhiều, như nơi có cát phản chiếu 10%, nước
biển 20% tia UV, và khi biển yên không sóng độ phản chiếu lại nhiều hơn vì
mặt nước biển tác động như 1 tấm gương. Vì thế hãy đeo kính bất cứ khi nào
ra ngoài biển: nằm trên bãi, đi trên tàu hay nằm trên bờ biển. Ngoài ra cũng
còn để ý đến khí hậu: khi trời càng nóng, mắt càng khô thì nguy hại của tia
độc hại càng nhiều.