Sụp mi và cách điều trị
Biểu hiện của bệnh là mi trên bị rủ xuống. Sụp mi có thể do bẩm sinh hoặc sau này mới bị (hậu đắc). Bệnh nặng có thể che lấp đồng tử, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng nhìn.
Sụp mi bẩm sinh xuất hiện từ khi mới sinh ra, có thể bị một mắt hoặc cả hai. Sụp mi hậu đắc xảy ra muộn hơn do những nguyên nhân như: liệt dây thần kinh chi phối cơ nâng mi (dây số 3), các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus cấp hay bán cấp, chấn thương mi mắt, chấn thương sọ não, u não... Trong trường hợp sụp mi do các bệnh của gân, cơ mi, bệnh nhược cơ, bệnh nhân thường sụp cả 2 mắt.
Sụp mi được chia ra 3 mức độ. Độ 1 (loại nhẹ) ảnh hưởng đến thẩm mỹ là chính, bờ mi trên chưa che tới đồng tử (con ngươi) nên chưa ảnh hưởng tới thị lực. Ở độ 2 (loại trung bình), mi bị sụp xuống nhiều, che mất một phần đồng tử, đã ảnh hưởng đến thị lực và thị trường. Ở độ 3-4 (loại nặng), sụp mi nghiêm trọng làm che lấp một phần lớn, thậm chí toàn bộ đồng tử.
Nếu chỉ bị sụp mi ở một bên mắt thì mắt này có nguy cơ nhược thị do không được dùng tới thường xuyên, thị lực giảm một phần hoặc gần như hoàn toàn. Sụp mi một mắt cũng làm mất chức năng phối hợp thị giác hai mắt.
Bệnh sụp mi từ độ 2 trở lên còn gây biến đổi tư thế nhìn (người bệnh có xu hướng ngửa mặt lên nhìn để bù lại phần do mi sụp xuống che khuất).
Về điều trị, đối với loại sụp mi bẩm sinh, cần chữa bằng phẫu thuật nâng mi lên. Đối với sụp mi hậu đắc, muốn chữa có kết quả thì phải cố gắng tìm nguyên nhân gây sụp mi để điều trị càng sớm càng tốt. Trong một số trường hợp, có thể kết hợp điều trị nội khoa với châm cứu. Sau 9-12 tháng, nếu các nguyên nhân gây sụp mi đã được điều trị khỏi hoặc ổn định mà bệnh vẫn còn thì phải phẫu thuật để nâng mi lên.
BS. Vũ Hướng Văn, Sức Khoẻ & Đời Sống