PHẪU THUẬT CHỮA CẬN THỊ
BS. NGUYỄN CƯỜNG NAM
Phẫu thuật đầu tiên để chữa cận thị trên thế giới khoảng từ 20 năm nay. Từ
đó hàng triệu người đã được mổ và các phương pháp mổ khúc xạ phát triển
nhanh.
Khi bạn bị cận thị và bạn không muốn đeo kính gọng hay kính tiếp xúc khi đi
chơi hay hoạt động thể thao, bạn nghĩ đến việc mổ để chữa tật cận thị. Các
phẫu thuật chữa cận thị thường do yếu tố chủ quan tức là tự ý bạn muốn để
cho tiện lợi hay thẩm mỹ chứ không phải về vấn đề sức khỏe.
Bác sĩ phẫu thuật rất đắn đo, thận trọng khi mổ cận thị vì đôi mắt cận thị
khi đeo kính bạn vẫn nhìn được 10/10. Khi mổ thì cũng phải chấp nhận xảy ra
biến chứng với một tỷ lệ nào đó, vì thế họ không bao giờ mổ trên mắt bị bệnh
(cườm nước, giác mạc hình nón, viêm bồ đào.) và đợi đến khi nào độ cận ổn
định (vào tuổi 20 trở lên) mới mổ. Vì nếu mắt có bệnh khi mổ sẽ rất lâu lành
sẹo. Những người bị viêm ở mắt hay ở người bị miễn nhiễm không phải là những
ứng cử viên tốt để mổ. Ngoài ra còn một thận trọng khác là hai mắt không bao
giờ được mổ ngay một lúc. Thường người ta đợi mắt thứ nhất lành sẹo xong mới
mổ mắt thứ nhì. Tất cả các phẫu thuật chỉ cần cho thuốc tê và không cần nằm
viện. Cũng giống như phẫu thuật thẩm mỹ, phẫu thuật cận thị cũng có những
giới hạn của nó và có nguy cơ khi mổ. Biến chứng nặng như nhiễm trùng rất
hiếm (dưới 1%), tuy nhiên cũng có thể xảy ra như các phẫu thuật khác. Không
có phương pháp mổ nào đảm bảo 100% sau khi mổ mắt nhìn 10/10 mà không phải
đeo thêm kính. Kết quả cuối cùng phụ thuộc vào sự kết sẹo, tùy theo từng
người và nhiều yếu tố khác không ai biết trước được. Có thể sau khi mổ chưa
đạt đúng độ cần phải sửa chữa, thì lại phải mổ lần thứ nhì. Có điều còn
phiền hơn nữa là mổ quá độ, tức là mắt đang cận trở thành viễn thị, lúc đó
lại phải đeo kính viễn thị. Ngoài ra, nếu mổ không đúng tâm sẽ gây loạn thị
không đều rất khó chữa trị. Và những phẫu thuật viên có kinh nghiệm, các kỹ
thuật mổ mới ngày càng được áp dụng, kết quả ngày càng tốt nhưng cũng lại
gây một trở ngại nữa là khi đến tuổi 40 hay 45 mắt về già lại phải đeo kính
để nhìn được gần.
Những kỹ thuật đã được áp dụng
1. Rạch giác mạc hình nan hoa
A. Nguyên tắc
Người ta dùng dao kim cương làm những đường rạch trên giác mạc có hình nan
hoa bánh xe. Khi lành sẹo và dưới tác dụng áp suất ở mắt các đường rạch này
làm giác mạc phẳng hơn ở trung tâm, vì đã làm giảm độ cong và do đó giảm độ
hội tụ ở giác mạc về hết cận thị.
B. Lợi điểm
Phương pháp giản dị, thị lực phục hồi nhanh sau 1-2 ngày, không đau khi mổ
và rẻ tiền dễ thực hiện.
C. Khuyết điểm
Độ cận không ổn định, giác mạc tiếp tục phẳng dần vì vậy có khuynh hướng
trở thành viễn thị 4 hay 5 năm sau. Chỉ mổ được ở độ cận nhẹ (dưới 5 độ).
Giác mạc bị suy yếu và dễ bị bể khi có chấn thương nặng.
D. Ý kiến về chuyên môn
Phương pháp này trên thế giới hiện nay ít áp dụng vì độ cận sửa chữa không
ổn định, thường chỉ để mổ ở độ cận nhỏ với rạch 4 đường ngắn hoặc dùng khi
người bệnh đã được mổ với phương pháp khác mà vẫn còn một độ cận nhỏ. Ở nước
ta hiện nay, với độ cận thấp dưới 4 độ, chúng ta vẫn dùng phương pháp này và
cho kết quả rất tốt vì các phương pháp khác chưa thực hiện được ở nước ta do
quá tốn kém.
2. Laser eximer
A. Nguyên tắc
Dùng chùm tia laser để làm phẳng giác mạc bởi hủy hoại một lớp mô ở giác
mạc. Khi mổ người bệnh nhìn vào tiêu nhắm có màu, trong lúc đốt bằng laser.
B. Lợi điểm
Phẫu thuật nhanh (4-5 phút). Độ cận sửa chữa có thể biết trước được, nhất
là khi máy được trang bị thêm một hệ thống an toàn cho phép chùm tia sáng
lúc nào cũng chiếu đúng tâm khi mắt chuyển động.
C. Khuyết điểm
Mắt đau khoảng 48 giờ sau mổ và nhìn vòng mờ trong nhiều ngày lúc sẹo chưa
lành. Thị lực tái tạo khoảng 3 tháng. Đôi khi bệnh nhìn mờ hoặc bị lóa về
đêm, lái xe rất khó khăn.
D. Ý kiến chuyên môn
Kỹ thuật này hiện nay rất phổ biến ở Mỹ. Rất tốt với độ cận nhỏ hay trung
bình nhưng nhìn vòng mờ tồn tại bao lâu rất khó mà nói được. Có thể đeo
những kính chống tia UV mạnh trong vài tháng vì tia sáng mặt trời có thể làm
tăng hiện tượng kết sẹo.
3. Lasik
A. Nguyên tắc
Dùng dao vi phẫu để cắt một phiến giác mạc mỏng, lật phiến giác mạc này
lên, dùng laser đốt nhu mô của giác mạc để làm phẳng phần này, sau đó phiến
giác mạc lại được úp trở lại chỗ cũ. Phiến này có tác dụng như một cái nắp
để bảo vệ phần trước của giác mạc tránh cho bệnh nhân khỏi đau và mau lành.
B. Lợi điểm
Không gây đau hậu phẫu bởi vì mắt đốt đã được phủ bởi phiến giác mạc còn
nguyên vẹn. Người bệnh chỉ thấy hơi khó chịu giống như thấy có bụi trong mắt
và chảy nước mắt trong khoảng một ngày. Thị lực tái tạo nhanh. Có thể làm
việc trở lại sau 1 hoặc 2 ngày. Sửa được độ cận nặng.
C. Khuyết điểm
Phẫu thuật đòi hỏi tinh vi hơn là laser eximer vì phải cắt một phiến giác
mạc mỏng để làm nắp đậy. Do đó cần phải có dao vi phẫu tốt và bảo trì cẩn
thận. Chỉ một trục trặc nhỏ là phải ngưng mổ và làm lại.
D. Ý kiến chuyên môn
Là kỹ thuật mổ cận thị nặng, không đau, chóng lành. Mắt thứ nhì có thể mổ
hai tuần sau, trong khi đó eximer phải đợi 3 tháng sau.
4. Đặt vòng trong nhu mô
A. Nguyên tắc
Sau khi làm một đường hầm vòng trong nhu mô, phẫu thuật viên đặt những vòng
vào trong hầm lớp bề dày của giác mạc để làm giác mạc phẳng hơn.
B. Lợi điểm
Không đụng đến vùng trung tâm của giác mạc mà chỉ tác động vào phần ngoại
biên để làm phẳng giác mạc, do đó không ảnh hưởng gì đến đường đi của các
tia sáng như kỹ thuật dùng laser. Phương pháp này có thể đảo nghịch được tức
là có thể thay đổi được độ cận đã sửa chữa bằng cách rút vòng ra và thay vào
vòng khác để thay đổi độ hội tụ của giác mạc.
C. Khuyết điểm
Phẫu thuật này mới được FDA công nhận, chỉ sửa được độ cận nhẹ, thời gian
theo dõi chưa lâu nên chưa biết được hậu quả lâu dài. Giá thành của một vòng
đặt còn đắt. Ban đêm nhìn có thể bị trở ngại bởi nhìn thấy những vòng ở thị
trường ngoại biên.
D. Ý kiến chuyên môn
Đây là một phương pháp để sửa độ cận thị thấp, kết quả tốt và đảo nghịch
được nhưng hiện nay giá mổ còn đắt.