Dị ứng ở mắt
Các ca dị ứng mắt đi khám tăng nhanh trong những năm gần đây. Các yếu tố gây bệnh là sự ô nhiễm môi trường sống, mất cân bằng dinh dưỡng, tình trạng dùng thuốc, hóa chất, mỹ phẩm bừa bãi…
Cơ quan nào tiếp xúc càng nhiều với môi trường thì càng dễ bị dị ứng; vì vậy mắt thuộc nhóm cơ quan có nguy cơ cao. Phần bên ngoài của mắt lại luôn ẩm ướt, làm tăng khả năng bám dính và kích ứng của các kích thích và dị nguyên. Nhờ có nước mắt, các dị nguyên có thể nhanh chóng bị rửa trôi, nhưng chỉ cần một thời gian rất ngắn, chúng cũng đã có thể gây ra các biểu hiện dị ứng tại mắt.
Kết mạc - dân gian gọi là lòng trắng - có hệ mạch phong phú, là cửa ngõ của mắt, tập trung nhiều tế bào có khả năng miễn dịch cao nên hay bị dị ứng nhất.
Một số bệnh dị ứng ở mắt:
Viêm kết mạc dị ứng: Là bệnh thường gặp nhất. Các triệu chứng chủ yếu là ngứa mắt, chảy nước mắt, tăng tiết gỉ mắt với các đặc điểm: màu trong, dai dính, lỏng như nước cháo, đôi khi đặc quánh; Nặng hơn thì phù nề, co quắp mi, sợ ánh sáng. Các thể bệnh đặc biệt trong nhóm này đã được y văn nhắc tới nhiều như viêm kết mạc có nhú khổng lồ ở người mang kính tiếp xúc. Tại mi cũng có thể có các biểu hiện viêm nhiễm song hành.
Viêm giác mạc: Do là một tổ chức vô mạch, được nuôi dưỡng nhờ oxy và thẩm thấu nên các biểu hiện dị ứng có vẻ âm thầm và hiếm gặp hơn. Các viêm nhiễm của giác mạc thường do dị ứng với những yếu tố nội sinh như: viêm giác mạc kẽ do dị ứng độc tố vi khuẩn lao - xoắn khuẩn giang mai, viêm giác mạc dạng nốt do dị ứng liên cầu, viêm giác mạc sau nhiễm virus herpes, thủy đậu, zona...
Hiếm gặp hơn là viêm nhiễm tại củng mạc và thượng củng mạc, trong đó viêm thượng củng mạc dạng nốt cũng được nhiều người cho là do dị ứng.
Viêm bên trong nhãn cầu: Tuy khó có dị nguyên nào lọt vào được nhưng chúng ta vẫn có thể gặp các bệnh lý dị ứng. Điển hình là trong một số bệnh cảnh, chất nhân của thể thủy tinh đã lọt ra ngoài bao của nó và lần đầu tiên tiếp xúc với môi trường bên trong nhãn cầu. Chất nhân thể thủy tinh với bản chất là một dị nguyên nội sinh có thể gây ra những bệnh cảnh nặng nề cho mắt như: viêm màng bồ đào dị ứng chất nhân, glaucoma do thể thủy tinh.
Các viêm nhiễm tại mắt có thể là một phần hoặc đi kèm với các bệnh dị ứng của các hệ cơ quan khác như dị ứng phấn hoa, viêm mũi xoang dị ứng, dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, hen, chàm... Tại Mỹ, người ta kết luận có tới 25% các khó chịu tại mắt là do dị ứng.
Để điều trị, phải loại trừ nhanh chóng các dị nguyên ra khỏi mắt. Tự bản thân bệnh nhân có thể rửa mắt bằng nước lạnh, nước muối sinh lý, nước mắt nhân tạo. Chườm lạnh cũng là phương pháp hữu hiệu để giảm phù mi, giảm ngứa và kích thích do làm co mạch và ổn định màng tế bào có chức năng miễn dịch. Bệnh nhân cần tránh day, dụi, xoa, ấn tại mắt.
Bác sĩ nhãn khoa có thể cho dùng các thuốc nhỏ mắt thuộc nhóm co mạch, kháng histamin, ổn định dưỡng bào, glucoco-rticosteroid. Các thuốc này sẽ đẩy lui và giúp giảm nhanh các khó chịu tại mắt. Tuy nhiên, cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt thời gian dùng và liều lượng thuốc, bởi việc dùng tùy tiện hay lạm dụng các thuốc này có thể gây một số biến chứng như bệnh khô mắt, viêm do bội nhiễm nấm - herpes - vi khuẩn. Thuốc kháng histamin đường uống, vitamin C cũng có khi được khuyên dùng tùy theo bệnh cảnh.
Để phòng dị ứng, bệnh nhân phải tự cân nhắc nên tránh tiếp xúc với những dị nguyên, chất kích thích nào có thể gây dị ứng cho mắt. Các yếu tố gây dị ứng phổ biến là: phấn hoa, bụi nhà, bào tử nấm mốc, lông côn trùng và súc vật nuôi, nước hoa, xà phòng thơm, một số mỹ phẩm, thức ăn. Trong những năm gần đây, việc dùng kính tiếp xúc và các dạng dung dịch kèm theo cũng góp phần gia tăng các triệu chứng dị ứng tại mắt.
Khí hậu khô nóng ở nước ta cũng làm dị ứng dễ xuất hiện và là một yếu tố làm bệnh nặng thêm. Kính đeo các dạng tuy không ngăn cản triệt để được dị nguyên xâm nhập vào mắt, nhưng cũng giúp giảm đáng kể nguy cơ bị dị ứng và làm dịu các khó chịu tại mắt do dị ứng. Hãn hữu cũng gặp một số người bị dị ứng với chính gọng kính mà mình đang dùng, biểu hiện là đỏ da, mẩn ngứa, nổi mụn nước trên da mặt, da mi trùng với diện tiếp xúc của gọng kính và da.
Khi dùng mỹ phẩm trên mắt, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, nên xoa thử trên da cẳng tay để thử xem mình có dị ứng với loại mỹ phẩm đó không trước khi xoa lên mắt và mặt.
Khi thấy khó chịu tại mắt, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa, không tự tiện mua thuốc nhỏ. Khi bác sĩ kê đơn thuốc, cần báo cho bác sĩ biết về tiền sử dị ứng của bạn. Ngay cả khi các bác sĩ đã cân nhắc kỹ trước khi kê đơn thì khả năng dị ứng thuốc tra hoặc nhỏ mắt vẫn có thể xảy ra. Trong trường hợp này, nên đem đơn và thuốc đã dùng đến cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất để được chẩn đoán và hiệu chỉnh. Phần lớn các trường hợp dị ứng thuốc tra - nhỏ mắt tuy có vẻ nghiêm trọng như phù mi, ngứa rát, chảy nước mắt… nhưng cũng qua đi rất nhanh nếu chúng ta dừng thuốc kịp thời và có những điều trị bổ sung xác đáng.
Uống nước - một cách phòng chống dị ứng
Một nghiên cứu gần đây của Allergy Research Group (Mỹ) cho thấy tác dụng làm giảm dị ứng rõ rệt của phương pháp tăng lượng nước uống hằng ngày. 7 bệnh nhân tuổi 16-54 được nghiên cứu sau khi đã loại trừ bệnh tim mạch, cao huyết áp, bệnh thận và có các chỉ số sinh hóa máu trong giới hạn bình thường. Họ có những biểu hiện dị ứng từ nặng đến rất nặng, chủ yếu là với phấn hoa, đã được điều trị bằng rất nhiều loại thuốc. Nhóm bệnh nhân này được dùng 10-14 cốc nước mỗi ngày, mỗi cốc có thể tích 200 ml. Các hoạt động thể lực, dinh dưỡng vẫn theo chế độ bình thường. Sau 28 ngày, các triệu chứng dị ứng đã giảm 70%, lượng thuốc phải dùng cũng giảm tương ứng khoảng 80%. Phương pháp có vẻ đơn giản này khiến nhiều người hoài nghi, còn các hãng dược phẩm thì tất nhiên “chẳng hứng thú” gì. Cũng cần lưu ý là không nên thay nước bằng một thể tích tương đương của rượu hay bia, vì các đồ uống này luôn làm dị ứng nặng thêm.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)