KHI HÌNH ẢNH KỸ THUẬT SỐ GIÚP NGƯỜI MÙ TÌM LẠI ÐƯỢC ÁNH SÁNG
Tác giả : DS. TRƯƠNG TẤT THỌ (Theo Doctissimo)
Các nhà khoa học vừa phát minh một phương pháp điều trị mù lòa bằng cách đặt một số điện cực trong vỏ não, nối với một camera và một máy điện toán. Phát minh này đã giúp những người mù có thể tìm lại được một phần ánh sáng, cảm nhận tương đối những sự vật trong cuộc sống, thoát khỏi cảnh mù lòa tuyệt đối.
TÌM LẠI ÐƯỢC ÁNH SÁNG NHỜ MANG MẮT GIẢ
Jerry đã bị mù từ 27 năm nay. Anh đến Viện Dobelle ở New York vào tháng 1/2000 để điều trị. Nhờ vào một mắt giả - kết quả của công trình nghiên cứu khoa học suốt 20 năm, giờ đây Jerry đã có thể phân biệt được các chữ có chiều cao 6cm ở khoảng cách 1,5m. Cấu tạo cơ bản của dụng cụ là một cặp kính giả có gắn kèm camera video và một dụng cụ dò khoảng cách. Tất cả những sự vật ghi nhận ở môi trường xung quanh sẽ được chuyển đến một máy điện toán đeo bên người. Máy điện toán xử lý các hình ảnh bằng cách đánh dấu rõ nét những đường viền của sự vật rồi chuyển đến não qua trung gian các điện cực gắn ở não. Kết quả đạt được thật ngạc nhiên. Dù rằng Jerry "thấy" sự vật trong tình trạng như xuyên qua một đường hầm với sức nhìn còn rất yếu, nhưng anh vẫn có thể tự thực hiện vài công việc như lấy một cái mũ hoặc mở tắt nguồn điện. Hơn thế nữa, anh còn có thể tự hoạt động trong các toa metro tại New York.
Nhưng làm thế nào mà não có thể chuyển đổi các tín hiệu điện tử thành hình ảnh để tạo sức nhìn. Ðó là nhờ 68 điện cực tác động lên tế bào não có nhiệm vụ thu giữ các đường chu vi, đường viền được giới hạn bởi những khu vực sáng tối tùy thuộc vào cường độ ánh sáng. Jerry không nhận được hình ảnh như mắt người bình thường mà thấy những chùm sáng như sao trong bầu trời đêm. Những đốm sáng này sẽ xuất hiện hay biến mất tùy thuộc vào chuyển động của camera. Hình ảnh mang lại được mô tả giống như những ngôi sao sáng lên và biến mất sau các đám mây. Việc học tập nhận biết hình ảnh đặc biệt tỏ ra rất cần thiết để có thể thực hiện một số động tác cho sinh hoạt của mình.
KỸ THUẬT CỔ ÐIỂN ÐƯỢC HIỆN ÐẠI HÓA
Kỹ thuật này đã có từ lâu nhưng chỉ trở thành hiện thực nhờ các tiến bộ về hình ảnh kỹ thuật số. Jerry được cấy ghép điện cực lần đầu tiên vào năm 1978, nhưng máy điện toán thời đó cân nặng tới hàng trăm kg (trong khi hiện nay chỉ còn 5kg) và tốc độ xử lý thông tin cũng chậm hơn hiện nay tới 500 lần. Hơn nữa, các thiết bị điện tử ở thế hệ thứ 5 mới chỉ xuất hiện gần đây. Nhờ tất cả các tiến bộ này, Jerry đã được tận hưởng niềm hạnh phúc tìm lại một phần ánh sáng.
GHÉP VÕNG MẠC
Các nhà nghiên cứu ở Baltimore đang thử nghiệm một hệ thống cho hiệu quả tương tự như của giáo sư Dobelle, nhưng các điện cực được cấy ghép vào võng mạc để hình ảnh chuyển lên não qua những tế bào thần kinh thị giác. Các bệnh nhân được ghép võng mạc theo phương pháp này có thể phân biệt được ánh sáng, thậm chí một số người còn có thể phân biệt được hình dạng và màu sắc sự vật.
MẮT ÐIỆN TỬ
Năm 2001, các nhà nghiên cứu Canada thuộc trường Ðại học Bách khoa Montréal đã thử nghiệm một mắt điện tử. Những bệnh nhân mù sẽ được ghép một chíp điện tử trực tiếp vào não ở vùng thị giác. Kết hợp với các nghiên cứu khác, thiết bị này có thể nối kết với võng mạc và thần kinh thị giác.
Một ê kíp các nhà khoa học Mỹ cũng giới thiệu mẫu thiết bị tương đương với một camera gắn liền vào đầu. Những tín hiệu thị giác sẽ được truyền đến chíp điện tử nhờ các sóng điện từ trường.
Gần đây là phát minh mắt nhân tạo của nhóm nghiên cứu thuộc Ðại học Bỉ tại Louvin, các điện cực được liên kết với mắt nhân tạo bằng sóng radio, kích thích trực tiếp lên thần kinh thị giác. Kỹ thuật đang ở giai đoạn khởi đầu và dự kiến sẽ mang lại những kết quả khả quan.
Bác sĩ Alan Chow, chuyên viên nhãn khoa cùng người anh là kỹ sư điện tử Vincent Chow tại Trung tâm nhãn khoa Optobionics (bang Illinois-Mỹ) đã hợp tác chế tạo ra một chíp võng mạc nhân tạo bằng chất silicone, nhỏ bằng đầu đinh ghim và cấy cho 6 người mù, kết quả đã giúp những người này tìm lại được một phần ánh sáng.
Hiện trung tâm Optobionics đang kết hợp với công ty chế tạo máy Y khoa Medtronic và công ty Ciba Vision để đầu tư sản xuất loại chip điện tử này.
Trong khi chờ đợi một cuộc cách mạng mới trên lĩnh vực mang lại ánh sáng hoàn toàn cho người mù, các tiến bộ nói trên cũng đã góp phần cải thiện khá nhiều về chất lượng sống cho người khiếm thị.