Ánh sáng, tư thế đọc, viết có lợi
cho mắt học sinh
BS. HOÀNG SINH
Những năm gần đây, con số các cháu học sinh đi khám cận thị, mỏi mắt
tăng đáng kể. Nhiều khi tôi cảm thấy giật mình. Bây giờ các cháu ăn uống,
dinh dưỡng đầy đủ hơn. Về mặt tập luyện, cắm trại, vui chơi, thể thao, thể
dục, thể hình... cũng chả thiếu gì. Vậy tại sao mắt các cháu lại thế? Chúng
ta cùng nhau xem xét vấn đề vệ sinh, đọc, viết và vấn đề ánh sáng trong học
tập của các cháu xem sao.
Riêng về mặt tránh thiếu ánh sáng trong lao động, học tập, công tác, Nhà
nước ta đã có những văn bản cụ thể. Đầu thập kỷ 60 có văn bản "Quy chiếu
tạm thời về ánh sáng"
do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng ký. Năm 1977 ta lại có quyển
luật "Điều lệ giữ vệ sinh" do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Trong văn
bản này, trang 60 - 61 có những quy định cụ thể về ánh sáng lớp học như sau:
"Lớp học phải được chiếu sáng cả bằng ánh sáng thiên nhiên, các cửa sổ phải
ở phía tay trái học sinh. Tổng diện tích cửa sổ phải tương đương với 1/5
diện tích sàn lớp học. Khoảng cách giữa hai cửa sổ phải rộng hợp chiều rộng
của một cửa sổ. Tường lớp thì quét vôi vàng, trần lớp thì quét vôi trắng.
Đèn phải treo cao 3 m, phân bố sao để chiếu đều cả lớp, và cứ tính 20 watt
cho một m2
diện tích sàn". Trên thực tế hiện nay, có được bao nhiêu lớp học của con
em chúng ta thực hiện được đúng các quy định đó về ánh sáng? Thực ra, ngay
cả trong những năm chiến tranh chống Mỹ, y tế học đường của miền Bắc ta,
nhất là ở Hà Nội, đã hoạt động rất tích cực về mặt ánh sáng học đường cùng
với việc chống gù vẹo cột sống cho học sinh. Còn hiện nay ra sao, chúng tôi
chưa có điều kiện để nắm thực tế tình hình. Chỉ thấy có những hình ảnh chiếu
trên vô tuyến về một lớp học cấp I này, lớp trung cấp hoặc đại học kia đang
nỗ lực phấn đấu dạy tốt học tốt ra sao, nhưng rất nhiều học sinh cứ cúi sát
mặt vào trang vở để chép. Mấy cháu ngoại tôi khi ở nhà lúc đọc, viết, tập
vẽ, cũng cứ cúi gập mặt trên trang sách vở. Chắc là các cháu không được thầy
cô uốn nắn, sửa đổi ở lớp. Còn bố mẹ các cháu thì chắc là ít khi uốn nắn,
nhắc nhở. Việc thực hiện đúng văn bản quy định của Thủ tướng là việc lớn,
rộng khắp. Một mình ban y tế học đường không thể làm xuể, mà phải cả giáo
viên cùng tham gia thực hiện luật. Ngoài việc bảo đảm tiêu chuẩn ánh sáng
cho học sinh ở lớp, cũng cần có sự nhắc nhở của giáo viên với các cháu về vệ
sinh, đọc, viết tại nhà. Tất nhiên phụ huynh các cháu cũng phải tham gia
nhắc nhở. Quy cách xây dựng căn lớp, việc chăng treo đèn, màu tường, màu
trần thì không riêng một ai quyết định được. Thế nhưng các quy định khác thì
từng giáo viên và từng phụ huynh đều có thể nhắc nhở, uốn nắn các cháu. Các
quy định đó là:
1. Ánh sáng phải đủ, tìm đến chỗ ánh sáng tốt nhất mà học, đọc,
viết, vẽ.
2. Dù là ánh sáng tự nhiên hay nhân tạo đều phải chiếu từ phía trước
mặt lại hoặc bên trái sang.
3. Tuyệt đối tránh việc ngồi sấp bóng.
4. Mắt phải cách trang sách, trang giấy khoảng 33 - 40cm. Cúi gập
mặt sát hoặc gần trang sách, vở, vừa gây sấp bóng, vừa dễ cận thị. Người ta
đã làm thí nghiệm nuôi khỉ con vào hộp chật hẹp, ăn uống tốt, thông khí tốt,
đủ ánh sáng, đủ đồ chơi, thì lúc lớn lên nhãn cầu nó dài hẳn ra, nó bị cận
thị. Đó là do trong hộp hẹp nó luôn phải nhìn gần.
Vệ sinh mắt về ánh sáng là cả một chương dài với rất nhiều chi tiết. Trong
bài viết ngắn, với ý muốn tranh thủ phục vụ kịp thời các cháu học sinh nhân
dịp đầu năm học mới, chúng tôi chỉ xin trích nêu một số nét chính mà thôi.
Mong các cháu nghe lời thầy cô, nghe lời phụ huynh dặn dò và tham khảo bài
báo để có đôi mắt tốt trong học tập và trong làm việc lâu dài.