Vì sao trẻ đẻ non hay bị bệnh võng mạc?
Trường hợp 2 bé gái đẻ non sinh bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ TP HCM bị bệnh võng mạc đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Sau đây là lời giải thích của Bác sĩ Phan Hồng Mai, Khoa Điều trị Khúc xạ, Trung tâm Mắt TP HCM về bệnh lý này.
Võng mạc là lớp trong cùng của mắt, nhận ánh sáng và chuyển thành thông tin, đưa lên não. Mạch máu nuôi võng mạc chỉ phát triển hoàn thiện ở trẻ sơ sinh đủ tháng. Vì vậy, trẻ đẻ càng non thì số mạch máu đã phát triển càng ít.
Ở một số trẻ đẻ non, nhất là trẻ quá nhẹ cân, mạch máu võng mạc phát triển bất thường, gây bệnh võng mạc ở trẻ sinh non, gọi tắt là ROP. Tỷ lệ bệnh càng cao nếu trẻ sinh càng non tháng và càng nhẹ cân.
Biểu hiện bệnh
Giai đoạn đầu, bệnh không thể hiện ra ngoài. Chỉ đến giai đoạn cuối cùng mới thấy con ngươi mắt của trẻ bị trắng đục. Thường với những trẻ sơ sinh đẻ non, nên khám để phát hiện bệnh vào tuần thứ 5-7 sau khi sinh, lúc bệnh mới bắt đầu có biểu hiện. Khám sớm hơn sẽ không an toàn cho trẻ.
Các khả năng tiến triển của bệnh:
- Trong đa số trường hợp, các mạch máu bất thường sẽ tự lành (khoảng 90%).
- Ở một số trẻ, các mạch máu này chỉ lành một phần, dẫn đến hiện tượng cận thị hoặc lác mắt sau này.
- Đôi khi, bệnh để lại sẹo ở võng mạc, khiến thị lực giảm.
- Trường hợp nặng, mạch máu võng mạc tiếp tục phát triển bất thường và tạo thành mô sẹo gây co võng mạc, kéo nó khỏi vị trí bình thường, dẫn tới giảm thị lực trầm trọng.
Phương pháp điều trị
Có 2 phương pháp để chữa bệnh này: Dùng laser quang đông và áp lạnh. Phương pháp thứ nhất thì Việt Nam chưa có, còn phương pháp thứ 2 lại làm các cháu đau đớn và chấn thương tinh thần nặng nề mà hiệu quả không cao. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, bệnh có thể điều trị được với kết quả rất khả quan.
Chương tình nghiên cứu
Trước đây, hầu hết những trẻ đẻ quá non đều chết nên vấn đề này chưa được chú ý. Hiện nay, Bệnh viện Từ Dũ đã cứu được rất nhiều trẻ đẻ non nhẹ cân (có trẻ chỉ nặng 500 g) nên số bệnh nhân mang bệnh này được phát hiện nhiều hơn. Từ giữa tháng 2, Trung tâm Mắt TP HCM bắt đầu tiến hành nghiên cứu bệnh ROP ở trẻ đẻ non tại Bệnh viện Từ Dũ.
Bác sĩ Trần Thị Phương Thu, Giám đốc Trung tâm Mắt cho biết: Sắp tới, trung tâm sẽ cố gắng tìm thêm các nguồn tài trợ để có kinh phí đầu tư trang thiết bị và đào tạo bác sĩ chuyên khoa điều trị ROP cho trẻ sơ sinh. Riêng các bà mẹ có con đẻ non, cân nặng dưói 1.500 g nên đưa các cháu đến Khoa Mắt nhi của trung tâm để khám sớm. Nếu muốn tham gia "Chương trình Nghiên cứu Võng mạc ở Trẻ sinh non" có thể đưa các cháu đến khám tại Phòng Kanguru, Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ vào các buổi sáng thứ tư hằng tuần.
Tuổi Trẻ, 10/3.