CON ĐƯỜNG CẬN VIỄN
NGUYỄN HƯNG
Hồi nhỏ tôi từng mơ mình được... đeo cái kính cận như thầy giáo cho nó
oách. Thế rồi tôi cố nhìn sát vào sách khi đọc để mong có ngày đeo kính ra
là người trí thức! Còn bây giờ thì tôi hoảng hồn lên khi mắt của mình có vẻ
hơi mờ đi vì cận, và ớn hơn là gặp các cô cậu học trò, mắt ngơ ngác đằng sau
cái kiếng cận dày, mỏng khác nhau. Số trò đeo kính này đang ngày càng đông
đảo hẳn lên.
ĐI TÌM NHỮNG "KHUÔN MÂT KÍNH"
Một buổi trưa, tôi ngồi ngoài cổng trường chuyên Lê Hồng Phong để thử nhìn
những cô cậu học trò đi học về, trong số họ ai là người mang kính. Đây là
một trường học, nổi tiếng với sự xuất sắc của thầy và trò. Và cũng như có sự
tương hợp trường này "xuất sắc" không kém về số lượng dùng cặp kính. Đếm 1,
2, 3... rồi 10, 15... khuôn mặt kính. Tôi không đủ kiên nhẫn đành phải quay
về. Một nghiên cứu khoa học về tật khúc xạ mới nhất, cho biết trong số 564
học sinh trường Lê Hồng Phong được kiểm tra mắt (chọn ngẫu nhiên), thì 44,1%
học sinh bị giảm thị lực, 42,7% em bị tật khúc xạ trong đó có 30% em bị cận
thị... Con số đáng để nói. Không riêng gì trường Lê Hồng Phong, ở trường
Diên Hồng có 7,4% trong số 690 em được khám mắt bị cận thị, trường Cầu Kiệu
là 22,3% (trong số 56 em được khám), Colette là 22,3% (trong số 471 em)...
Những số liệu trên cho biết, so với một công trình nghiên cứu vào năm 1994
thì số học sinh bị tật khúc xạ, chủ yếu là cận thị, đã tăng vọt lên gấp 3
lần.
Một bác sĩ chuyên về y tế học đường cam đoan với tôi: "Hiện nay, không dưới
10% học sinh phải đeo kính cận". Tôi biết, có lẽ vị bác sĩ này ước đoán
trên cơ sở số học sinh bị cận thị quá nhiều ở TP Hồ Chí Minh, còn bản thân
con số thống kê thực ở cả nước thì hiện nay chưa rõ? Nhưng ước đoán đó quả
không xa sự thật bao nhiêu khi lượng học sinh bị cận thị và một số tật khúc
xạ khác như loạn, viễn đang có chiều hướng tăng nhanh. Con đường học trò
ngoài những điều thường có ở tuổi học đường còn lấp lóa thêm cặp kính dày
mỏng khác nhau, đến 20,7% trong số học sinh ở TP Hồ Chí Minh được khám bị
cận. Ngay năm 1991, Bộ Y tế cũng đã có công bố: tỷ lệ cận ở phổ thông trung
học đã lên đến 8,12%. Số lượng học sinh bị cận nhiều đến nỗi chủ một tiệm
kính thuốc nói với tôi: "Kính cận được bán ngày càng nhiều so với các năm
trước, đa số là học sinh, sinh viên đến mua". Thử làm một phép tính, riêng
tại TP Hồ Chí Minh, năm 1998-1999 có hơn 1 triệu học sinh, trong số này có
200.000 em đeo kính, mỗi em trong đời học sinh phải mua 5 cái kính vị chi là
1 triệu cái. Giá kính hiện nay rẻ nhất là 40.000đ, nhân lên số tiền bằng: 40
tỷ. Còn cả nước? Một số tiền không nhỏ. Đó là chưa kể sự thiệt hại lớn hơn
là về sức khỏe, sức lao động v.v... Đáng báo động hơn, một kết quả nghiên
cứu khảo sát cho hay: 10% trong số các em bị cận đã không có kính đeo. Những
em này có thể do nhà quá nghèo, hoặc chưa ý thức được việc cần phải đeo
kính. Tệ hơn: 94,5% trẻ sau khi điều chỉnh kính thì thị lực phục hồi, còn
5,5% vẫn ở mức thị lực thấp hoặc khiếm thị, trong đó có một số em đã bị tổn
thương đáy mắt do tật cận thị này.
NGUYÊN NHÂN CẬN THỊ - BÀN GHẾ?
Ông Hà Thúc Phú - Trưởng phòng Giáo dục quận 3 phát biểu rằng nếu học sinh
bị cận thị thì phải chú ý là ở nhà các em hay chơi trò chơi điện tử, xem ti
vi v.v... chứ không phải riêng tại ở lớp học. Phải nói rằng ông Trưởng phòng
Giáo dục không phải là không có lý. Hiện nay, chúng ta không còn xa lạ gì
nhiều cậu học trò luôn dán mắt vào màn hình xem tivi hay chơi trò chơi điện
tử. Một phụ huynh khoe (nghĩa đen) với tôi: "Con tôi nó ngồi máy vi tính
suốt đêm, đến 2-3 giờ sáng nó mới ngủ". Tôi nói: "Học nhiều là tốt, nhưng có
lẽ quá nhiều đấy". Ông phụ huynh bảo: "Học gì, nó chơi trò chơi đấy, còn hơn
là lêu lổng sợ dính vào ma túy thì khốn". Có lẽ nhiều vị phụ huynh có tâm
trạng như vị vừa nói trên. Thà con mải mê chơi trò chơi điện tử, xem video,
tivi còn hơn lêu lổng la cà... Do vậy các cậu ấm, cô chiêu cứ tha hồ mà
chơi. Giáo sư Hoàng Thị Lũy và nhóm cộng sự cho biết: "Ở trường chuyên trung
bình mỗi ngày học sinh ngồi bên bàn vi tính tivi là 1,26 giờ đồng hồ, còn
không chuyên là 0,92 giờ". Ngoài ra, cũng theo Giáo sư Hoàng Thị Lũy thì ở
gia đình, đa số học sinh dùng đèn huỳnh quang (ánh sáng bị rung động) và 70%
không có chụp đèn để học, đó cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên tật
cận thị nói riêng và tật khúc xạ nói chung.
Quả nhiên, ông Trưởng phòng Giáo dục quận 3 đã có lý. Lý thì có nhưng theo
chúng tôi thì chưa đủ. Học sinh bị cận thị có khá nhiều nguyên nhân. Ngoài
nguyên nhân học thêm nhiều (đã "biết rồi, khổ lắm, nói mãi"), còn có
nguyên nhân: ít được sinh hoạt ngoài trời. Vì đất (mặt bằng trường) cố định
mà số học sinh ngày càng gia tăng; tình hình chiếu sáng trong lớp ở nơi này,
nơi nọ chưa thật đảm bảo v.v... Nhưng qua tìm hiểu, nguyên nhân đáng lưu ý
nhất là bàn ghế của học sinh chưa được "chuẩn" phù hợp với các em.
Ông Lý Thành, Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, cho hay:
"Bàn ghế của trường theo
chuẩn nào của Bộ Y tế, hay Bộ Giáo dục, trường không biết. Trường chỉ là
nơi nhận chứ không được biết rõ nhận loại bàn ghế như thế
nào".
Đây cũng là tình hình chung của các trường công lập. Nếu như ở phổ thông
trung học thì bàn ghế học sinh do Xí nghiệp học cụ đóng. Còn ở cấp tiểu học,
phổ thông cơ sở, mầm non thì do Phòng Giáo dục quản lý. Và theo như chúng
tôi được hay, bàn và ghế của phần lớn các trường học đều không đúng chuẩn.
Theo "chuẩn" của Bộ Y tế nước ta hiện nay (và một số nước tiên tiến trên
thế giới đang áp dụng) đã ghi trong điều lệ vệ sinh học đường thì kích thước
chiều bàn ghế và hiệu số chiều cao bàn và ghế phải phù hợp từng cấp học. Ví
dụ ở mẫu giáo: bàn cao 46cm hoặc 50cm; ghế cao (tương ứng) là 27cm và 30cm.
Ở tiểu học bàn cao: 50cm hoặc 55cm hay 61cm; ghế cao tương ứng lần lượt:
30cm, 33cm, 38cm. Trung học cơ sở: bàn cao 55cm, 61cm, 69cm; ghế cao 33cm,
38cm, 44cm. Ở phổ thông trung học: bàn 69cm, 74cm,; ghế 44cm hay 46cm. Hiệu
số độ cao bàn và ghế cũng tương ứng từng cấp học. Ở mẫu giáo hiệu số đó là
18-20cm; cấp I: 20-23cm; cấp II: 22-25cm; cấp III: 25-28cm (không vượt quá
30cm). Nếu hiệu số chiều cao giữa bàn và ghế quá lớn (trên 30cm) dẫn đến các
em phải nhìn vào sách vở rất gần gây nên cận thị, ngoài ra dễ bị lệch cột
sống vì khi viết phải nâng vai phải lên, nghiêng mình sang trái. "Chuẩn" bàn
ghế là như vậy, nhưng hiện nay ít trường chú ý đến vấn đề này, đặc biệt là ở
phổ thông trung học đang dùng loại bàn ghế có hiệu số chiều cao giữa chúng
quá cao (vượt trên 30cm). Qua điện thoại, ông Giám đốc Xí nghiệp học cụ TP
Hồ Chí Minh cho biết năm học 1998 đóng bổ sung 2.000 bộ bàn ghế. Tìm hiểu
thêm thì số bàn ghế đóng mới này là bộ: bàn liền ghế. Đây là một "sáng tạo"
đang tồn tại ở nhiều cấp học, "sáng tạo" này không biết xuất phát từ ai
nhưng nó có lý do là: để học sinh không làm hư hỏng bàn ghế. Một suy nghĩ từ
góc độ bảo vệ của công và được nhiều người dễ chấp nhận. Và cứ như vậy do
ghế liền bàn nên khoảng cách giữa mép cạnh bàn và ghế phải đủ xa để học sinh
bước vào chỗ ngồi. Khoảng cách xa như vậy nên lúc viết phải cúi gập người
trên bàn. Và việc đó dẫn đến cận thị và cong vẹo cột sống. Đây là điều ít
bậc phụ huynh, thầy cô giáo nghĩ đến. Bàn ghế đóng liền nhau đỡ hư hỏng như
thế nào không biết nhưng học trò dễ bị hỏng mắt, cong vẹo cột sống là điều
dễ thấy.
Đi tìm nguyên nhân gây nên "tật cận thị học đường", chúng tôi nghĩ không
phải do bàn ghế v.v... mà do những người đã làm nên nó vì bàn và ghế, phòng
ốc, bóng đèn là vật vô tri vô giác. Đến đây thì tôi chỉ mong rằng, bằng cách
nào đó (cần có biện pháp khắc phục sửa chữa lại bàn ghế theo đúng chuẩn) để
góp phần ngăn chặn hiện tượng trẻ bị cận thị ngày càng gia tăng hiện nay,
còn nếu không sau này một tỷ lệ lớn con người phải nô lệ vào cặp kính, tệ
hơn là... mù.