GHÉP GIÁC MẠC
BS. NGUYỄN CƯỜNG NAM
Kỹ thuật ghép giác mạc ngày càng hoàn thiện, hàng năm đã giúp cho hàng
triệu người trên thế giới lấy lại ánh sáng. Nhưng có một trở ngại duy nhất
là thiếu người hiến giác mạc, do đó đã giới hạn rất nhiều phẫu thuật này.
Hiện nay tỷ lệ ghép giác mạc thành công đến 95%. Theo như BS Patrick
Sabatier, Giám đốc Ngân hàng Mắt ở Pháp cho biết, kỹ thuật này đã được hoàn
thiện ngày càng cao, phản ứng thải hồi rất ít và thường được kiểm soát bởi
cho nhỏ loại thuốc chống viêm cortisone. Những người bệnh không cần phải nhỏ
thuốc chống thải hồi trong thời gian lâu dài như khi ghép các cơ quan khác.
Một phẫu thuật chủ yếu cho các người trẻ
Ghép giác mạc (GM) dành cho những bệnh có nguyên nhân gây hỗn loạn thị giác
thường là các sẹo ở giác mạc hoặc tổn thương giác mạc chính yếu là giác mạc
hình nón.
Khi GM bị biến dạng gây loạn thị nặng, bất thường này thường thấy ở tuổi 15
đến 25. Những trường hợp nặng có thể gây mù lòa. Ngoài ra ghép GM cần thiết
khi bị phù hay loạn dưỡng GM do đặt thủy tinh thể nhân tạo lúc mổ cườm hoặc
viêm GM do nhiễm trùng hay siêu khuẩn làm đục giác mạc.
Rất ít người hiến mắt
Ở Pháp hiện nay gần 6.000 người đang đợi để được ghép GM. Vấn đề chính là
ít người hiến mắt. Ở nước ta vấn đề này gần như chưa ai đặt ra, việc thiếu
GM là do thiếu người hiến mắt hoặc có thể là không có người đi lấy mắt và
thiếu phương tiện.
Để giải quyết vấn đề này, hiện nay người ta đang nghiên cứu chế tạo GM nhân
tạo và 1 vài thử nghiệm đã được thực hiện ở người. Nhưng sự dung nạp và kết
quả lâu dài chưa được biết rõ.
MỘT SỐ CÂU HỎI ĐÁP
Ghép giác mạc là gì?
Ghép giác mạc là lấy giác mạc tốt ở mắt 1 người vừa mới chết sau khi đã
được thử nghiệm đầy đủ bảo đảm có chất lượng tốt không bị bệnh, được khoan
thủng và lấy mảnh khoan này đem ghép cho người có giác mạc bị bệnh.
Hiện nay ở đâu làm được phẫu thuật này?
Ở nước ta, những trung tâm lớn như Hà Nội, TPHCM vẫn ghép giác mạc, phẫu
thuật này xưa kia vẫn làm thường xuyên nhưng từ ngày có bệnh AIDS và thủ tục
pháp lý khó khăn nên làm rất ít. Ở TPHCM thực hiện phẫu thuật này có Trung
tâm Mắt và Bệnh viện Chợ Rẫy. Khoảng từ tháng 12 đến nay, Trung tâm Mắt TP
đã mổ 3 đợt ghép giác mạc, 1 đợt 5 ca, đợt 9 ca và đợt cuối 4 ca.
Những giác mạc này lấy ở đâu?
Hiện nay chính yếu là do các Ngân hàng mắt nước ngoài ủng hộ. Như trong 3
đợt mổ vừa qua ở Trung tâm Mắt thì do Ngân hàng Mắt ở Mỹ giúp.
Ngân hàng Mắt Connecticut ở Mỹ gởi cho Hội Nhãn khoa TP 2 đợt. Mấy năm
trước Ngân hàng Mắt ở Srilanca mỗi tháng gởi cho TP 4 giác mạc nhưng hiện
nay đã ngưng vì thế ta không chủ động được giác mạc để ghép cho bệnh nhân.
Ở nước ta đã có Ngân hàng Mắt chưa?
Đây là một thủ tục tương đối khó khăn không phải vì vấn đề kỹ thuật mà chủ
yếu là vì pháp lý và phải có người hiến mắt. TPHCM hiện nay đang có Ban vận
động để thành lập Ngân hàng Mắt, hy vọng trong một tương lai gần Ngân hàng
này sẽ được thành lập và sẽ có đủ mắt để ghép cho bệnh nhân với điều kiện
dân chúng ủng hộ và tự nguyện hiến mắt nhiều. Muốn có Ngân hàng mắt là phải
có mắt, muốn có mắt phải có người hiến mắt, muốn có người hiến nhiều phải có
phong trào vận động rộng rãi trong toàn thể quần chúng mà muốn vận động rộng
rãi phải có thủ tục pháp lý cho phép để lấy mắt.