Một vài nét đại cương về nhãn khoa Đông y
Tác giả : TTƯT. BS. TRẦN VĂN BẢN (Tổng thư ký TW Hội Đông y Việt Nam)
Nhãn khoa của Trung y từ đời Tống đã thành một chuyên khoa, về sau trên cơ sở đó các y gia đều có những phát minh mới và bổ sung thêm. Sách nhãn khoa bao gồm: “Chứng trị chuẩn thằng” của Vương Khẳng Đường, “Nhãn khoa thẩm thị dao hàm” của Phó Nhân Vũ và “Ngân hải tinh vi”, “Nhãn khoa cẩm nang”…
NGŨ QUAN TRONG ĐÔNG Y
Mắt là một trong ngũ quan trong Đông y có quan hệ mật thiết với nội tạng của cơ thể con người. Mắt là nơi khai khiếu của tạng Can; Thiên Âm dương ứng tượng đại luận. Sách Tố Vấn nói: “Can chủ ở mắt... khiếu của Can là mắt”. Thiên ngũ duyệt ngũ sử sách Linh khu lại nói: “Mắt là khí quan của Can”. Nhưng các bộ phận trong mắt thì lại đều có chỗ sở thuộc của nó cho nên đời sau phát triển ra thành thuyết “Ngũ luân”, “Bát quách” để nói rõ công năng sinh lý của mắt và quan hệ giữa các bộ phận, tổ chức của mắt với nội tạng. Trong đó thuyết Ngũ luân thường dùng cho thầy thuốc nhãn khoa qua các thời đại. Ngũ luân là: Nhục luân, Khí luân, Huyết luân, Phong luân và Thủy luân.
- Nhục luân: Nhục luân là chỉ vào toàn bộ mi mắt, gồm có: mí trên và mí dưới. Rìa ngoài mí trên và mí dưới gọi là “vành mí”. Mí trên gọi là thượng huyền, mí dưới gọi là hạ huyền, (cũng còn được gọi là thượng cương và hạ cương), chúng đều có lông mi. Mí mắt ngoài việc quản lý sự nhắm mở còn có tác dụng trọng yếu cùng với lông mi và lông mày bảo vệ mắt. Về quan hệ với nội tạng thì mí mắt thuộc Tỳ, vì Tỳ chủ về cơ nhục cho nên mi mắt gọi là Nhục luân.
- Huyết luân: Chỗ mí trên và mí dưới kết hợp với nhau (khóe mắt), phía đầu bên trong gọi là khóe trong (đầu mắt), phía bên ngoài gọi là khóe mắt ngoài (đuôi mắt). Ở mí trên chỗ đầu mắt có tổ chức phân tiết nước mắt, ở mí dưới thì có ống lệ đạo để bài tiết nước mắt. Về quan hệ với nội tạng thì Huyết luân thuộc tâm, vì tâm chủ về huyết, cho nên đầu mắt và đuôi mắt gọi là Huyết luân.
- Khí luân: Là chỉ vào toàn bộ lòng trắng của mắt, lúc bình thường thì sắc trắng đồng nhất, hơi xanh, tươi nhuận. Quan hệ với nội tạng thì lòng trắng thuộc về Phế, vì Phế chủ khí cho nên lòng trắng gọi là Khí luân.
- Phong luân: Tức là lòng đen. Lúc bình thường thì màu đen hoặc hơi nâu hoặc hơi xanh nhưng đều đồng nhất, lấp lánh, trong trẻo. Về quan hệ với nội tạng thì lòng đen thuộc Can, vì Can là tạng thuộc về phong mộc, do đó lòng đen gọi là Phong luân.
- Thủy luân: Ở phía sau lòng đen có một lớp niêm mạc gọi là hoàng nhân; để phân tiết những chất thủy dịch giúp nuôi dưỡng mắt gọi là thủy thần; ở chính giữa có một lỗ tròn gọi là con ngươi (hay còn gọi là đồng tử); tùy theo sức mạnh yếu của ánh sáng mà đồng tử giãn ra hay co lại giúp cho việc nhìn nhận hình ảnh được rõ. Hoàng nhân, con ngươi và Thủy thần hợp với nhau tạo thành Thủy luân. Về quan hệ với nội tạng thì Thủy luân thuộc thận; vì thận là tạng thuộc thủy cho nên gọi là Thủy luân.
MỐI QUAN HỆ CỦA MẮT
a. Thủy luân và Phong luân có quan hệ mật thiết với thị lực (sức nhìn thấy hình ảnh) của mắt, Thủy luân đóng vai trò quyết định. Phía sau Thủy luân là thủy tinh thể (tình châu thủy tinh thể) và thần cao, bao xung quanh có “Thị y” và Tĩnh mạc. Người xưa nhận thấy rằng những yếu tố đó đều có liên quan đến thị lực. Da, thịt xung quanh tròng mắt gọi là “cơ mắt” chủ về vận động của mắt. Xương vành xung quanh gọi là khung mắt. Phía sau tròng mắt có đường kinh mạch thông lên não, đi ra sau liền với tủy sống gọi là “Mục hệ”.
b. Quan hệ của mắt với tạng phủ, kinh mạc: Mắt có quan hệ mật thiết với ngũ tạng lục phủ, 12 kinh mạch và đại não. Thiên Đại luận sách Linh khu nói: “Tinh khí của ngũ tạng, lục phủ đều dồn lên mắt, mà thành tinh, mắt là chỗ các tinh khí tụ lại, tinh khí của xương tủy là đồng tử, tinh của can là ở lòng đen (nâu hoặc xanh đen...), tinh của huyết là đường lạc, tinh của phế khí là ở lòng trắng, tinh của tỳ là cơ vành mi mắt, tinh khí bao bọc lấy gân, xương, huyết, khí cùng với mạch lạc tạo thành mục hệ, đi lên liên lạc với não, đi ra sau vào chính giữa gáy”.
c. Thiên “Tà khí tạng phủ bệnh hình” lại nói: “Huyết khí ở 12 kinh mạch và 365 đường lạc đều đi lên mặt mà chạy vào những chỗ hở, thứ dương khí tinh hoa trong đó chạy vào mắt đều có liên quan với ngũ tạng, lục phủ, kinh lạc, huyết, khí, cân cơ, mạch và xương tủy, cho nên sự thịnh suy và bệnh biến của ngũ tạng, lục phủ và khí huyết đều ảnh hưởng đến công năng của mắt, đặc biệt là não và mắt thì trong cơ chế sinh bệnh thường có quan hệ nhân quả với nhau.
d. Từ những lý luận trên chứng tỏ mọi bệnh lý của mắt ngoài bệnh tật tại chỗ còn có liên quan mật thiết đến toàn thân, do đó việc chẩn đoán và cách trị liệu cần phải tìm nguyên nhân một cách toàn diện.
src="../images/