Kính áp tròng giúp người mù thấy lại ánh sáng
Joe Zienowicz và vợ. |
Khó có thể nói là Joe Zienowicz bị mù. Ban ngày, anh làm công việc của nhân viên an ninh cho một cơ quan, tự lái xe tới nơi làm việc và trở về nhà. Lúc rảnh rỗi, anh thích chơi golf. Nhưng thiếu cặp kính áp tròng mà anh vẫn mang, Joe sẽ hoàn toàn mù.
Điều khác thường duy nhất mà người ngoài có thể nhận ra là anh luôn đội một chiếc mũ lưỡi trai để mắt khỏi bị chói. Là một vận động viên, Zienowicz bị chứng viêm khớp khủy tay do chơi thể thao vào năm 1996, không lâu sau khi cưới vợ. Căn bệnh này rất nhẹ nhưng cơ thể anh đã phản ứng dữ dội với thuốc chống viêm. Toàn thân anh cháy bỏng và giác mạc bị tổn thương nặng tới mức Joe bị mù hoàn toàn.
Anh kể: “Một hôm, tôi tỉnh dậy tại bệnh viện và không nhìn thấy gì nữa. Trong vòng 17 tháng, tôi ngồi trên tràng kỷ nghe đọc sách trên băng. Tôi đã nghe 200 cuốn sách và chỉ ngồi ườn một chỗ, không nhìn thấy gì, không làm được gì".
Cuộc đời anh rồi sẽ phải gắn chặt với chiếc đi văng, không công việc, không thể thao, không hy vọng. Nhưng điều mà Joe cảm thấy thiếu thốn nhất là không được nhìn khuôn mặt của vợ mình. Rất may là mọi chuỵện đã thay đổi hoàn toàn khi anh gặp được bác sĩ Perry Rosenthal, người sáng lập Hội vì Ánh sáng Boston.
Trong hơn 30 năm, Rosenthal làm một công việc tưởng như không thể - giúp những người mù nhìn được. Điều này được thực hiện nhờ những chiếc kính áp tròng củng mạc Boston, lắp trên bề mặt của giác mạc. Bác sĩ Rosenthal giải thích: "Giác mạc giống như lăng kính của máy ảnh, nếu bề mặt của nó không nhẵn hoàn toàn, mắt sẽ không thể điều chỉnh tiêu điểm, kể cả nếu có đeo những kính nặng nhất. Giác mạc bị chấn thương hoặc bị bệnh thường gồ ghề, không nhẵn nhụi và vấn đề chính là ở đó".
Ông biết mình phải tạo được giác mạc nhân tạo lành - điều không thể đạt được nhờ phẫu thuật (ghép giác mạc không thể tạo nên bề mặt tuyệt đối phẳng). Và thế là những chiếc kính áp tròng đặc biệt làm từ chất dẻo ra đời. Đó là những giác mạc rộng, có lỗ, có thể lắp khít lên trên giác mạc của người bệnh mà không chạm vào nó. Nước mắt nhân tạo được đặt bên trong kính áp tròng để bảo vệ giác mạc thật. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng trước đó chưa ai nghĩ tới. Bác sĩ Rosenthal giải thích: "Kể cả nếu giác mạc bị biến dạng ghê gớm và gồ ghề, khi ánh sáng đi qua kính áp tròng, nó sẽ chỉ gặp một bề mặt bằng phẳng, còn bề mặt không đồng đều sẽ bị giấu đi bởi lớp dịch".
Kính được thiết kế để giúp những người mù do giác mạc bị chấn thương hoặc bị bệnh. Nó cũng có ích với những người đã được ghép giác mạc nhưng thị lực không phục hồi hoàn toàn. Nhờ chúng, bệnh nhân có thể nhìn được với thị lực 10/10.
Trước đây, Rosenthal thường chế tạo kính áp tròng bằng tay, nhưng nay thì nhóm nghiên cứu của ông đã có thể dùng máy vi tính để làm việc này tại trụ sở của Hội. Đây là cơ sở duy nhất ở Mỹ sản xuất kính áp tròng củng mạc Boston. Gần 400 người hiện đã đeo kính với giá 5.500 USD/cặp. Theo ước tính, 50.000 người tại Mỹ và hàng trăm nghìn người trên toàn thế giới có thể thấy lại ánh sáng nhờ thiết bị này.
Hội vì Ánh sáng Boston là một tổ chức phi lợi nhuận và kể từ khi bắt đầu điều hành hội, bác sĩ Rosenthal chưa hề từ chối bất kỳ người bệnh nào không có khả năng trả tiền. Ông đã trợ cấp cho 60% số bệnh nhân của mình.
Với Joe, điều kỳ diệu xảy ra 48 giờ sau khi đeo kính mới. Anh có thể nhìn mà không hề bị đau đớn. Vợ anh, chị Susan, hồi tưởng về thời điểm đổi đời: "Anh ấy đeo kính vào rồi ngay lập tức nhìn tôi và nói 'Chúa ơi, anh có thể nhìn'. Chúng tôi chạy ngay ra ngoài và xuống phố. Anh ấy bắt đầu đọc các biển hiệu trên đường. Cảm giác vui sướng cứ dần dâng lên và trên môi tôi, nụ cười mãi không tắt".
Joe rất thích ngắm nhìn vợ. Anh luôn đeo kính khi thức vì chúng trả lại cho anh cuộc sống. Và mỗi khi tháo kính ra vào cuối ngày, anh luôn nói: "Cám ơn, tôi đã có một ngày tuyệt vời".
Thông tin chi tiết về kính áp tròng củng mạc Boston có đăng trên địa chỉ: www.bostonsight.org
Thu Thủy (theo ABC)