Những khó chịu của mắt khi đeo kính
Tác giả : BS. NGUYỄN CƯỜNG NAM
Khi chúng ta đeo kính, nếu kính có gọng hay tròng không thích hợp, có thể sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:
Nhức đầu, có thể do:
1. Độ của kính không đúng hoặc khoảng cách đồng tử sai:
Đến tiệm kính có các kỹ thuật viên nhiều kinh nghiệm, nhờ đo lại độ kính với đầy đủ các phương pháp khách quan và chủ quan (phải có đủ trang thiết bị dụng cụ) và đo lại khoảng cách hai đồng tử sao cho chính xác.
2. Do độ quang sai của tròng kính hay kính thiếu chất lượng:
Đo lại độ kính trên tiêu cự kế. Nếu do kính thiếu chất lượng thì thay kính khác.
3. Do đeo kính cận thị quá độ:
Khám nghiệm lại độ kính. Khám nghiệm lại độ khách quan sau khi làm liệt mi thể.
Nhìn mờ, có thể do:
1. Gọng quá chặt: Có thể điều chỉnh gọng rộng hơn.
2. Độ kính quá lớn hay quá nhỏ hoặc độ loạn không đúng trục.
Khi đó phải đo lại độ kính đang đeo, hoặc đến bác sĩ khám nghiệm lại mắt nếu do bị tiểu đường hay gọng kính đã biến dạng.
3. Các thành phần của kính đa tiêu đã biến đổi: Đến tiệm kính xem lại chiều cao đoạn tròng.
Khó chịu về thị giác, có thể do:
1. Khoảng cách hai đồng tử không đúng: phải đo lại khoảng cách hai đồng tử.
2. Độ cong đáy kính mới khác với kích thước đã đeo: phải xem lại độ cong đáy.
3. Do gọng không thích hợp: thử gọng khác cho hợp với kính và khuôn mặt (quá nặng hoặc quá nhỏ).
Nhìn hai hình
Do đeo lăng kính không đúng độ hay độ cận quá cao: cần xem lại độ hiếng của mắt (lé ẩn), khoảng cách hai đồng tử, độ cận quá cao (giảm độ cận).
Méo hình
1. Đeo kính chất lượng không tốt (tròng làm bằng kính cửa, kính bày bán ngoài đường): thay tròng khác có chất lượng tốt.
2. Độ loạn không đúng, gọng không đúng: xem lại độ loạn, trục kính, thay gọng.
Khi đọc (sách, báo) phải để quá gần hay quá xa, có thể do:
1. Kính quá độ hay thiếu độ: Đo lại độ kính với khoảng cách nhìn gần (đọc sách, báo) thích hợp.
2. Do bị cườm
Người có tuổi đeo kính lão đọc lâu bị mỏi và nhức mắt.
1. Do sự bất điều hợp giữa độ điều tiết và độ quy tụ (vì suy yếu cơ mắt), do đó người có tuổi đeo kính lão bình thường không đọc được lâu, lúc đó phải dùng loại kính hai tầng (hệ thống kính ống nhòm) hay kính đeo đầu có tròng xa mắt để khắc phục. Loại này giống như kính lúp hai tròng để mổ hay khám nghiệm mà các bác sĩ nhãn khoa vẫn dùng để khám mắt.
2. Do khiếm thị (bệnh ở mắt):
Đến bác sĩ khám và dùng kính lúp hai tròng hay các loại kính lúp đặc biệt.