Cẩn thận với bệnh viêm kết mạc mùa xuân
Căn bệnh này xuất hiện rất nhiều từ đầu mùa xuân đến hết mùa hè. Bệnh không lây nhưng lại có yếu tố di truyền, thường xảy ra ở những người có cơ địa dễ dị ứng với phấn hoa, lông hoặc phấn của côn trùng.
Tiến sĩ Đinh Thị Khánh, khoa Mắt hột - Giác mạc, Viện Mắt Trung ương, cho biết, nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc mùa xuân là các tác nhân gây dị ứng. Triệu chứng chính của bệnh là ngứa, đỏ mắt, dử mắt dai, có thể kéo dài thành sợi. Khám thường phát hiện được ở phần kết mạc sụn mi những nhú gai có gờ, ranh giới rõ ràng, trông gần giống như trong bệnh đau mắt hột. Bệnh càng nặng thì các nhú gai này càng to, gồ cao.
Nếu viêm kết mạc phối hợp với viêm giác mạc, người bệnh sẽ thấy mắt bị cộm như có cát rơi vào, sợ ánh sáng, nhìn mọi vật thấy mờ như nhìn qua màn sương.
Cách điều trị
Tiến sĩ Khánh cho biết, vì đây là bệnh dị ứng nên hướng giải quyết chính sẽ là chống dị ứng. Việc điều trị phải được tiến hành từng bước, phối hợp điều trị tại chỗ với toàn thân. Tùy từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn một trong các cách sau:
- Điều trị triệu chứng: Người bệnh có thể nhỏ các thuốc chống viêm và dị ứng như thuốc có Cortison. Thuốc này làm giảm rất nhanh các triệu chứng ngứa, cộm mắt. Tuy nhiên, người bệnh phải dùng thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc, để tránh những biến chứng nguy hiểm như tăng nhãn áp. Nếu bệnh nặng, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc chống viêm, chống dị ứng toàn thân.
- Giải mẫn cảm: Bác sĩ sẽ chích vào da người bệnh những thành phần gây dị ứng (chẳng hạn phấn hoa) với liều tăng dần, giúp bệnh nhân làm quen với các yếu tố này và không phản ứng mãnh liệt khi gặp nó nữa.
- Dùng tia bêta: Điều trị triệu chứng bằng cách chiếu tia bêta lên các ổ sùi, nhú gai để biến chúng thành các tổ chức xơ. Phương pháp này có hiệu quả cao nếu các nhú gai còn bé.
- Phẫu thuật: Áp dụng khi bệnh ở giai đoạn nặng, các nhú gai quá to. Bệnh nhân sẽ được cắt bỏ phần kết mạc bị thương tổn, sau đó kéo trượt phần kết mạc phía trong trùm qua phần đã bị cắt bỏ.
Lao Động