ĐIỀU TRỊ CẬN THỊ, VIỄN THỊ, LOẠN
THỊ: PHẪU THUẬT HAY KHÔNG PHẪU THUẬT?
BS. NGUYỄN CƯỜNG NAM
Vào khoảng từ 10 đến 15 năm nay, với những cuộc cách mạng về tin học thì
cũng có những cuộc bùng nổ về phẫu thuật khúc xạ đã giúp ích cho hàng triệu
người trên thế giới thoát khỏi tật khúc xạ. Sự gia tăng này được xem là một
niềm phấn kích cho các nhà sáng tạo ra cũng như các chuyên khoa nhãn khoa.
Các bác sĩ nhãn khoa ngày càng học hỏi nhiều về phẫu thuật khúc xạ và điều
chính cần phải biết khuynh hướng của quần chúng ưa thích phẫu thuật ra sao
và sự chọn lọc phẫu thuật nào thích hợp trong số hàng ngàn người bệnh với
các độ khúc xạ rất khác biệt nhau.
Có khoảng 12 hình thái kết hợp khác nhau của các tật khúc xạ, trong số đó
cận thị chiếm khoảng 25% số người lớn trên toàn thế giới như bảng 1 cho biết
tình trạng khúc xạ trên toàn nước Mỹ.
Đã có rất nhiều nghiên cứu cho biết tỷ lệ cận thị tăng cao ở giới trí thức,
ngoài ra tỷ lệ này lại cao hơn các nước châu Á như Đài Loan và Hồng Kông. Ở
TPHCM trong một nghiên cứu mới đây của Hội Nhãn khoa TP cho thấy tỷ lệ này
rất cao ở các trường đại học, các trường chuyên cấp III, và ở trên thế giới
thì tỷ lệ cận thị mới đây cũng cao hơn so với trước kia như ở Mỹ và châu Á.
Người ta nghĩ rằng tần suất cận thị tăng cao 1 phần là do yếu tố môi trường
như làm việc gần mắt nhiều và việc đeo kính.
Hướng dẫn về phẫu thuật khúc xạ
Hiện nay có rất nhiều phương pháp phẫu thuật và mỗi loại phẫu thuật lại
thích hợp với 1 loại độ khúc xạ nào đó, mỗi phương pháp đều có những ưu
khuyết điểm riêng tùy theo độ khúc xạ và cũng tùy thuộc vào người bệnh.
Ở Việt Nam hiện nay có 3 phương pháp phẫu thuật
1. Phẫu thuật rạch giác mạc bằng dao kim cương đã có từ 1990
2. Phương pháp mổ bằng Laser (mới có) với 2 kỹ thuật
* PRK
* LASIK
Với 3 kỹ thuật mổ trên thì LASIK có ưu thế hơn nhiều, tuy nhiên không phải
bất cứ người bị cận thị nào cũng có thể mổ được bằng LASIK, có khi cần phải
mổ bằng PRK hay rạch giác mạc bằng dao kim cương.
Ngoài ra cũng tùy thuộc vào giá cả của mỗi phương pháp có phù hợp với túi
tiền của người bệnh hay không.
Thí dụ 1 người bệnh cận thị 3 - 4 độ có thể mổ được cả 3 phương pháp nói
trên.
Việc chọn phương pháp nào lại tùy thuộc vào người bệnh, căn cứ trên một số
các yếu tố như động cơ đi mổ: vì công việc, vì thẩm mỹ, vì nghề nghiệp với
kết cục của phẫu thuật và tiền căn của người bệnh v.v... Quyết định này có
liên quan đến việc suy tính lợi hại, những cái được và những nguy cơ có thể
xảy ra của từng trường hợp người bệnh và khả năng tài chính của họ.
Thí dụ với người trẻ độ cận 6 độ thì mổ LASIK là tốt nhất. Nhưng với người
chơi thể thao hoạt động nhiều như đánh quần vợt hay quyền anh thì mổ PRK hơn
là LASIK vì LASIK có thể bị lệch vạt khi bị đụng chạm mặc dù là rất hiếm. Vì
vậy khi quyết định mổ phương pháp nào cần phải thảo luận rất kỹ với phẫu
thuật viên để hiểu rõ từng phương pháp sao cho phù hợp với mình.
Điều trị không phải mổ: Dùng kính
Người ta chưa biết rõ người phát minh ra kính đầu tiên là ai. Nhưng kính để
cho đeo thuộc nhiều dạng khác nhau được mô tả khoảng 700 năm nay.
Đeo kính vẫn là một phương pháp an toàn và có thị lực rõ nhất. Khoảng 18%
bệnh nhân đeo kính tiếp xúc. Từ 20 năm qua với loại kính tiếp xúc mềm ngày
một phổ biến hơn. Tuy nhiên cũng có một số bệnh nhân không thích hợp với
kính tiếp xúc do dị ứng nhất là ở nước ta có bụi bặm nhiều, kính tiếp xúc
cũng gây một số biến chứng nguy hiểm nhất là loét giác mạc. Chính vì lý do
đó mà một số bệnh nhân không dùng được kính tiếp xúc đã muốn được mổ.
Trong thời gian vừa qua có một số các thí nghiệm được nghiên cứu để làm
chậm phát triển độ cận như luyện tập mắt, chỉnh hình giác mạc (làm bẹt giác
mạc bằng cách đeo kính tiếp xúc cũng có chiều cong thay đổi dần) và các
phương pháp này chỉ có hiệu quả tạm thời mà không điều chỉnh hay giảm được
vĩnh viễn độ cận, nhất là độ cận nặng.
Các phương pháp dùng dược chất như nhỏ thuốc co đồng tử hay ngăn chặn thụ
thể Beta đã được thử nghiệm nhưng không có kết quả. Việc nhỏ atropin ở trẻ
em cho 1 kết quả giới hạn để làm giảm độ cận tăng nhưng lại có nhiều hiệu
quả phụ như là nở đồng tử, liệt mi thể và chói mắt.
Kính gọng và kính tiếp xúc hiện nay vẫn là phương pháp điều trị tật khúc xạ
phổ biến nhất. Nhưng người bệnh bị tật khúc xạ có thêm bệnh về mắt, bệnh
toàn thân, có độ khúc xạ không ổn định và không có đòi hỏi gì về nghề nghiệp
thì việc đeo kính vẫn là cách lựa chọn tốt nhất còn phẫu thuật khúc xạ thích
hợp cho các người trẻ, có chỉ định rõ ràng, khi đeo kính gọng hay kính tiếp
xúc gây phiền toái về công việc, nghề nghiệp hay thẩm mỹ v.v...
NGUYÊN TẰC
I- LASIK:
A. Dùng dao vi phẫu để cắt nắp giác mạc mỏng.
B. Lật nắp giác mạc. Dùng LASER để đốt nhu mô giác mạc làm phẳng giác mạc.
C. Nắp giác mạc úp trở lại chỗ cũ.
D. Mắt cận thị sau khi mổ LASIK.
II- PRK:
- Giống như LASIK
- Không làm nắp mà chiếu thẳng LASER vào mắt (H. B).