BỆNH BASEDOW, BAO GIỜ CẦN MỔ?
Tác giả : TS. BS. NGUYỄN HOÀI NAM (Trường Ðại học Y dược - TPHCM)
BỆNH BASEDOW LÀ GÌ?
Năm 1835, bác sĩ người Mỹ Robert James Graves đã mô tả một loại bệnh bao gồm các triệu chứng tăng chuyển hóa, bướu giáp lan tỏa và lồi mắt. Một thời gian sau, vào năm 1840, Karl Aldoph Von Basedow đã nghiên cứu đầy đủ về bệnh này và từ đó bệnh được mang tên ông. Ở Việt Nam, người ta vẫn quen gọi Basedow là bệnh bướu cổ lồi mắt.
Trong thực tế lâm sàng, bệnh Basedow thường có biểu hiện của hội chứng cường giáp: Bệnh nhân ăn nhiều, tinh thần bất ổn, mất ngủ hoặc khó ngủ, sụt cân rất nhiều, run tay v.v... và kèm theo bướu giáp lan tỏa.
Việc xác định chẩn đoán cần có sự thăm khám của các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết và Phẫu thuật Lồng ngực Tim mạch. Ngoài việc khám lâm sàng, cần phải làm thêm một số xét nghiệm chuyên biệt, trong đó quan trọng nhất là các xét nghiệm định lượng hormone tuyến giáp: T3, T4 & TSH. Trong một số trường hợp gặp khó khăn trong chẩn đoán, cần làm thêm xét nghiệm xạ hình và xạ ký tuyến giáp với iode đồng vị phóng xạ.
NHỮNG AI THƯỜNG MẮC BỆNH BASEDOW?
Basedow là một bệnh phổ biến trong các bệnh nội khoa nói chung và các bệnh nội tiết nói riêng. Bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, song phần lớn là ở độ tuổi lao động, do đó ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và năng suất lao động của bệnh nhân.
Ở các nước phương Tây như Mỹ, tỷ lệ người mắc bệnh chiếm từ 0,02-0,4% dân số, còn các vùng miền Bắc nước Anh tỷ lệ này lên đến 1%. Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh cũng khá cao, chiếm từ 10-39% những người có bướu giáp đến khám tại bệnh viện.
Trong số những người bị bệnh có đến trên 80% là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ từ 21-30 tuổi. Ðiều này rất quan trọng trong vấn đề lựa chọn phương pháp điều trị.
NGƯỜI BỆNH SẼ RA SAO NẾU KHÔNG ÐƯỢC ÐIỀU TRỊ?
Bệnh Basedow rất nguy hiểm cho hệ tim mạch, nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, bệnh nhân sẽ tử vong trong tình trạng suy tim, suy kiệt và đặc biệt là trong tình trạng cơn bão giáp, một biến chứng rất nặng của bệnh.
Khi bị cơn bão giáp, bệnh nhân sẽ sốt cao 40-410C, tinh thần hoảng loạn, lo lắng hoặc kích thích dữ dội, tim đập rất nhanh, có khi lên đến trên 150 lần một phút hoặc bị rung thất.
CÓ BAO NHIÊU PHƯƠNG PHÁP ÐIỀU TRỊ BASEDOW?
Mặc dù đến nay, những hiểu biết về cơ chế bệnh sinh của Basedow đã tương đối rõ ràng, nhưng vẫn chưa có một loại thuốc hay phương pháp điều trị nào giải quyết được nguyên nhân sinh bệnh.
Trong điều trị Basedow, chủ yếu vẫn là điều trị cường năng tuyến giáp bằng một trong ba phương pháp căn bản: Ðiều trị nội khoa với thuốc kháng giáp tổng hợp, điều trị bằng phẫu thuật và điều trị bằng iode đồng vị phóng xạ. Mỗi phương pháp điều trị đều có ưu và nhược điểm khác nhau. Việc lựa chọn phương pháp nào sẽ tùy thuộc vào tình hình bệnh tật, điều kiện xã hội, hoàn cảnh cụ thể của mỗi bệnh nhân cũng như kinh nghiệm của người thầy thuốc.
Ðiều trị bằng thuốc
Trong điều trị Basedow, dù lựa chọn phương pháp nào thì điều trị nội khoa vẫn là một phương pháp hữu hiệu để đưa bệnh nhân về tình trạng bình giáp và là cơ sở để giúp các phương pháp điều trị khác đạt kết quả tốt hơn. Trong điều trị nội khoa, thuốc kháng giáp tổng hợp vẫn là loại thuốc căn bản hàng đầu, các thuốc khác chỉ có vai trò hỗ trợ cho điều trị đạt kết quả tốt hơn. Mỗi loại thuốc sẽ tác dụng theo một cơ chế khác nhau. Việc điều trị thường chia làm hai giai đoạn: Tấn công và duy trì. Thời gian điều trị thường khá dài, từ 6-18 tháng, nếu điều trị càng lâu tỷ lệ tái phát càng thấp. Ðiều trị nội khoa đem lại một số ích lợi cho bệnh nhân như: ít biến chứng, không phải trải qua một cuộc phẫu thuật (là điều mà hầu hết người bệnh nước ta rất sợ). Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những điểm bất lợi như tỷ lệ tái phát rất cao (lên đến 75%), bệnh nhân bị một số biến chứng của việc dùng thuốc kháng giáp tổng hợp lâu dài và nhất là việc tồn tại của bướu giáp (gây mất thẩm mỹ và là nguyên nhân chính khiến nhiều bệnh nhân phải đi điều trị).
Ðiều trị bằng iode đồng vị phóng xạ
Ðược áp dụng trên thế giới từ năm 1948 và ở Việt Nam năm 1978. Bệnh nhân sau khi được khám lâm sàng và làm một số xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp sẽ uống một liều chất iode phóng xạ. Trong cơ thể, chất này sẽ phá hủy các tế bào tuyến giáp và làm giảm khả năng tổng hợp các hormone của tuyến giáp là chất gây ra bệnh. Phương pháp này có ưu điểm là bệnh nhân có thể khỏi bệnh sau khi sử dụng một liều thuốc, tránh được các biến chứng của phẫu thuật. Tuy nhiên, nó cũng có những nhược điểm quan trọng như: Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy việc dùng iode đồng vị phóng xạ không điều trị khỏi bệnh hoàn toàn, bướu giáp vẫn còn ảnh hưởng đến mặt thẩm mỹ và đôi khi làm suy giáp rất trầm trọng, làm nặng thêm các biến chứng về mắt (đặc biệt là làm mắt lồi hơn). Chính vì vậy, trong thực hành bệnh viện, chỉ nên sử dụng phương pháp này cho những bệnh nhân có thể bệnh nặng, trên 40 tuổi, bệnh kháng với thuốc kháng giáp tổng hợp, bị biến chứng nặng nề về tim mạch không thể tiến hành phẫu thuật, những bệnh nhân không muốn mổ v.v...
Ðiều trị bằng phẫu thuật
Mục đích của điều trị Basedow bằng phẫu thuật là cắt gần hoàn toàn tuyến giáp, chỉ giữ lại một phần nhỏ để duy trì chức năng tạo hormone bình thường. Mặc dù cuộc mổ có thể gây ra một số tai biến và biến chứng ngoài mong muốn như: khàn tiếng, hạ calci máu, nhiễm trùng vết mổ..., nhưng ngày nay với sự tiến bộ vượt bậc của y học và kỹ thuật mổ, tỷ lệ biến chứng trong các ca mổ tuyến giáp còn rất thấp, dưới 1%. Nhiều trung tâm và bệnh viện đã đạt đến trình độ nghệ thuật trong mổ bướu giáp - như lời của tác giả Pemberton.
Hiện ở nước ta, việc điều trị Basedow bằng phẫu thuật đang được nhiều bác sĩ và bệnh nhân chọn lựa vì giá thành của cuộc mổ khá rẻ so với các phương pháp điều trị khác, giải quyết nhanh tình trạng bệnh tật cho bệnh nhân và nhất là giải quyết được bướu giáp (hợp với quan điểm thẩm mỹ và là mối lo lắng, nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh tìm gặp thầy thuốc).
BỆNH BASEDOW - BAO GIỜ CẦN MỔ?
Hiện nay, theo những tài liệu và kinh nghiệm của các thầy thuốc ngoại khoa, người ta thường mổ cho những bệnh nhân thuộc bốn nhóm sau:
1. Những bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc ít nhất 3-6 tháng, nhưng nếu ngừng điều trị bệnh sẽ tái phát, tình trạng cường giáp tuy ổn định nhưng bướu giáp không nhỏ lại, thậm chí còn to ra thêm.
2. Bệnh Basedow với bướu giáp to, có các biểu hiện chèn ép gây khó thở hoặc ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ của bệnh nhân.
3. Bệnh nhân có bướu giáp thòng, không bị dị ứng hay phản ứng với các loại thuốc dùng để chuẩn bị phẫu thuật, bệnh nhân Basedow nhưng không trong tình trạng thai nghén.
4. Những bệnh nhân tuy đáp ứng tốt với điều trị nội khoa, nhưng cần phải phẫu thuật để tránh bệnh tái phát và vì những lý do rất tế nhị nhưng thực tế như kinh tế, nghề nghiệp, xã hội và thẩm mỹ. Theo một số chuyên gia hàng đầu về Basedow thì những lý do này chiếm một tỷ lệ rất lớn trong số những bệnh nhân đến khám và yêu cầu phẫu thuật.
Chú thích ảnh:
- Lồi mắt là dấu hiệu điển hình trong bệnh Basedow.