Mổ thắt ống thông động mạch bằng nội soi lần đầu ở Việt Nam
Cháu Toàn 24 giờ sau mổ. |
Viện Nhi Trung ương vừa công bố thực hiện thành công kỹ thuật mổ nội soi thắt ống thông động mạch cho một cháu bé 6,5 tháng tuổi. Bệnh nhân là cháu Vũ Trọng Toàn (Quảng Ninh), bị ho và viêm phổi kéo dài. Bệnh còn ống thông động mạch là bệnh rất nguy hiểm, có thể gây suy tim và tử vong nếu không được can thiệp.
Sau khi sinh, cháu Toàn rất khỏe mạnh, bụ bẫm. Từ tháng thứ tư năm ngoái, cháu liên tục bị ho và viêm phổi, đã chữa nhiều nơi nhưng không khỏi. Phần lớn các bác sĩ đều chẩn đoán là Toàn bị bệnh tim bẩm sinh. Một số khác cho là cháu mắc bệnh hen. Khi chuyển đến Viện Nhi, cháu được khẳng định là còn ống thông động mạch.
Ở người bình thường, sau khi sinh, ống nối giữa hai mạch máu lớn nhất đi ra từ tim (động mạch phổi và động mạch chủ) được hình thành trong thời kỳ bào thai sẽ teo lại, tạo thành một dải xơ. Ở bệnh nhân còn ống động mạch, ống này vẫn thông. Máu sẽ đi từ nơi có áp lực lớn (động mạch chủ) tới nơi có áp lực thấp (động mạch phổi), trào lên phổi và gây ứ huyết ở đây.
Vùng khoanh vàng là ống thông giữa động mạch chủ (trên) và động mạch phổi (dưới). |
Tại Việt Nam, từ trước tới nay, tất cả các bệnh nhân kiểu này đều được mổ hở để cắt hoặc thắt ống thông. Tuy nhiên, việc cắt nhiều cơ lồng ngực sẽ gây đau đớn cho bệnh nhân và kéo dài thời gian hồi phục. Trong trường hợp cháu Toàn, các bác sĩ đã quyết định áp dụng kỹ thuật mổ nội soi. Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ, được tiến hành ngày 20/2. Khoảng 24 giờ sau mổ, bệnh nhân đã hồi phục, ăn được, ngủ được; kết quả siêu âm tim cho thấy tất cả đều tiến triển tốt đẹp. Cháu đã ra viện sau đó 1 ngày trong tình trạng sức khỏe tốt.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng khoa Ngoại của bệnh viện, người chỉ đạo ca mổ, cho biết, đây là một ca rất khó khăn, nguy hiểm vì thầy thuốc phải can thiệp trực tiếp vào mạch máu. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây xuất huyết ồ ạt, không cầm lại được. Hiện trên thế giới, chỉ có một số trung tâm y tế hiện đại áp dụng phương pháp này.
Bệnh còn ống thông động mạch
Mỗi năm, Viện Nhi mổ cho hơn 100 trẻ mắc bệnh này. Bệnh viện dự định sẽ phẫu thuật nội soi cho những bệnh nhân dưới 12 tháng tuổi, có kích thước ống thông nhỏ và trung bình.
Đây là một bệnh tương đối phổ biến nhưng chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh, cũng chưa tìm thấy mối liên hệ huyết thống của căn bệnh này. Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân sẽ tránh được các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong. Việc phẫu thuật trên bệnh nhân lớn tuổi sẽ rất khó khăn vì đường kính ống quá lớn.
Theo tiến sĩ Liêm, bệnh không khó chẩn đoán. Cha mẹ hãy đưa con đến bệnh viện khám khi trẻ có những biểu hiện sau:
- Viêm phổi liên tục, tái phát nhiều lần.
- Ho hoặc suy dinh dưỡng kéo dài, chậm tăng cân.
Đối với y bác sĩ, khi tiếp nhận những trẻ này, nếu nghe tim thấy có tiếng thổi liên tục ở liên sườn 2 bên trái thì phải nghĩ ngay đến bệnh còn ống động mạch.
(Theo Khoa Học & Đời Sống)