NHỮNG BỆNH TIM MẠCH TRONG XÃ HỘI PHÁT TRIỂN
Tác giả : GS. TS. BS. NGUYỄN HUY DUNG
Trong xã hội phát triển, trên phạm vi toàn thế giới, người ta nhận thấy có sự gia tăng rất rõ rệt những bệnh tim mạch như:
1. Bệnh tăng huyết áp (THA).
2. Rối loạn lipid máu.
3. Bệnh xơ vữa động mạch (XVĐM), mà vùng động mạch thường bị xơ vữa nhất là động mạch vành. XVĐM vành tạo ra “bệnh tim thiếu máu cục bộ” với những căn bệnh quan trọng sau: Đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.
4. Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
5. Suy tim.
Chúng ta sẽ lần lượt đi sâu vào từng bệnh nêu trên, mà xét ra đều có liên quan chặt chẽ với sự gia tăng tốc độ phát triển công nghiệp, với tình trạng căng thẳng về mọi mặt trong xã hội hiện đại.
VÌ SAO GỌI LÀ “BỆNH CỦA XÃ HỘI PHÁT TRIỂN”
Những bệnh không lây nhiễm nêu trên cũng như ung thư... là vấn đề bệnh học cơ bản nhất trong y học hiện đại của toàn nhân loại. Một trong những nguồn căn của chúng là sự phát triển công nghiệp hiện đại với tốc độ chóng mặt, kèm theo là sự gia tăng nhịp độ và mức căng thẳng về mọi mặt trong đời sống, stress, nhiễm độc, việc đảo lộn cách ăn uống và nếp sống.
Nhiễm độc không chỉ xảy ra ở phạm vi toàn cầu như thủng tầng ô-zôn mà còn do ô nhiễm lưu thông, nạn nghiện hút thuốc lá, ma túy. Rồi thức ăn nhanh, khẩu phần ăn nhiều mỡ động vật, các chế phẩm công nghệ (đồ hộp); Tiếng ồn, lối sống thụ động... tất cả đều tác động xấu tới huyết áp, tới sự chuyển hóa lipid và đường trong máu, dẫn đến xơ vữa động mạch, bệnh động và tĩnh mạch chi dưới, béo phì...
NHỮNG BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH
Từ những điểm vừa trình bày về nguồn gốc dẫn đến các bệnh của xã hội phát triển, ta có thể đưa ra những đối sách ứng phó, tạm tóm gọn trong 4 mục sau đây:
+ Tạo mới sự tái thích nghi đối với vấn đề tăng tốc và kích thích quá mức (surstimulation). Với các yếu tố tác động từ bên ngoài thì đối sách phải là từ bên trong.
+ Rèn luyện tâm và trí tuyệt đối thanh thản, chủ động, biết hòa nhập thiên nhiên, có được một nhân sinh quan bao quát về lẽ sống.
+ Tạo nếp sống và làm việc có kế hoạch, khoa học.
Có biện pháp đối phó hữu hiệu trước các stress bất lợi của xã hội hiện đại như: chủ động với bất cứ tình huống nào, giữ tinh thần thoải mái và bình tĩnh, biết thưởng thức cái đẹp từ khoa học, văn học - nghệ thuật, tập luyện thể dục hoặc một số phương pháp chuyên biệt.
+ Chống nhiễm độc toàn diện, từ ô nhiễm môi trường, khói bụi, hút thuốc lá, nghiện rượu, ma túy, HIV, tiếng ồn... tới thói quen ăn uống không hợp lý (điều này rất quan trọng) như ăn quá mặn, quá ngọt, quá nhiều mỡ động vật; cụ thể như thức ăn nhanh gây thừa cân, béo phì, thức ăn toàn chế phẩm công nghệ, thiếu phức hệ vitamin chống tăng homocystein trong máu v.v...
Chống lối sống lười vận động do yêu cầu của công việc thời hiện đại, đây là yếu tố quan trọng bậc nhất. Thường xuyên luyện tập thân thể một cách phù hợp, không gắng sức...
MỘT SỐ BIỆN PHÁP CỤ THỂ
a. Stress: Áp dụng một số phương pháp chuyên biệt như: tâm lý liệu pháp, thư giãn (trong thể dục tĩnh, yoga, thôi miên...), khí công, mặc tưởng, thiền, đổi gió (chỗ ở, môi trường sống). Thường đem lại kết quả tốt, ít ra cũng dễ chịu; song không được bỏ các thuốc điều trị cần thiết.
b. Hút thuốc lá: Khoa học đã chứng minh chắc chắn đây là nguy cơ làm gia tăng các bệnh ung thư, bệnh hô hấp, tiêu hóa... đến những biến chứng tim mạch đủ loại. Cho nên bắt buộc phải bỏ hút thuốc lá.
Nghiện rượu cũng dứt khoát phải bỏ; chỉ dùng ít, không quá 300ml vang hoặc không quá 2 lon bia/ngày. Còn cà phê chỉ cần tránh nếu bị nhịp tim nhanh hoặc bị ngoại tâm thu. Chú ý không dùng nhiều cữ trong ngày.
c. Ăn mặn: Chính xác là cần giảm mặn (hạn chế mặn), chứ không phải tránh tuyệt đối (nếu quá cực đoan lại có hại và thật ra cũng không thể làm được). Bình thường, chúng ta thường dùng 6-15g NaCl/ngày (1 thìa cà phê muối là 6g).
Trường hợp nếu chế biến thức ăn không dùng chút mắm muối nào thì cũng sẽ cung cấp cho mỗi người từ 2-4g NaCl/ngày. Đó là đã hạn chế ăn mặn ở mức rất thấp, chỉ cần cho bệnh nhân tăng huyết áp hoặc suy tim trong thời gian ngắn khi bệnh nặng lên mà thôi. Cần chú ý mức này có thể gây tụt huyết áp mỗi khi đứng lên đột ngột, thậm chí gây “ngất tư thế đứng”.
Trong mục tiêu lâu dài phòng chống THA và các “bệnh thời đại” nói chung, việc ăn giảm mặn đối với toàn cộng đồng là điều hợp lý, nhưng chỉ “hạn chế mặn ở mức vừa phải” < 5g/ngày.
d. Chất béo: Trong khẩu phần, cần giảm các chất béo chứa acid béo no, tức mỡ động vật và cả dầu dừa. Nên giảm lượng mỡ “no” này xuống dưới 40-50g/ngày. Như vậy là hạn chế chứ không phải kiêng mỡ tuyệt đối; vả lại cũng không nên kiêng tuyệt đối vì có hại và trên thực tế cũng không thể làm được (vì mỡ có mặt cả trong cá, thịt hoàn toàn nạc v.v...).
Kèm theo vấn đề giảm mỡ lại còn vấn đề giảm cholesterol xuống dưới 300mg/ngày (có nhiều trong óc, gan, nội tạng động vật).
Để dễ dàng hơn trong việc ăn giảm mỡ và cholesterol, ta nên nâng tỷ lệ protein (đạm) và glucid (bột) trong khẩu phần ăn, tạo sự cân đối và hợp lý giữa các chất béo - đạm - bột, đồng thời chú ý bổ sung các loại rau quả.
e. Béo phì: Nó thúc đẩy cả tăng huyết áp (gấp 5 lần so với người không béo phì), cả rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tiểu đường, hội chứng chuyển hóa... Vì vậy, việc giảm cân có ý nghĩa rất lớn trong phòng ngừa và điều trị các “bệnh thời đại”, chẳng hạn giúp hạ được huyết áp hoặc góp phần điều trị các biến chứng tim mạch...).
Đánh giá mức béo phì ban đầu cũng như kết quả điều trị béo phì khá đơn giản, có thể dựa vào BMI (chỉ số khối lượng cơ thể) để phân chia các mức thừa cân.
Đối với việc giảm béo, cơ bản phải thực hiện 2 biện pháp đi đôi với nhau: (1) Giảm tổng calo của khẩu phần và (2) Chương trình luyện tập vừa sức, kiên trì.
g. Lợi ích của thể dục và lối sống năng động. Khoa học ngày nay đã chứng minh: Giảm tần số tim lúc nghỉ, giảm tần số tim cả lúc gắng sức (mức “dưới tối đa”), tăng mức tối đa sử dụng oxy, hạ được huyết áp là những yếu tố có lợi cho cơ quan vận động (làm tăng sức bền của xương và gân, khối lượng cơ, bề dày sụn khớp), có lợi cho hô hấp (tăng thông khí phổi và công tối đa, không biến đổi tần số thở lúc nghỉ), và có lợi cho chuyển hóa (giảm cholesterol máu, giảm cân).
h. Gắng sức quá mức khi tập thể dục. Làm sao để khi tập xong vẫn dễ chịu, không hồi hộp, đánh trống ngực, tự bắt mạch thấy vẫn đều và chưa vượt con số 120 trừ đi số tuổi của mình; nhất là không bị loạng choạng và có cảm giác kiệt sức. Cẩn thận hơn nên đo huyết áp (không tụt dưới mức huyết áp lúc nghỉ), làm điện tim không thấy lốc nhánh trái mới sinh, đoạn ST không chênh xuống hơn 3mm).
Tóm lại, nói chung trong xã hội hiện đại ngày nay, mỗi cá nhân cũng như các tổ chức sức khỏe và y tế cần ý thức đúng đắn nguy cơ của những căn bệnh nêu trên, từ đó đề ra các biện pháp phòng chống như thường xuyên theo dõi; có kế hoạch chăm sóc, rèn luyện, bảo vệ và tăng cường sức khỏe bản thân và mọi người trong cộng đồng.
Chú thích ảnh:
- Cấp cứu ngưng tim.
- Cấp cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim.
- Rèn luyện thân thể đều đặn giúp phòng tránh được bệnh tim mạch