HẠ HUYẾT ÁP
GS. VŨ ĐÌNH HẢI
Có người hỏi: Tại sao chỉ nghe nói nhiều đến tăng huyết áp (HA) mà
rất ít khi nghe nói đến hạ HA?
Thật vậy, HA cao từ lâu, cho đến nay, và cả trong tương lai nữa, được đưa
ra bàn bạc, nghiên cứu, giáo dục trong nhiều sách, báo, hội nghị trên toàn
thế giới. Còn HA thấp chỉ được nhắc đến qua loa trong một số tài liệu, mà
lại rải rác trong nhiều chương khác nhau!
Điều đó không phải là không có lý. Vì tăng HA là một bệnh rất phổ biến nhất
là trong các bệnh tim mạch. Biến chứng của tăng HA rất nặng nề, thí dụ tai
biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... Hơn nữa thuốc chữa tăng HA rất nhiều
và có hiệu quả rõ rệt, cách phòng tăng HA cũng đem lại ích nhiều lợi.
Trái lại hạ HA không gây biến chứng gì đáng kể, cách chữa, cách phòng đều
không được kết quả lắm.
Tuy nhiên, hạ HA cũng xảy ra với nhiều người mắc, và cũng gây nhiều khó
chịu cho người bệnh, nên không thể không bàn đến được.
Nhưng HA bao nhiêu gọi là thấp?
Nên phân biệt hai trường hợp.
Trường hợp thứ nhất là một người HA tâm thu (trước đây gọi là HA tối đa)
lúc bình thường vẫn trên 100mmHg trở lên, nhưng một lúc nào đó HA tâm thu
đột ngột xuống quá 40mmHg, thì gọi là tụt HA. Thí dụ từ 120 xuống còn 80,
hoặc 140 xuống còn 100.
Những nguyên nhân gì có thể làm HA tụt như vậy?
Thường thường cơ thể mất nước nhiều đột ngột như: tiêu chảy, nôn mửa...
hoặc mất máu lớn do tai nạn, vết thương gây chảy máu; có khi do chảy máu
trong khó nhận thấy như chảy máu dạ dày, chửa ngoài dạ con bị vỡ. Cũng có
khi, hiếm hơn, HA tụt do bệnh nặng như suy tim, nhồi máu cơ tim, ung thư,
nhiễm trùng nặng...
Những trường hợp tụt HA như vậy, phải nhanh chóng tìm bác sĩ giỏi khám bệnh
ngay mới tìm ra nguyên nhân để giải quyết kịp thời. Để chậm, tụt huyết áp
kiểu này rất nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Trường hợp thứ hai lại khác hẳn, HA bệnh nhân lần nào đo cũng thấp, HA tâm
thu xung quanh 90mmHg, mặc dù người đó vẫn đi lại, ăn uống, sinh hoạt bình
thường. Những người này chỉ hay cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, nhức đầu, ù tai
hoa mắt... một lúc lại đâu vào đấy. Đôi khi thấy trống ngực, vã mồ hôi, tái
mặt; hoặc đang nằm mà đứng dậy đột ngột thì hoa mắt, nặng có thể ngã hoặc
ngất đi vài giây.
Kiểu hạ HA này hay gặp trong cùng một gia đình, và hay thấy ở phụ nữ nhiều
hơn nam giới.
Những trường hợp hạ HA như vậy phải làm gì?
Tất nhiên là phải đi khám bệnh, nhưng các bác sĩ thường chỉ thấy rất ít dấu
hiệu bệnh lý; các xét nghiệm cũng hay cho kết quả bình thường: chụp chiếu,
điện tim, siêu âm cũng không phát hiện gì thêm... Có thể nói rằng dấu hiệu
duy nhất ở những trường hợp này là HA thấp!
Những huyết áp thấp "vô căn" đó, tuy không nguy hiểm biến chứng, nhưng có
cũng gây cho bệnh nhân nhiều phiền phức khó chịu, làm người bệnh phải giảm
"chất lượng sống" của người bệnh.
Để chữa những trường hợp này, cải tiến cách sống là chính, thuốc men chỉ
giúp thêm. Đây là những lời khuyên chính:
1. Ắn mặn hơn người thường. Dân ta ăn trung bình 10-12g muối mỗi
ngày, phòng và chữa bệnh tăng HA chỉ nên ăn nửa số lượng trên, tức 5g mỗi
này, nhưng người HA thấp nên ăn 10-15g, ăn mặn được bao nhiêu thì hy vọng
nâng được HA lên bấy nhiêu. Tất nhiên mặn quá "không nuốt được", nhưng không
có hại cho người HA thấp.
2. Thể dục thể thao đều đặn. Mỗi ngày, người bệnh nên tập thể dục ít
nhất 10-15 phút. Nên bắt đầu tập những môn nhẹ như đi bộ, sau tiến tới cầu
lông, bóng bàn; rồi đến những môn nặng hơn như chạy, bơi, tenis, điền kinh,
cử tạ... Chỉ những môn hay gây chóng mặt mới nên tránh như nhào lộn, nhảy
dù, leo cao...
3. Tăng cường ăn uống cho đủ cân nặng. Gầy quá HA sẽ thấp. Chú ý ăn
các chất protid (đạm) như thịt, cá, trứng, đậu tương; tăng ăn rau và quả để
thêm vitamin, chất xơ và chất khoáng. Nên ăn nhiều bữa nhỏ cho dễ tiêu.
4. Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, và nhất là bình tĩnh. Những xúc
động quá mạnh như sợ hãi, lo lắng, buồn nản có thể làm HA hạ thêm.
5. Cuối cùng, có thể dùng thêm một số thuốc theo hướng dẫn của thầy
thuốc. Đa số thuốc này chỉ nâng HA được vài tiếng đồng hồ, sau đó HA lại
xuống như cũ. Tuy vậy, chúng cũng có ích nhất thời, khi HA xuống quá gây khó
chịu. Thí dụ: Heptamyl, Coramin, long não... Những thuốc mạnh hơn như
Fludrocortison dùng khó, phải có bác sĩ theo dõi chặt chẽ.