Lợi ích của việc chẩn đoán sớm bệnh lý động mạch ngoại vi
Tác giả : BS. NGUYỄN LÂN ÐÍNH
ÐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ
Những người trên 70 hoặc trên 50 tuổi có tiền sử bị tiểu đường hoặc hút thuốc, đều có thể xếp vào đối tượng nguy cơ bị bệnh lý động mạch ngoại vi (BLÐMNV) (Peripheral Arterial Disease - PAD). Căn bệnh này có thể dẫn tới đau chân nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại. Nhưng điều quan trọng hơn, sẽ làm tăng nhiều lần nguy cơ xảy ra những tai biến ở não và ở tim (Bệnh nhân BLÐMNV dễ bị đột quỵ hoặc những cơn đau tim hơn). Như vậy vấn đề chẩn đoán sớm bệnh là việc rất quan trọng.
Bệnh thường chỉ xảy ra ở những người có tuổi (sau 50 tuổi), cũng giống như bệnh cao huyết áp.
Hiện nay ở Mỹ, người ta bắt đầu chú ý tới BLÐMNV chính vì tính cách "thông thường" của nó. Ước tính chỉ riêng ở Mỹ hiện đã có tới 8-12 triệu người bị BLÐMNV. Bệnh xuất hiện khi động mạch bị mỡ đóng mảng, gây tắc nghẽn không dẫn đủ máu tới chân - nói chung là xuống chi dưới.
Trước nay, người ta thường chỉ nói tới động mạch vành tim (nhồi máu cơ tim), hay các động mạch đưa máu lên não (tai biến mạch máu não). Nhưng giờ đây, chúng ta nên lưu ý tới các triệu chứng đau chân ở người lớn tuổi, ảnh hưởng không tốt tới việc đi lại và sinh hoạt hàng ngày.
TRIỆU CHỨNG BLÐMNV
Theo cách mô tả kinh điển, khi bị BLÐMNV, bệnh nhân phải đi cà nhắc (claudication) vì đau cơ bắp chi dưới. Nhiều khi chứng đau biểu hiện dưới dạng vọp bẻ (cramping), nhưng đôi khi chỉ có cảm giác mỏi (fatigue) hoặc đau nhức (aching), tê dại (numbness). Vị trí các triệu chứng nói trên xuất hiện thường nhất là ở bắp chuối, nhưng cũng có thể ở cơ bắp đùi (thigh) hoặc mông (buttock). Các khớp không có triệu chứng gì.
Ðiều này rất đáng lưu ý đối với người lớn tuổi bỗng dưng ít đi lại, những không phải vì đau khớp.
LÀM THẾ NÀO ÐỂ CHẨN ÐOÁN BLÐMNV?
Ngoài các triệu chứng lâm sàng kể trên, chỉ cần đến bác sĩ đo huyết áp, so sánh huyết áp chi trên với huyết áp chi dưới là có thể xác định được vấn đề.
Trước nay, chúng ta thường chỉ quen đo huyết áp ở cánh tay, nhưng hiện nay đã có thể tự đo huyết áp ở cổ tay, thậm chí ở ngón trỏ, miễn là đặt băng thắt ở ngang tầm mức tim. Với BLÐMNV, người ta chỉ cần đo thêm huyết áp ở mắt cá chân là có thể chẩn đoán được bệnh, vì định nghĩa chuẩn xác (standard definition) của BLÐMNV là có một chỉ số (áp huyết) mắt cá chân - cánh tay bất thường (abnormal value of the ankle-brachial index). Chỉ số mắt cá chân - cánh tay (ankle-brachial index = ABI) là thử nghiệm được thực hiện với một ống nghe điện tử (electronic stethoscope) và một băng thắt đo huyết áp thông thường ở phòng khám. Thử nghiệm tiến hành đo huyết áp ở mắt cá chân và cánh tay, do đó bác sĩ có thể dễ dàng so sánh huyết áp ở hai vị trí này. Khi nhận thấy huyết áp ở mắt cá chân thấp hơn ở cánh tay, có nghĩa là động mạch giữa tim và chi dưới bị tắc nghẽn. Tức là có bệnh lý động mạch ngoại vi.
Hiện nay đã có nhiều phương tiện "hiện đại" để chẩn đoán bệnh tim mạch, tuy nhiên phí tổn thực hiện các xét nghiệm này cũng rất cao. Chẳng hạn với máy Doppler, người ta có thể vừa nghe vừa nhìn thấy hình ảnh tim đập. Trong khi đo huyết áp lại rất dễ dàng và đơn giản, không tốn kém, chỉ khoảng 10 phút là có kết quả ngay; Lại không gây biến chứng, không có tác dụng phụ, không đau!
CÁC XÉT NGHIỆM MÁU KHÁC
Không cần thiết cho việc chẩn đoán bệnh mà là để "kiểm tra tình trạng sức khỏe tổng quát". Những người ở tuổi này, nhất là nếu có tiền sử tiểu đường, cần kiểm tra định kỳ đường huyết (blood sugar), hoặc có ý nghĩa hơn nữa là hemoglobin A1c, đo cholesterol trong máu và một số xét nghiệm máu khác căn cứ vào tình trạng sức khỏe tổng quát như: creatinine, huyết sắc tố v.v...
KINH NGHIỆM Ở MỸ
Tại 27 trung tâm tim mạch địa phương (mỗi trung tâm phục vụ cho khoảng 15-20 phòng khám chăm sóc sức khỏe ban đầu), người ta tiến hành khảo sát xem mỗi phòng khám có bao nhiêu người tới kiểm tra sức khỏe, và từ đo huyết áp mà phát hiện ra bệnh nhờ đánh giá chỉ số ABI. Kết quả đã sàng lọc được gần 7.000 bệnh nhân và phát hiện có khoảng 29% trong số họ bị bệnh động mạch ngoại vi. Ðiều đáng lưu ý là đến 1/2 các trường hợp được chẩn đoán có bệnh nhưng ngay cả các bác sĩ điều trị cũng không hề biết.
Nói tóm lại, ở Mỹ có khá nhiều người rõ ràng có nguy cơ lên cơn đau tim hay bị đột quỵ, nhưng không hề biết là mình đang trong tình trạng bị BLÐMNV.
NHỮNG VIỆC CẦN LÀM
Người trên 50 tuổi nếu nghi ngờ mình bị BLÐMNV nên yêu cầu bác sĩ đo huyết áp ở cánh tay và mắt cá chân để xác định Chỉ số mắt cá chân - cánh tay (ankle-brachial index = ABI). Khi đã bắt được mạch mắt cá chân ở bên trong đầu xương chày, đeo băng thắt phía trên và tiến hành đo huyết áp giống như ở cánh tay.
Phát hiện sớm bệnh là vấn đề rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến điều trị sau này.
- Nếu đang hút thuốc lá thì cần cai ngay.
- Nếu bị tiểu đường, cao huyết áp, hoặc/và cholesterol cao, cần ổn định huyết đường lượng, huyết áp, lượng cholesterol huyết v.v... bằng biện pháp tiết thực và thuốc men...
TÓM LẠI
Trên tinh thần "Không bao giờ quá muộn nếu muốn cải thiện sức khỏe", một khi phát hiện sớm BLÐMNV ở người lớn tuổi, các bác sĩ sẽ có biện pháp giúp họ cải thiện sức khỏe, duy trì được những sinh hoạt bình thường cũng như mọi chức năng sinh lý, phòng tránh được các cơn đau tim hay đột quỵ, giúp cho chất lượng cuộc sống tốt hơn"!
Chú thích ảnh:
Ðo huyết áp ở cả tay và mắt cá chân có thể chẩn đoán được bệnh lý động mạch ngoại vi.