PHÁT HIỆN MỚI VỀ TÁC DỤNG GIẢM NGUY CƠ ÐAU TIM & TIỂU ÐƯỜNG CỦA PRAVASTATIN
Tác giả : BS. NGUYỄN LÂN ÐÍNH
HAI LỢI ÍCH BẤT NGỜ CỦA PRAVASTATIN
Theo kết quả một công trình nghiên cứu dịch tễ học, được công bố từ tháng 1/2001: Pravastatin, một loại thuốc làm hạ cholesterol huyết, vừa được khám phá còn có tác dụng phụ làm giảm nguy cơ đột quỵ và tiểu đường.
Mặc dù đã căn cứ vào số liệu phân tích từ hàng ngàn bệnh nhân, nhưng nghiên cứu vẫn chưa giải đáp được hai thắc mắc, thứ nhất là cơ chế của "tác dụng phụ" này ra sao?; Và thứ hai là các statin khác được sử dụng khá phổ biến có tác dụng phòng tránh bệnh như Pravastatin không?
Hiện nay trên thị trường có trên 6 dược phẩm thuộc nhóm statin: Ngoài Pravastatin, do Công ty Bristol-Meyers Squibb đưa ra thị trường dưới tên biệt dược Pravachol, còn có Atorvastatin (tên biệt dược [tbd] = Lipitor), Cerivastatin (tbd = Baycol), Fluvastatin (tbd = Lescol), Lovastatin (tbd = Mevacor) và Simvastatin (tbd = Zocor).
Người ta còn nhớ vào tháng 11/ 2000, các nhà dịch tễ học đã đưa tin: Họ nhận thấy có hiện tượng suy giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer và các chứng mất trí khác ở những người dùng nhiều loại thuốc làm hạ cholesterol - huyết.
Theo GS. Robert P. Byington, phụ trách môn Dịch tễ học tại trường Y khoa Ðại học Wake Forest: Khám phá mới về Pravastatin và chứng đột quỵ đến với mọi người khá bất ngờ, vì lẽ trước nay các bác sĩ vẫn nghĩ rằng nếu có dùng một loại thuốc giúp giảm hàm lượng chất béo trong máu cũng sẽ không giảm được chút nào tỷ lệ đột quỵ".
Bản báo cáo của GS. Byington căn cứ vào những dữ liệu thu thập được từ 3 công trình nghiên cứu trên gần 20.000 bệnh nhân ở Mỹ, Scotland, Canada và Úc. Họ đã bị những cơn đau tim hoặc từng nhập viện vì cơn đau thắt ngực nghiêm trọng. Một nửa trong số họ đã được cho uống Pravastatin, nửa còn lại chỉ nhận được giả dược placebo không có hoạt tính. Qua theo dõi trên 5 năm, các bệnh nhân uống Pravastatin đã giảm được 20% nguy cơ bị đột quỵ so với nhóm dùng giả dược, đồng thời hiệu lực bảo vệ cơ thể cũng toàn diện hơn. Theo lời GS. Byington: "Ưu điểm của phương pháp phân tích là khi tập hợp các dữ liệu từ ba cuộc thử nghiệm riêng lẻ, người ta có thể phân tầng kết quả theo tuổi, giới tính, thói quen hút thuốc, mức lipid huyết thanh cũng như có uống thuốc hạ huyết áp hay không? Và kết quả cho thấy những ca có dùng Pravastatin đã giảm tỷ lệ bị đột quỵ".
TÌNH CỜ PHÁT HIỆN CÓ TÁC DỤNG TỐT ÐỐI VỚI BỆNH TIỂU ÐƯỜNG
Một báo cáo từ nhóm nghiên cứu do BS. Allan Gaw chủ trì (Ðại học Glasgow, Scotland), qua phân tích các dữ liệu từ cuộc nghiên cứu Phòng ngừa bệnh mạch vành vùng tây Scotland (nhằm xác định hiệu quả của Pravastatin trong việc phòng tránh các cơn đau tim ở những người bị cholesterol cao) cũng tình cờ khám phá được một tác dụng phụ khác của Pravastatin:
Trong số 5.974 nam bệnh nhân ở nhóm được khảo sát, có 153 bị phát sinh tiểu đường (TÐ). So với nhóm bệnh nhân chỉ được uống giả dược placebo, tỷ lệ bị TÐ ở nhóm uống Pravastatin thấp hơn 30%.
Theo BS. Daniel Levy, chủ trì công trình nghiên cứu tim Framingham của Viện tim - phổi - máu (Mỹ): Hiện tượng giảm tỷ lệ TÐ này là "một khám phá đáng phấn khởi". Tuy nhiên vì số bệnh nhân còn ít nên cần phải xác định lại kết quả. Theo ông, hiện một số các thử nghiệm đang được xúc tiến nhằm xác định hiệu lực và kết quả của Pravastatin và những thuốc statin khác.
BS. Levy qua phân tích đã chỉ ra các thuốc statin có thể cho tác dụng phòng tránh bệnh TÐ bằng nhiều cách. 1/ Do khả năng làm giảm mức triglycerid trong máu - là chỉ số sinh hóa thường gắn liền với bệnh TÐ; 2/ Có thể là thông qua thuộc tính kháng viêm của thuốc; 3/ Có thể do tác động của thuốc trên chức năng lớp màng lót bên trong (endothelium) các mạch máu.
Trong khi các công trình nghiên cứu đang được tiến hành, GS. Byington đã đưa ra lời khuyên cần thận trọng và dè dặt về việc sử dụng statin để trị liệu: Nếu có bằng chứng là bị cơn đau tim hay đau thắt ngực nghiêm trọng, loại thuốc đặc hiệu này rất đáng được sử dụng. Còn bất cứ ai tính đến chuyện dùng một thuốc statin nhằm mục đích khác, ngoài chỉ định làm giảm mức cholesterol - huyết vẫn thường được chấp nhận, nên hỏi ý kiến bác sĩ về những điều mình chưa biết và tác dụng phụ của thuốc.
Chú thích ảnh: Hình ảnh tác động của thuốc statin lên mảng cholesterol.