XƠ VỮA ĐỘNG MẠCH
BS. PHAN HỮU PHƯỚC
Thạc sĩ Lão khoa - BV NGUYỄN TRÃI
Xơ vữa động mạch còn có tên khác là vữa xơ động mạch, xơ mỡ động mạch
hay nhiễm mỡ xơ mạch là một dạng phổ biến của xơ cứng động mạch. Xơ cứng
động mạch (Arteriosclerosis) là rối loạn của động mạch đặc trưng bởi tiến
trình dầy và cứng của thành động mạch làm giảm hoặc mất tuần hoàn qua động
mạch. Dạng phổ biến của xơ cứng động mạch là xơ mỡ động mạch
(atherosclerosis) đặc trưng bởi sự lắng đọng chất mỡ ở động mạch có kích
thước vừa và lớn. Xơ mỡ động mạch và biến chứng của nó là nguyên nhân gây tử
vong hàng đầu tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Bệnh lý ở tim, não
thường là hậu quả của trực tiếp của quá trình tích tụ mỡ làm suy yếu động
mạch cung cấp chất dinh dưỡng cho những cơ quan sống còn này.
Vì sao lại bị xơ vữa động mạch?
Xơ vữa động mạch là tiến trình tự nhiên trong quá trình lão hóa. Quá trình
này thực sự đã xảy ra từ những năm 20 tuổi kéo dài cho đến tuổi trên 40 rõ
nhất là sau 60 tuổi thì bắt đầu xuất hiện các biến chứng như thiếu máu cục
bộ cơ tim gây cơn đau thắt ngực, thiếu lên não nặng hơn là tai biến mạch máu
não, thiếu nuôi ở chân gây cơn đau ở chân khi đi lại nhiều... Người ta nhận
thấy có những yếu tố sau đây thúc đẩy quá trình xơ mỡ động mạch: cao huyết
áp, hút thuốc lá, bệnh tiểu đường, béo phì, tăng cholesterol máu và những
thành phần mỡ gây hại khác trong máu. Những yếu tố khác cũng ảnh hưởng xấu
đến tiến trình xơ mỡ động mạch là ít vận động thể lực, yếu tố gia đình. Tiến
trình xơ mỡ động mạch ở nam nhanh hơn ở nữ, bệnh động mạch vành tim ở nam
cao gấp 6 lần so với nữ ở tuổi 35 - 44.
Cần lưu ý tăng cholesterol máu không phải là nguyên nhân của xơ vữa
động mạch. Nghĩa là người có cholesterol máu bình thường vẫn bị xơ mỡ động
mạch.
Xơ vữa động mạch gây nguy hiểm gì?
Hậu quả của xơ mỡ động mạch là giảm lượng máu nuôi các cơ quan quan trọng
trong cơ thể.
- Tại tim làm hẹp động mạch đến nuôi tim, gây ra cơn đau thắt ngực, nặng
hơn là nhồi máu cơ tim.
- Tại não làm giảm lượng máu đến nuôi não, gây ra hiện tượng chóng mặt, tê
người, yếu liệt, nói đớ, thậm chí là té xỉu nặng nhất là tai biến mạch máu
não.
- Nếu động mạch đến nuôi chân bị ảnh hưởng, người bệnh có cảm giác đau ở
chân khi đi nhiều, ngồi nghỉ chốc lát thì đỡ đau nếu đi tiếp tục thì đau
xuất hiện lại. Trong y học gọi là đau cách hồi.
- Nếu động mạch đến nuôi thận bị hẹp có thể dẫn đến tổn thương thận.
- Tác hại khác là sự hình thành cục máu đông (thrombus) kết hợp với xơ mỡ
động mạch có thể gây ra nguy hiểm như cục máu đông theo dòng máu đến não có
động mạch não bị hẹp do xơ mỡ động mạch có thể gây tắc nghẽn làm máu không
đến nuôi não được và lúc này tai biến mạch máu não xảy ra. Nếu cục máu đông
chạy xuống chân gây tắc nghẽn có thể là hoại thư chân.
Điều trị xơ mỡ động mạch như thế nào?
Vì xơ mỡ động mạch là tiến trình tự nhiên trong quá trình lão hóa nên những
can thiệp vào quá trình này cũng rất hạn chế. Chúng ta có thể giảm thiểu tối
đa các yếu tố thúc đẩy quá trình xơ mỡ động mạch bằng các biện pháp:
- Ngừng hút thuốc lá
- Giảm cân nặng, không để bị béo phì
- Giảm cholesterol trong thức ăn
- Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, cao huyết áp, mỡ trong máu cao
- Khi đã có hiện tượng hẹp tắc động mạch đến nuôi tim, não, bác sĩ sẽ cho
dùng thêm các loại thuốc cần thiết khác.
TẮNG CHOLESTEROL TRONG MÁU
Tăng cholesterol máu hay còn gọi là tăng mỡ trong máu, rối loạn mỡ trong
máu. Trong bệnh lý này có tăng mỡ gây hại và giảm thành phần mỡ bảo vệ cho
cơ thể.
Cholesterol không phải là chất hoàn toàn gây hại cho cơ thể. Chúng ta không
thể sống được nếu không có cholesterol. Cholesterol là thành phần cấu tạo
chủ yếu của màng tế bào, sợi thần kinh, và của nhiều nội tiết tố trong cơ
thể. Ngoài ra gan còn dùng cholesterol sản xuất ra acid mật giúp ta tiêu hóa
thức ăn.
Cholesterol có 2 nguồn gốc:
w Từ thức ăn hàng ngày trong thịt mỡ, trứng... chiếm 20% nhu cầu
cholesterol trong cơ thể.
w Do gan tạo ra chiếm đến 80%. Gan có khả năng tổng hợp cholesterol từ
những chất khác như đường đạm.
Mỡ trong máu hiện diện dưới 2 dạng chính là cholesterol và triglycerid.
Cholesterol được mang đi trong máu nhờ kết hợp với một chất có tên là
lipoprotein. Có nhiều loại lipoprotein, loại có trọng lượng phân tử cao có
tên là HDL, loại có trọng lượng phân tử thấp có tên là LDL, và nhiều loại
lipoprotein khác mà ngày nay người ta chưa xác định được hết.
Cholesterol kết hợp với HDL được ký hiệu là HDL-c là một dạng cholesterol
bảo vệ cho cơ thể chúng sống lại quá trình xơ mỡ động mạch bằng cách mang
cholesterol từ trong thành mạch ra ngoài.
Trong cơ thể luôn có sự cân bằng giữa 2 quá trình gây hại và bảo vệ. Cho
nên khi ta dùng từ tăng cholesterol hay tăng mỡ trong máu để chỉ tình trạng
này là không chính xác mà ta phải gọi là rối loạn lipoprotein trong máu
nghĩa là có tăng thành phần gây hại và giảm thành phần bảo vệ.
Như vậy khi muốn biết có bị tăng cholesterol trong máu hay không ta cần làm
những xét nghiệm gì:
Xét nghiệm đầy đủ để đánh giá tình trạng mỡ trong máu gồm 4 thành phần:
- Cholesterol toàn phần
- LDL-cholesterol
- HDL-cholesterol
- Triglycerid
(cholesterol toàn phần là tổng của LDL-c và HDL-c với một số thành phần
khác)
Để đánh giá xét nghiệm chúng ta cần lưu ý:
Loại mỡ trong máu |
Bình thường |
Không tốt |
Cholesterol toàn phần LHD-c HDL-c Triglycerid |
Dưới 200mg% Dưới 130mg% Trên 45mg% Dưới 160mg% |
Trên 240mg% Trên 160mg% Dưới 35mg% Trên 200mg% |
Khi xem kết quả xét nghiệm ta cần lưu ý sự cân bằng giữa thành phần bảo vệ
và thành phần gây hại. Nếu thành phần gây hại LDL-c cao nhưng thành phần bảo
vệ HDL-c cũng cao thì ít gây lo ngại. Còn nếu thành phần gây hại cao và
thành phần bảo vệ thấp thì nguy hiểm hơn. Ngoài ra khi đánh giá mức độ nguy
hiểm của tình trạng tăng cholesterol chúng ta phải lưu ý đến tuổi, có bệnh
tim mạch hay tiểu đường, cao huyết áp đi kèm theo hay không...
Ví dụ ta thử đánh giá kết quả xét nghiệm cholesterol máu của 1 người nam 48
tuổi, cân nặng 48kg, cao 168cm nhân dịp khám sức khỏe định kỳ:
Cholesterol toàn phần 260mg%
HDL-c 60mg%
LDL-c 170mg%
Triglycerid 180mg%
Nhận xét: Có tăng không nhiều các thành phần gây hại như cholesterol
toàn phần, LDL-c và Triglycerid nhưng thành phần bảo vệ còn cao HDL-c =
60mg%. Anh này không có bệnh tim mạch hay tiểu đường, tuổi cũng không cao
nên chưa cần dùng thuốc điều trị hạ cholesterol vội mà có thể áp dụng phương
pháp điều trị hạ cholesterol không dùng thuốc.
Trong phần điều trị không dùng
thuốc nếu thực hiện tốt bạn có thể giảm được 15% - 20% cholesterol máu. Điều
trị không dùng thuốc gồm các phần sau đây:
- Ngưng hút thuốc lá
- Thay đổi chế độ ăn uống
- Tập thể dục thể thao
Ngưng hút thuốc lá là việc làm cần thiết quan trọng với bệnh nhân tăng
cholesterol máu, thuốc lá là yếu tố góp phần làm thúc đẩy quá trình xơ mỡ
động mạch và làm tăng cholesterol gây hại LDL.
Trong chế độ ăn uống bạn cần lưu ý 3 vấn đề
1. Nếu bị béo phì hay dư cân nặng bạn nên giảm ăn chất béo: gần như
bạn nên giới hạn ăn tất cả các loại chất béo như dầu, mỡ, bơ, kem... Chất
béo ăn vào hàng ngày không quá 30% nhu cầu năng lượng của cơ thể.
2. Giảm ăn mỡ bảo hòa: đừng ăn quá 1/3 mỡ bảo hòa trong nhu cầu chất
béo hàng ngày. Mỡ bảo hòa có trong thành phần bơ, phô mai, kem, chocolate,
dầu dừa... Bạn cũng cần lưu ý là shortening và margaring cũng làm tăng
cholesterol máu.
3. Giảm cholesterol trong bữa ăn hàng ngày: đừng ăn quá 300mg
cholesterol mỗi ngày. Tránh ăn các loại thức ăn có nhiều cholesterol như:
cream, trứng, phủ tạng động vật như gan, lưỡi.
Ngoài việc kiêng cữ trong ăn uống thì việc tập thể dục sẽ góp phần tăng tác
dụng của việc kiêng ăn. Bác sĩ điều trị sẽ đề nghị bạn hình thức tập thể dục
và chơi thể thao phù hợp với sức khỏe của bạn.
Tập thể dục thể thao nhịp nhàng dưới các hình thức: đi bộ, chạy bộ, đạp xe
đạp,... ở mức độ không gắng sức là phù hợp.
Tập đủ thời gian và thường xuyên: Đây là điều không dễ dàng, mỗi lần tập cố
gắng đủ thời gian 30 - 45 phút, ít nhất tập thường xuyên 3 lần trong 1 tuần.
Nếu bạn bị béo phì, dư cân nặng và không tập thể dục nhiều năm nay nên
quyết tâm tập luyện, lúc đầu tập ít sau tăng dần cố gắng tập đều đặn. Lúc
đầu có thể thấy mệt, buồn ngủ vào buổi sáng sau tập nhưng bạn sẽ quen dần và
thấy khỏe hơn.
Duy trì và phát triển vận động: cố gắng xây dựng thời khóa biểu tập thể dục
thể thao. Coi đó như là một thú vui. Bạn có thể xây dựng nhóm bạn cùng tham
gia chương trình tập thể dục thể thao.
ĐIỀU TRỊ CÓ DÙNG THUỐC
Sau khi áp dụng chế độ điều trị không dùng thuốc mà vẫn không cải thiện
được tình trạng rối loạn cholesterol máu, đặc biệt là LDL còn cao thì bác sĩ
sẽ cho bạn dùng thêm thuốc hạ cholesterol máu. Bạn nên dùng dưới sự chỉ định
và theo dõi của bác sĩ vì thuốc ngoài tác dụng hạ cholesterol máu còn gây
nhiều tác dụng phụ khác.
Hiện nay có nhiều nhóm thuốc hạ cholesterol máu: nhóm fibrate, nhóm statin,
nhóm resin, nhóm niacin.
Nhóm firate như: Fenofibrate (Lypanthyl), Gemfibrozil (Lopid)... là những
thuốc có tác dụng hạ triglyceri, LDL-c, làm tăng HDL-c.
Nhóm statin như: Fluvasstatin (Lescol), Lovastatin (Mevacor), Simvastatin
(Zocor), Pravastatin (Pravacholesterol), Atorvastatin (Lipitor), Cervastatin
(Baycol) là những thuốc có tác dụng hạ cholesterol máu mạnh. Khi dùng phối
hợp với Niacin có thể giảm nguy cơ cơn đau tim tái phát lần 2.
Nhóm niacin: có tác dụng làm giảm LDL-c, Triglyceri để làm tăng HDL-c.
Nhóm resin như: Cholesterolestyramine (Questran), Colestipol (Colestid)
được dùng hơn 20 năm nay có tác dụng làm giảm cholesterol máu.
Nếu điều trị tốt rất có lợi cho sức khỏe của bạn. Theo Tổ chức sức khỏe thế
giới cho biết nếu cholesterol toàn phần giảm được 23mg% ở người tuổi 40 sẽ
giảm 54% nguy cơ bệnh tim mạch, còn ở tuổi 70 thì giảm 20% nguy cơ có bệnh
tim mạch. Còn nếu HDL-c tăng 1,2mg% thì giảm được 3% nguy cơ bệnh tim mạch.
Kế hoạch lâu dài
Khi cơ thể đã có vấn đề về rối loạn cholesterol máu bạn nên có kế họach lâu
dài. Nên thực hiện tốt việc điều trị không dùng thuốc. Việc dùng thuốc phải
dưới sự kiểm soát của bác sĩ vì các thuốc hầu hết có hại cho gan và gây
nhiều tác dụng phụ khác. Điều quan trọng là hầu hết các thuốc này khá đắt
tiền mà thời gian điều trị có thể kéo dài trong nhiều năm.